Những điểm lạ trong kỳ thi tốt nghiệp 2013

Điểm lại những điều khá đặc biệt trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2013.

Đáp án môn Ngữ văn và Địa lí theo hướng mở

Chiều 4/6, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 đã kết thúc. Theo đánh giá sơ bộ của Bộ GD&ĐT, đề thi môn Ngữ văn và Địa lý năm nay được ra theo hướng mở, có tính thực tế cao, gắn với yêu cầu của đời sống chính trị xã hội, vừa có yêu cầu kiến thức liên quan đến bộ môn.

Đây làn lần đầu tiên, đề thi tốt nghiệp áp dụng câu hỏi mở, cho phép học sinh bày tỏ suy nghĩ của bản thân về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam hôm 30/4 tại huyện Đô Lương tỉnh Nghệ An. Khi Nam trong dòng nước xiết đã nhảy xuống cứu bốn bạn nhỏ, đẩy được bạn thứ năm vào bờ, Nam kiệt sức và bị dòng nước cuốn đi...

Đề Văn tốt nghiệp ngay lập tức đã tạo nên những đợt sóng trái chiều. Có bạn cho rằng, hành động của Nam rất đáng trân trọng, nhưng có nên noi theo? Khi sự ra đi của Nam đã gây ra những đau xót tổn thương vô bờ cho gia đình bạn?

Đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ về cách chấm thi môn Văn tốt nghiệp năm nay như sau: "Với hướng ra đề mở, năm nay, đáp án của Bộ cũng là hướng mở. Học sinh trả lời không nhất thiết phải đúng từng câu chữ hay chi tiết trong đáp án. Nhưng học sinh cần thể hiện rõ quan điểm lập luận logic, chặt chẽ của riêng mình. Những bài viết như vậy sẽ đạt điểm cao."

Ngoài môn Văn, môn Địa lý đề cập vấn đề biển đảo nóng sốt. Đây là một vấn đề nhạy cảm, đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận trong thời gian vừa qua. Vấn đề biển đảo cũng xuất hiện trong đề thi ĐH và tốt nghiệp những năm gần đây.

Công tác coi thi chặt chẽ hơn các năm trước

Năm nay, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh mang máy quay không có khả năng truyền phát dữ liệu ra ngoài vào phòng thi. Theo đại diện lãnh đạo Bộ, tác động tích cực của việc này là công tác coi thi chặt chẽ hơn những năm trước. Năm nay, hầu hết các trường hợp bắt giữ tài liệu là do giám thị (trong khi mọi năm do Thanh tra phát hiện).

Tuy nhiên, việc mang máy quay vào phòng thi không nhận được sự tán đồng của thí sinh. Nhiều sĩ tử cho rằng, muốn kỳ thi nghiêm túc, có chất lượng, thì thay đổi trong cách học, cách ra đề mới là quan trọng. Với khối lượng kiến thức như hiện này, việc học và thi vẫn là áp lực đối với đa số học sinh, nhiều bạn học sinh lớp 12 tại Hà Nội nhận định.

Những hiện tượng thi tốt nghiệp hi hữu

Trong mùa thi tốt nghiệp 2013 vừa qua, nhiều gương hiếu học xuất hiện làm cảm động trường thi. Họ là người cao tuổi, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như khiếm khuyết một phần cơ thể, họ đã làm mẹ nhưng vẫn địu con bế cháu đến cổng trường. Ước mong có được cái chữ đã mang họ trở thành những hình ảnh đẹp nhất của mùa thi năm nay.

Anh Hồ Văn Nhê, 34 tuổi là một những thí sinh đặc biệt của kỳ thi năm nay. Ảnh: Thanh niên.

Dù đã đi thi tốt nghiệp tới 6 lần, nhưng anh Hồ Văn Nhê, 34 tuổi, người Tà Ôi, sống tại xã Hồng Thái, H.A Lưới vẫn không đỗ. Miệt mài đến trường thi từ năm 2007, vượt gần trăm cây số từ vùng núi cao xuống thành phố. Nhưng có lẽ, vì kém may mắn, lần nào anh cũng thiếu ít điểm.

Chia sẻ về hoàn cảnh đặc biệt của mình, anh cho biết. Anh chỉ hy vọng sẽ đỗ tốt nghiệp lần thứ 6 này, với hy vọng xã hơn là có bằng tốt nghiệp cấp 3 để đi làm. Sau đó, có thể anh sẽ học tiếp ĐH.

Bác Vinh, cán bộ xã, quyết tâm thi tốt nghiệp. Ảnh: Thanh niên.

Trường hợp của bác Vinh, Chủ tịch xã Hồng Vân (H.A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế) cũng gây xúc động. Dù năm nay đã 45 tuổi, giữ chức cán bộ nhiều năm, nhưng chưa bao giờ bác Vinh được cầm trên tay bằng tốt nghiệp. Khao khát có được tấm bằng cấp 3 khiến bác quyết tâm đi thi. Hiện tại, 3 người con của bác đã lớn, một trong số đó là sinh viên ĐH Huế.


Theo Vnexpress

Xem thêm tại đây: Điểm thi tốt nghiệp THPT