Nghị lực mạnh mẽ của chàng trai không chân say mê Văn họcKhi sinh ra Lê Văn Chiến đã bị cụt đôi chân do ảnh hưởng của chất độc da cam từ người bố. Không đầu hàng số phận, bằng nghị lực phi thường, Chiến đã chiến thắng bản thân mình và ghi danh vào đại học. "Bố không về lấy ai chạy thóc" Tiếp chúng tôi trong căn phòng tập thể nội trú của các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam tại làng trẻ Hòa Bình (Thanh Xuân, Hà Nội), chàng trai Lê Văn Chiến (SN 1991, ở thôn Nội Xuân, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) có khuôn mặt sáng sủa, nước da trắng, ăn nói lưu loát như bao người bình thường khác. Chiến chia sẻ: "Khi em sinh ra đã không có chân. Lúc đó còn nhỏ quá nên em cũng chưa ý thức được mình thiệt thòi hơn các bạn. Em chỉ khóc khi nhìn các bạn tung tăng chạy nhảy, vui đùa mà không thể chơi cùng. Đến tuổi đi học, em cũng không hiểu tại sao bố mẹ không cho em đến trường như các bạn khác. Sau này em mới hiểu, bố mẹ không muốn cho em đi học sợ bị các bạn trêu chọc, em sẽ tủi thân và oán trách bố mẹ "tại sao không sinh con ra có đầy đủ chân tay". Hơn nữa lúc đó kinh tế gia đình nhà em cũng khó khăn lắm, bố mẹ đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Em mà đi học, bố mẹ sẽ phải thay nhau đưa đón, như thế sẽ rất mất thời gian và ảnh hưởng đến công việc". Bố mẹ đi làm, Chiến ở nhà lủi thủi chơi một mình, lê la, thậm chí "bò ra đất" từ trong nhà ra ngõ chỉ để nhìn chúng bạn đi qua hay đang tung tăng chạy nhảy mà ứa nước mắt. Tiếng là ở nhà với bà nội, nhưng thật ra bà nội Chiến không được như người "bình thường" kể từ khi nhận được tin bố em bị thương ngoài chiến trường không biết sống chết ra sao. Bố Chiến là con trai duy nhất nên bà đã bị sốc nặng và ảnh hưởng đến thần kinh từ đó. Một năm buồn chán và tủi phận, ngày qua ngày, Chiến lầm lũi và cô đơn ở nhà không bạn bè. Những đứa trẻ hàng xóm thì xa lánh, nhìn thấy Chiến không có chân mà không dám đến gần, nói chi là chơi cùng. Năm học mới rồi cũng đến, em khóc và đòi bố mẹ cho đi học bằng được. Với Chiến lúc đó không phải đi học vì "con chữ" mà chỉ để nói chuyện, được chơi mà hơn hết là được hòa nhập với các bạn cùng trang lứa. Thương con và cũng không còn cách nào khác, bố mẹ Chiến đành phải gật đầu đồng ý. Lê Văn Chiến bùi ngùi nhớ lại: "Những ngày đầu đi học bố mẹ thay nhau đưa đón em. Nhà em cách trường cũng chỉ 5-10 phút đi bộ, nhưng nhiều hôm bố mẹ cõng em đi học từ 5h sáng để còn kịp đi làm luôn. Em ở trường một mình khi trời vẫn còn chưa sáng là chuyện bình thường, mới đầu còn sợ nhưng dần em cũng quen".
