Nhiều bất cập trong dạy và học nghề trong trường phổ thông

Giáo dục hướng nghiệp dạy nghề thực hiện trong trường phổ thông đã trên 20 năm, và dù là môn học bắt buộc nhưng lại không mấy hiệu quả.

Học sinh học, phụ huynh thực hành

 

 
 

Học sinh không có nhiều lựa chọn

Hiệu trưởng nhiều trường cho biết theo quy định có khoảng 11 nghề nhưng các trường không tổ chức cho HS đăng ký học hết các môn bởi không đảm bảo về điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Giáo viên dạy môn nghề thường là kiêm nhiệm: Giáo viên vật lý hoặc kỹ thuật công nghiệp phụ trách nghề điện dân dụng; sinh học, kỹ thuật nông nghiệp dạy học sinh nghề trồng trọt - chăn nuôi… Có trường bổ sung giáo viên dôi dư, chưa thực hiện hết số tiết dạy quy định sang dạy nghề.

Ông Thái Xuân Vinh, chuyên viên của Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Trong các kỳ thi nghề tổ chức vào tháng 6 hằng năm, có khoảng 120.000 HS bậc THCS, THPT dự thi. Các kỳ thi này cho thấy số lượng HS học 3 môn: tin học, điện dân dụng và nấu ăn luôn chiếm áp đảo. Các môn công nghệ may, cơ khí… rất ít HS tham gia vì hầu hết các trường không dạy. Để dạy các môn này, trường phải có xưởng thực hành và kỹ thuật cũng phức tạp hơn những môn khác.

 

Mục tiêu của môn thủ công - kỹ thuật ở bậc tiểu học là giúp học sinh (HS) biết cách sử dụng một số dụng cụ lao động đơn giản, cách tiến hành một số công việc lao động đơn giản trong gia đình, rèn luyện tính cẩn thận, kiên trì, sự khéo léo của đôi tay… Ngay từ lớp 1, HS bắt đầu với những thao tác đơn giản như: xé, dán giấy thành các hình chữ nhật, hình vuông, quả cam… Đến lớp 2, gấp các đồ chơi như máy bay, tên lửa, thuyền mui. Khi lên lớp 3, làm quen với kỹ thuật đan nong mốt, nong đôi, sau đó biết cắt, khâu, thêu các sản phẩm tự chọn bằng các kỹ thuật khâu đột thưa, thêu móc xích, lắp ghép mô hình.

Trên thực tế, phần lớn HS tiểu học không tự mình thực hiện được các kỹ thuật cơ bản của môn học này.

Một phụ huynh có con học ở Trường tiểu học Trưng Trắc (Q.11, TP.HCM) cho hay: “Ngoài những bài tập đơn giản như xé, dán giấy, còn lại tôi phải chuẩn bị và làm thay cho cháu một số việc”. Một HS lớp 4 Trường tiểu học Bông Sao (Q.8) tiết lộ: “Bài tập về nhà, con thường nhờ mẹ làm giùm, nhất là mấy bài về may và thêu. Trên lớp cô dạy nhưng con không kịp làm theo”. Còn phụ huynh có con học bậc tiểu học tại Q.4 bức xúc cho rằng hầu như phải làm thay cho con để có sản phẩm nộp.

Sai lầm của khuyến khích cộng điểm

Ông Trần Phước Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (Q.4), cho biết: “Trong phân bổ chương trình, nghề là môn bắt buộc và chỉ thực hiện đối với HS lớp 9, lớp 11. Cũng có các bài kiểm tra và có ghi sổ điểm nhưng không tham gia và đánh giá xếp loại học lực mà chỉ nhằm mục đích xếp loại hạnh kiểm. Cuối khóa học, HS sẽ được cấp chứng chỉ”. Để động viên HS chuyên cần, chú tâm trong việc học môn này, ngành GD-ĐT đã có chủ trương cộng điểm nghề trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và tốt nghiệp THPT. Số điểm cộng thêm từ 0,5 đến 2, tùy thuộc vào kết quả loại trung bình, khá hay giỏi.

