Có khá nhiều học sinh khi thấy mình không học khá các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hoá, Sinh... thì thường nộp đơn “thi đại” vào các trường có khối C. Không ít bạn hiểu lầm rằng thi khối C không cần thông minh, chỉ cần chịu khó ... học thuộc lòng là được. Nhưng thực tế thi cử cho thấy, những học sinh nào chỉ biết học thuộc lòng thì ít khi đạt được kết quả như mong muốn.
Đúng là trong các đề thi vào Đại học và Cao đẳng bao giờ cũng có một hay hai câu đòi hỏi thí sinh chỉ cần học thuộc lòng và cú trí nhớ tốt. Đó là những câu thường bắt đầu bằng các từ như "Hãy kể tên", "Hãy nêu", "Hãy trình bày...". Chẳng hạn, câu 1, đề thi môn Ngữ Văn vào Đại học năm 2010 yêu cầu: “Anh/chị hãy trình bày ngắn gọn về sự đa dạng mà thống nhất của phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh”. Đề thi môn Lịch sử năm 2010 chỉ yêu cầu: “Trình bày nội dung cơ bản của chiến lược toàn cầu của Mỹ từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến năm 1973 và việc triển khai chiến lược đó ở Tây Âu trong những năm 1947 – 1949”…
Tuy nhiên những câu hỏi kiểu học thuộc lòng này chỉ được 2 đến 3 điểm là cùng. Những câu còn lại đều yêu cầu thí sinh phải "phân tích", "làm sáng tỏ", "giải thích", "so sánh"... Để "ăn điểm" những câu như thế này, ngoài việc nắm được những thông tin cơ bản, thí sinh còn phải biết phân tích, tổng hợp những kiến thức lấy từ nhiều bài, thậm chí là kiến thức được tích luỹ từ nhiều năm.
Có bạn khi làm bài thi môn Văn, mới đọc câu: "Hãy phân tích quá trình bần cùng hoá của Chí Phèo để nêu bật giá trị nhân đạo của tác phẩm", đã cắm cúi chép tóm tắt cốt truyện "Chí Phèo". Chính vì thế, những thí sinh thi các môn Văn, Sử, Địa không đánh giá được kết quả thi của mình, hoặc đánh giá khá sai lệch. Thi xong, nếu ai hỏi "Bạn có làm bài được không?", nhiều bạn hồ hởi kể: "Mình làm hết, bài làm được 8 trang, chắc phải được 7 - 8 điểm". Nhưng thực tế khi báo điểm, các bạn đó chỉ được 3 điểm cho câu "học thuộc lòng", còn những câu sau viết nhiều, nhưng không đúng với yêu cầu của đề.
Nhiều bạn rất chăm chỉ, học thuộc lòng tất cả các cuốn sách giáo khoa và tham khảo, vậy mà thi mấy năm, năm nào cũng chỉ đạt 10- 12 điểm cho 3 môn và ước mơ vào đại học vẫn còn khá xa.
|
Ảnh minh họa: Mí Rưỡi. |
Từ suy nghĩ sai lầm rằng thi Văn, Sử, Địa chỉ là học thuộc lòng, nên đã có không ít bạn ôn thi theo kiểu suốt ngày ôm mấy quyển sách giáo khoa, học từ đầu đến cuối, không sót một câu, một từ. Vì vậy, khi đề ra "chệch" đi một từ là "tắc" hoặc lại chép "nguyên xi" từ đầu đến cuối một bài nào đó, vừa thừa, vừa thiếu.
Có bạn lại "cao cấp" hơn, không học sách giáo khoa, mà học thuộc lòng các đáp án cho sẵn trong những "bộ đề" của những năm trước đây. Đã vậy, để chắc ăn, các bạn ấy còn học cùng lúc rất nhiều cuốn tham khảo của nhiều tác giả khác nhau. Thành ra khi làm bài cứ loạn lên, trong bài làm có đoạn bê "nguyên xi" của tác giả A, có đoạn lại "trích dẫn" của tác giả B, lặp đi lặp lại nhiều lần cùng một vấn đề.
Lại có những bạn học tủ, "đoán mò". Năm 2005 là năm chúng ta kỉ niệm 60 năm Cách Mạng tháng Tám và 30 năm Giải phóng Miền Nam, không ít bạn "đoán già, đoán non" rằng đề thi năm nay chắc chỉ xoay quanh hai sự kiện trọng đại này. Rồi năm 2010, với sự kiện “Đại lễ 1000 năm Thăng Long”, nhiều bạn cũng nghĩ rằng chắc chắn là đề thi Văn, Sử, Địa sẽ “xoáy vào” đề tài Hà Nội, Thăng Long. Hãy cẩn trọng, võ đoán như vậy hầu như bị "lệch tủ" đấy các bạn ạ!
Lại có bạn học ngày, học đêm, học đến 12 - 15 tiếng một ngày. Có bạn còn tự khép mình vào khuôn khổ như: Không ra ngoài, đến ăn sáng cũng...tại chỗ luôn. Có bạn đóng kín cửa phòng, nằm yên tĩnh trên giường để học. Học đến mụ đầu, buồn ngủ quá thì... úp sách lên mặt mà ngủ. Lúc choàng tỉnh dậy lại ôm sách. Người lúc nào cũng mơ mơ màng màng như người... mất hồn. Đến lúc vào thi, tự nhiên kiến thức "đi đâu hết".
Lại có những bạn đang học lớp 12, khi đã chọn xong trường thi, khối thi đại học thì "bỏ bê" các môn học khác. Thế là khi thi tốt nghiệp, thiếu một vài điểm mới đỗ. Thật uổng công học lại một năm nữa!