Lê Văn Chiến là người đầu tiên đỗ đại học tại làng trẻ Hòa Bình Hình ảnh xúc động một em học sinh lớp một cụt chân vẫn ngày ngày đến trường trên lưng bố, bám trên đôi vai gầy của mẹ dù mưa hay nắng. Có những hôm bố mẹ chưa đến kịp giờ tan lớp, các bạn đã về hết em "sách cặp" bằng cách ngậm quai cặp và dùng hai tay di chuyển ra cổng trường chờ bố mẹ đến đón. Có hôm bố mẹ đi vắng, không có ai đưa đón Chiến đi học, nhưng em không cho phép mình được nghỉ học và đã quyết tâm bằng chính sức lực của mình "bò đến lớp". Sau này, đài truyền hình Bắc Giang đã ghi lại hình ảnh xúc động ấy và phát trên sóng truyền hình. Thước phim đãä khiến bao người rơi nước mắt và vô cùng khâm phục cậu bé tàn tật mà ham học. Qua chương trình này, làng trẻ Hòa Bình đã giang tay đón Chiến về cho ăn học và giúp chiến có đôi chân giả để đi lại. Lê Văn Chiến ngậm ngùi nhớ lại: "Hồi mới được các cô ở làng trẻ đón về, em còn bé lắm nên suốt ngày khóc vì nhớ nhà, nhớ bố mẹ. Mới đầu em cũng không biết mình sẽ ra Thủ đô và sống ở làng trẻ cùng các bạn khuyết tật khác. Ngày hôm đó em vẫn còn nhớ, bố bảo cho em ra Hà Nội thăm quan nên em thích lắm. Đến làng trẻ, để em quen dần với ngôi nhà mới nên bố mẹ đã ở lại với em một tuần. Vào một buổi sáng, em thấy bố thu dọn quần áo mà không nói đi đâu. Em đã khóc và lăn xe lăn theo bố ra đến cổng. Đến bây giờ em vẫn còn nhớ lúc bố về em đã khóc thét lên rồi cứ lăn chiếc xe bám chặt lấy chân bố làm bố em cũng khóc. Bố em phải nhờ các cô giữ em lại để bố về. Bố em bảo con ở đây ngoan, bố phải về, không về lấy ai chạy thóc". Vượt qua chính mình Do không có chân và di chuyển hoàn toàn bằng xe lăn, nên việc vệ sinh cá nhân với Chiến cũng khá là khó khăn. Chiến nhớ lại quãng thời gian phải sống tự lập khi bố mẹ đã về, em kể: "Ngày còn ở nhà em được bố hoặc mẹ tắm cho nên ban đầu lên đây không biết phải làm như thế nào. Sau đó các cô và anh chị lớn tuổi hơn hướng dẫn và giúp đỡ, nhưng lúc đầu em vẫn loay hoay mà không làm được. Những thao tác như di chuyển xe lăn vào nhà tắm và sinh hoạt cá nhân với em cũng gặp nhiều trở ngại, nên mãi một thời gian dài sau này mới quen. Các công việc khác như mắc màn đi ngủ hay lấy đồ trên cao thì các anh chị giúp đỡ vì em không thể với lên được". Từ những công việc nho nhỏ ban đầu, Chiến tập làm quen và thành thạo dần. Niềm vui đến với Chiến một cách bất ngờ, có một tổ chức phi chính phủ của Anh tài trợ cho em lắp đôi chân giả vào năm 1999. Lần đầu tiên được đứng lên và đi lại bằng chân, Chiến khóc òa trong niềm vui sướng hạnh phúc vô bờ bến. Mơ ước đứng trên đôi chân của chính mình và làm điều mình muốn còn gì vui hơn thế. Một cuộc sống mới tươi đẹp mở ra với em mà có trong mơ Chiến cũng không bao giờ dám nghĩ đến. Đối với một học sinh bình thường để đỗ vào đại học quả là điều không dễ. Học hết lớp 12, Chiến tham khảo ý kiến của các thầy cô giáo. Kể chuyện về việc lựa chọn thi và học chuyên ngành Kế toán, Chiến cho hay: "Ban đầu em cũng thích các công việc như Kinh tế, Ngân hàng hoặc liên quan nhiều đến ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Chuẩn bị làm hồ sơ thi đại học, em