Không tuyển được vì nhiều chỉ tiêu
Năm 2012, Bộ quy định các trường được phép tự xác định chỉ tiêu căn cứ vào các tiêu chí như tỷ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu và tỷ lệ diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo tính trên mỗi sinh viên. Tuy nhiên, ngay từ tháng 2, dựa vào đăng ký chỉ tiêu của các trường, đã có 55 trường ĐH và 39 trường CĐ vượt quá năng lực thực tế.
Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết thời gian qua Thanh tra Bộ đã tiến hành thanh, kiểm tra 30 trường trên toàn quốc, phát hiện rất nhiều trường xác định chỉ tiêu không đúng với quy định. Bộ sẽ xử phạt các trường này theo mức độ vi phạm chỉ tiêu nhiều hay ít.
Theo các chuyên gia, việc xác định chỉ tiêu nhiều hơn so với thực tế, nhất là ở các trường ĐH công lập là một lý do khiến nguồn tuyển bị hao hụt nên các trường ngoài công lập khó tuyển sinh hơn.
Vào thời điểm công bố điểm sàn trúng tuyển, lãnh đạo Bộ cho biết số thí sinh (TS) đủ điều kiện xét tuyển các nguyện vọng sau nguyện vọng 1 cao hơn nhiều lần so với chỉ tiêu. Có khối thi đã dư hàng chục lần nên trường công lập không thể tuyển hết nguồn TS. Theo tính toán, với mỗi khối thi, tỷ lệ TS còn dôi dư so với chỉ tiêu các trường cần tuyển thấp nhất cũng gấp 1,7 lần. Nghĩa là cứ 1,7 TS nộp hồ sơ chỉ có một TS trúng tuyển. Như vậy các trường ngoài công lập không lo không đủ nguồn tuyển.
Tuy nhiên, thực tế lại diễn ra không đúng như Bộ dự kiến. Các trường, đặc biệt trường ngoài công lập vẫn không tuyển được TS. Chẳng hạn, năm nay Trường ĐH Phan Châu Trinh chỉ tuyển được không đến 50 TS, CĐ Đông Du chỉ tuyển được 30% so với chỉ tiêu, CĐ Việt Tiến đạt 62%... Các trường ĐH: Yersin chỉ tuyển được 200 TS; Quốc tế Bắc Hà, Thành Đô tuyển chưa đến 100 TS; Cửu Long cũng chỉ tuyển được 30% trong tổng số 3.200 chỉ tiêu... Hầu hết lãnh đạo các trường đều cho biết từ giai đoạn xét tuyển bổ sung đợt 2 trở về sau, TS ngày càng ít. Chỉ có vài hồ sơ nộp về trường trong thời gian xét tuyển sau này.
Rắc rối với quy định ưu tiên vùng khó khăn
Đến tháng 10 năm nay, Bộ đưa ra quy định TS ở các khu vực khó khăn sẽ được xét tuyển vào các trường trong khu vực với mức điểm chuẩn thấp hơn điểm sàn 1 điểm (chưa kể ưu tiên khu vực, đối tượng). Thay đổi này cũng không giúp được gì nhiều cho các trường ở các khu vực khó khăn. Theo Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Bá Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Yersin, khi áp dụng chính sách tuyển ưu tiên cho khu vực khó khăn cũng chỉ có thêm 5 - 6 TS nữa.
Đó là chưa kể quy định này đưa ra vào lúc công tác xét tuyển đã đi hơn nửa chặng đường khiến TS và các trường cũng gặp không ít rắc rối. Vào thời điểm cuối tháng 10, các trường ĐH tại TP.HCM bắt đầu đối mặt với chuyện TS rút hồ sơ đã nộp. Ngay trong buổi đầu áp dụng chính sách ưu tiên cho khu vực khó khăn, các trường ĐH: Công nghệ thông tin Gia Định có 7 trường hợp xin rút hồ sơ và học phí, Công nghiệp thực phẩm có gần 80 TS bậc ĐH và 120 TS bậc CĐ rút hồ sơ. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng nếu quy định này áp dụng ngay từ đầu thì không có vấn đề gì, nhưng lại thực hiện khi công tác xét tuyển gần ổn định nên gây khó khăn cho trường và TS.
|
Kéo dài thời gian cũng không hiệu quả
Một thay đổi nữa trong kỳ tuyển sinh năm nay là các trường được kéo dài thời gian xét tuyển đến ngày 30.11 (các năm trước đến giữa tháng 10 - PV). Thế nhưng theo lãnh đạo nhiều trường, việc kéo dài thời gian xét tuyển cũng không đạt được kết quả như mong muốn.
Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Quyền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định, năm nay trường chỉ tuyển được 52% so với chỉ tiêu. Dù kéo dài thời gian xét tuyển thêm 1,5 tháng so với năm ngoái nhưng trường chỉ tuyển thêm được vài TS. Trường phải cho khai giảng từ ngày 15.10 vì... sợ TS rút hồ sơ do còn thời gian xét tuyển. Tương tự, Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM kết thúc xét tuyển vào ngày 10.10 để bắt đầu khai giảng. Lãnh đạo phòng tuyển sinh của trường cho biết dù kéo dài thời gian nhận hồ sơ cũng không có thêm nhiều TS. Ngoài ra, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết lúc này tâm lý người học không còn hứng thú nộp hồ sơ đi học nữa. Có trường đến ngày 30.11 đã qua gần hết học kỳ, TS cũng không mặn mà nộp đơn vô. Có rất nhiều TS dù không trúng tuyển vẫn không nộp hồ sơ xét tuyển mà chờ năm sau thi lại.
Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Bá Phong thông tin: “Mùa tuyển sinh năm 2012 có một số đổi mới nhưng hiệu quả lại không được như mong muốn. Chúng tôi còn có số lượng TS tàm tạm để cầm cự, chứ một số trường còn thê thảm hơn nhiều. Chưa kể, nhiều trường công lập ở tốp dưới, trường công lập ở địa phương cũng phải đóng cửa một số ngành học vì không đủ chỉ tiêu. Có lẽ năm 2013 Bộ nên xem xét để có phương án tuyển sinh hiệu quả hơn”.
|
Đăng Nguyên (Theo TN)