Trước tiên, không học quá tải: Đầu óc chúng ta không phải là một cái bình rỗng để các bạn muốn nạp bao nhiêu thông tin vào nó cũng chứa hết. Kiến thức chỉ trở thành bền vững và của chúng ta khi nó có thời gian "tiêu hoá", "biến chuyển". Hãy phân định thời gian hợp lý cho việc học tập, nghỉ ngơi, vui chơi và tham gia các hoạt động thể thao, giải trí hay làm việc nhà khác. Bạn nên nhớ, thà mỗi ngày học ba tiếng nhưng có chất lượng còn hơn học liên miên mà ... không nhớ điều gì.
Các bạn đừng quên chọn cách học xen kẽ giữa các môn. Các nhà tâm lý học đã làm một thí nghiệm như sau. Họ cho hai nhóm học sinh học thụộc 2 tài liệu. Một nhóm học 2 tài liệu giống nhau về nội dung, một nhóm học 2 tài liệu khác nhau về nội dung. Kết quả, sau 6 ngày, nhóm thứ nhất đã quên tới 76% kiến thức, trong khi đó nhóm thứ hai chỉ quên 39%.
Như vậy, bạn không nên dành cả một ngày, một tuần học một môn nào đó, rồi sau mới chuyển sang môn học khác. Hãy bố trí thời gian trong 1 ngày ôn cả ba môn. Chẳng hạn 2 tiếng buổi sáng học Văn, sau nghỉ trưa, bạn chuyển sang học Địa. Buổi tối vừa nghỉ ngơi, vừa ôn Lịch sử. Bạn đừng ngại như vậy là học ít. Học xen kẽ từ từ như vậy là "học đâu chắc đấy", tránh tình trạng nôn nóng, sẽ xảy ra chuyện "học trước quên sau".
Cô giáo Nguyễn Thị Lan, nguyên là giáo viên dạy môn Lịch sử, trường THPT Quang Trung đã tiết lộ một bí quyết học môn Sử một cách có hệ thống như sau: Lấy một băng giấy dài, dán lên tường. Trên băng giấy vạch ra những mốc lịch sử quan trọng như "Thành lập Đảng", "Cách mạng tháng Tám", "Chiến thắng Điện Biên", "Giải phóng Miền Nam"... Giữa các giai đoạn này lại vạch ra những mốc lịch sử nhỏ hơn. Chẳng hạn từ "Thành lập Đảng" đến "Cách mạng tháng Tám" được chia thành những mốc nhỏ hơn như "Xô Viết Nghệ Tĩnh", "Phong trào 36 - 39", "Thành lập Việt Minh", "Thành lập Quân đội".
Xung quanh mỗi mốc lịch sử, ghi những sự kiện đáng nhớ nhỏ hơn bằng những "từ khoá". Mỗi khi học xong một sự kiện lịch sử hay một giai đoạn lịch sử nào đó, hãy bỏ hết sách vở đi, đứng cạnh băng giấy và chỉ vào băng giấy để "thuyết trình" như đang thuyết trình cho một đám đông người nghe. Bạn có thể dựa vào những "từ khoá" trên băng giấy để nói tự do, không cần thiết phải chính xác từng câu từng chữ như trong sách.
Thầy giáo Chu Văn Sơn, tiến sĩ Văn học, giảng viên ĐHSP Hà Nội nhắc các bạn học sinh, khi học Văn phải biết "liên hệ", "so sánh", "mở rộng". Khi nói đến giá trị nhân văn, nhân đạo của tác phẩm Chí Phèo, bạn hãy so sánh nó với giá trị nhân đạo trong Vợ nhặt hay Hai đứa trẻ. Bạn cũng nên biết so sánh, phân tích những nét giống và khác của các bài thơ về mùa thu khác nhau như Thu Điếu của Nguyễn Khuyến, Đây mùa thu tới của Xuân Diệu hay với mùa thu trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi... Làm như vậy bạn học một mà đã biết ba. Kiến thức vừa sâu, vừa rộng.
Bên cạnh những yếu tố như cần cù, chịu khó, có thái độ và động cơ học tập nghiêm túc, thì để thành công trong con đường thi cử, rất cần ở các bạn một phương pháp học tập khoa học. "Học vẹt" không phải là cách học tốt nhất cho bất cứ một môn học nào!
Theo Thethaohangngay
“Thi vào lớp 6 trường chất lượng cao xếp thứ 20/925; Giải khuyến khích Violympic toán tiếng Việt Quốc gia; Violympic Toán tiếng Anh cấp tỉnh Xếp hạng 30...” - đây chỉ là hai trong số rất nhiều giải thưởng mà em Ánh Mai - học sinh lớp 5, trường tiểu học Victory, Buôn Mê Thuột đạt được nhờ phương pháp học vô cùng đơn giản mà hiệu quả.
Hoàng Nhân Dũng (THPT Chuyên Hà Tĩnh) là một trong những á khoa khối B xuất sắc tại Tuyensinh247. Trong kỳ thi TN THPT 2021, em đã đạt kết quả 28.65 điểm (Toán: 9.4, Hóa: 9.25 và Sinh: 10) và trở thành tân sinh viên đại học Y Hà Nội.
“Cần phải sớm xác định được mục tiêu của mình. Tìm phương pháp phù hợp và tập trung vào môn học của khối thi để tránh học lan man….” - đó là những chia sẻ của Phạm Thanh Tùng - thủ khoa khối C tại Tuyensinh247.
Trần Cao Sơn (học sinh trường THPT Hùng Thắng - Hải Phòng) là thủ khoa toàn quốc khối A. Xuất sắc giành được 9,8 điểm môn Toán; 9,75 điểm môn Vật lý và 10 điểm môn Hóa, tổng số điểm khối A của Sơn là 29.55 điểm.