về quê tham khảo ý kiến của bố mẹ. Bố em sợ em không theo kịp các bạn, không chắc đã thi đỗ mà có đỗ ra trường người khuyết tật như em có xin được việc hay không, nên bảo em thôi không thi đại học nữa. Bố em bảo về đi học sửa chữa điện nước dân dụng, nhiều việc lắm mà không quá tốn thời gian học. Tuy nhiên, khi em hỏi các mẹ ở làng trẻ thì các mẹ bảo 12 năm cố gắng học tập rồi, đến lúc thi đại học dù thế nào cũng nên thi. Em cũng không muốn bỏ phí 12 năm học, hơn nữa em cũng muốn thử sức thi đại học xem sao. Hiện, Chiến đang học năm thứ 2 khoa Kế toán trường đại học Đại Nam (Hà Nội). Em cũng là người đầu tiên của làng trẻ Hòa Bình đỗ đại học. Mong muốn của Chiến sau này ra trường có một công việc đúng ngành đúng nghề mình học. Em cũng mong rằng khi ra trường em được trở lại làm việc ở làng trẻ Hòa Bình nơi em đã gắn bó suốt 14 năm qua thì càng tốt. Chiến bảo, bản thân em là người khuyết tật nên dễ đồng cảm với những người có hoàn cảnh giống như mình. Bên cạnh việc học tập ở trường, nam sinh viên kế toán này cũng rất yêu thích ngành CNTT. Năm 2011, Chiến tham gia cuộc thi "Thách thức CNTT" với trẻ em khuyết tật và đã giành giải Nhất về phần thiết kế và trình chiếu Powerpoint. Giải thưởng như một động lực khiến em ngày càng cố gắng và phấn đấu hơn trong lĩnh vực này. Sắp tới, Chiến sẽ tiếp tục tranh tài cuộc thi này được tổ chức tại Hàn Quốc nên em đang gấp rút chuẩn bị mọi thủ tục để đi. Em cũng chia sẻ, sẽ cố gắng hết sức để đạt thành tích cao nhất, không phụ lòng các mẹ ở làng trẻ đã dạy dỗ và chăm sóc em. Điều ít ai biết rằng, chàng trai giàu nghị lực Lê Văn Chiến còn rất yêu thích môn Văn. Có lẽ chính điều này đã giúp em có một tâm hồn lãng mạn và tình yêu cuộc sống như thế. Học cấp ba em theo học ban D, Toán, Văn, Ngoại ngữ để dự thi đại học, nhưng trong cả 3 môn Chiến thích và đam mê hơn cả chính là môn Văn. Từ những ngày còn bé, Chiến đã rất thích những bài thơ, đoạn văn hay. Mỗi lần thấy tâm đắc một câu thơ, câu văn em lại ghi chép hết vào một cuốn sổ nhỏ để đầu giường để mỗi khi buồn, nhớ nhà lại lôi ra đọc. Vào những dịp 20/11, 20/10, 8/3 em cũng tập làm thơ tặng các thầy cô và đọc trước các bạn. Chính những lời khen tặng và động viên ngày đó là động lực giúp em yêu và say mê môn Văn nhiều hơn. Theo Thethaohangngay NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247! Nếu em đang:
Tuyensinh247 giúp em:
Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY |
Thời gian nghỉ tết nguyên Đán năm 2018 của sinh viên các trường đại học trên cả nước được Tuyensinh247 cập nhật chi tiết dưới đây. Xem để biết lịch nghỉ cụ thể của trường mình là khi nào nhé.
Tổng hợp những câu chuyện về tình cảm thầy trò hay nhất, những truyện ngắn về thầy cô nhân ngày 20/11 xúc động.
Nhân ngày nhà giáo việt nam 20/11 Tuyensinh247 sưu tầm những bài thơ hay nhất về thầy cô do các độc giả đăng tải cũng như của các nhà thơ.
Tuyển tập truyện cười nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 dành tặng thầy cô giáo với những truyện thật hài hước, vui tươi, những mẩu chuyện này cũng có thể cho vào báo tường thêm phần ấn tượng nữa nhé.