Thế nhưng, ông Cao Huy Thảo, Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc, khẳng định: “Chính “mồi” cộng điểm đã phá hoại mục tiêu, định hướng  ban đầu vô cùng ý nghĩa. Hiện nay từ giáo viên cho đến HS khi dạy và học môn này đều nhằm kiếm điểm cộng trong các kỳ thi”. Ông Thảo dẫn chứng, trong nội dung chương trình, có rất nhiều nghề để lựa chọn như: tin học, điện, nấu ăn, nhiếp ảnh, thủ công... Tuy nhiên, khi các em chọn được nghề phù hợp với khả năng, cá tính và đăng ký thì có khi giáo viên chủ nhiệm tư vấn theo hướng khác. Đa số giáo viên đều hướng các em chọn nghề dễ đạt loại giỏi như nấu ăn, điện dân dụng. Các nghề cơ khí, làm vườn thì không nên đăng ký vì học những nghề ấy khó đạt kết quả cao. Nhiều giáo viên nói thẳng với phụ huynh học nghề nào để dễ đậu loại giỏi, được cộng điểm. Có trường “ép” HS cả lớp cùng học một nghề với lý do hết sức đơn giản là để dễ quản lý.

Học điện nhưng không biết sửa điện

Chính vì học chỉ để lấy điểm cộng thi tốt nghiệp nên tâm thế học các môn nghề của học trò chỉ để cho có chứ không phải để biết. Vì thế, các em chọn học những môn dễ có điểm chứ không phải môn yêu thích hay thuộc sở trường.

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận), thừa nhận: “Tỷ lệ HS đăng ký học tin học đứng đầu, sau đó đến điện dân dụng, rồi nấu ăn… Chẳng hạn, có 12 lớp thì 8 lớp học tin học, 3 lớp điện, 1 lớp nấu ăn”. Ông Nguyễn Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Tạ Quang Bửu (Q.8), cho biết: “Khoảng 500 HS lớp 11 học nghề, trong đó 3/4 đăng ký môn điện vì dễ kiếm điểm giỏi”.

N.N.T, lớp 12 Trường THPT Trần Quang Khải (Q.11), kể lại: “Năm lớp 11, thấy các bạn rủ học điện dân dụng, em cũng đăng ký học theo. Những hôm có bài tập thì mấy bạn khác làm giùm, khi thi thì lý thuyết cũng không yêu cầu quá cao”. Mẹ của N.N.T cho biết: “Học vậy nhưng mấy việc như bóng đèn, ổ điện trong nhà hư đều do ba làm chứ cháu có dám làm đâu”. Còn một HS nam của Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Q.Bình Thạnh) quả quyết: “Chúng em thích học may vì cô giáo chiếu cố cho nam và được các bạn gái giúp”.

Trước thực tế trên, ông Cao Huy Thảo nhấn mạnh: “Học nghề mà chỉ có lý thuyết, không có thực hành thì chả giải quyết được vấn đề gì về chất lượng và cũng chỉ là dối nhau mà thôi”.

 

Ý kiến

“Việc dạy nghề vô cùng cần thiết để các em có hiểu biết cơ bản nhất, thực hành trong cuộc sống. Học nghề cũng phải chọn giáo viên tốt mới có thể truyền tải kiến thức một cách bài bản cho HS, nếu không sẽ khiến việc học nghề cho có, không thực chất. Trên thực tế có thể nhiều trường sẽ cắt xén chương trình học nghề, chú trọng hơn các môn học chính để thi tốt nghiệp”.

NGUYỄN VĂN NGAI (Nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)

“Thực tế đa số kiến thức về nghề của HS vào học tại trường gần như là số 0. Việc học nghề chỉ là cho có và để cộng điểm. Ngay cả con tôi ở nhà, học nghề điện gia dụng mà mắc bóng đèn còn lóng ngóng”.

Tiến sĩ NGUYỄN TIẾN DŨNG (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)

“Nên tăng thêm nhiều điều kiện để tính thực hành của việc học nghề nhiều hơn so với lý thuyết. Cơ sở vật chất cũng cần được đầu tư tốt hơn”.

NGUYỄN VĂN CẢI (Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, TP.HCM)   

“Trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa thông qua những lớp học làm bánh, lớp chế tạo robot, lớp khoa học thực hành lý - hóa - sinh, lớp chụp ảnh… HS không bắt buộc mà tùy vào sở thích, năng khiếu của mình để tham gia từ 2 đến 3 buổi/tuần”.

Ông JEFF WORNSTAFF (Hiệu trưởng tạm thời Trường quốc tế TP.HCM)

Đ.Nguyên - B.Thanh (ghi)

Bích Thanh