“Phiếu thuận” cho đề xuất siết điều kiện nhập cư Hà NộiNgười muốn nhập cư phải “có biên chế”, tạm trú 3 năm, mua được nhà hoặc nhà thuê diện tích tối thiểu 5m2/người… Những điều kiện thắt chặt nhận được sự ủng hộ của cơ quan thẩm tra dự án luật Thủ đô, dù xác định đó chưa phải biện pháp tối ưu. “Siết” toàn diện để giãn bớt dân nội thành Bản dự thảo mới nhất của Luật Thủ đô do Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày trước Quốc hội sáng nay (26/10) thể hiện 2 loại ý kiến về vấn đề quản lý dân cư tại Hà Nội. Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trình Quốc hội luật Thủ đô (ảnh: Việt Hưng). Loại ý kiến thứ nhất cho rằng để góp phần hạn chế tình trạng quá tải, tăng dân số cơ học ở nội thành, cần áp dụng một số biện pháp hành chính về đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội chặt chẽ hơn so với Luật cư trú hiện hành. Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định hạn chế nhập cư này vì có thể ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú của công dân. Phân giải việc này, Chính phủ nêu nhận định, để kiểm soát dân cư trong nội thành Hà Nội một cách phù hợp, cần phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là các giải pháp về kinh tế - xã hội, quy hoạch. Kiểm soát dân cư ở nội thành bằng biện pháp hành chính tuy chưa phải giải pháp tối ưu, nhưng cần thiết để bảo đảm quy mô, mật độ dân cư theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Bộ trưởng Hà Hùng Cường phân tích, trong những năm gần đây, Hà Nội đang phải chịu áp lực ngày một lớn do tình trạng tăng dân cư quá nhanh, đặc biệt là ở nội thành. Theo số liệu do Công an thành phố Hà Nội cung cấp, kể từ khi Luật cư trú có hiệu lực, mỗi năm trung bình có khoảng 50.000 người đăng ký thường trú vào nội thành (tăng hơn gấp 3 lần so với mức 15.000 người/năm trước đây). Trên thực tế, điều kiện về cơ sở hạ tầng và khả năng cung ứng dịch vụ công của thành phố như giáo dục, y tế, giao thông … không thể đáp ứng kịp với số lượng người nhập cư ngày càng tăng vào nội thành Thủ đô. Trong khi đó, thành phố cũng không có đủ kinh phí để cải thiện cơ sở hạ tầng cũng như tăng khả năng cung ứng dịch vụ công để đáp ứng yêu cầu về biến động dân cư hàng năm lớn như vậy. Theo đó, cơ quan soạn thảo luật Thủ đô đưa ra 2 phương án quy định việc “siết” điều kiện nhập cư. Phương án 1, người lao động “có biên chế” hoặc hợp đồng lao động không xác định thời hạn được đăng ký thường trú ở nội thành với điều kiện kèm theo: có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở. Ngoài ra, thời hạn tạm trú tại chỗ ở đó phải đảm bảo từ đủ 3 năm trở lên. Phương án 2 “thắt” hơn nữa với điều kiện nhà thuê thì phải bảo đảm diện tích mặt sàn tối thiểu là 5m2/người. Hà Nội ngày càng đông đúc, chật chội khi mỗi năm có trung bình 50.000 người đăng ký vào nội thành (Ảnh: Việt Hưng) Theo tính toán của Bộ Tư pháp, nếu áp dụng quy định theo phương án 1, mỗi năm số người đăng ký thường trú vào nội thành Hà Nội sẽ giảm khoảng 28% (tương đương 14.000 người) so với mức hiện nay. Còn theo phương án 2 thì giảm khoảng 38% (tương đương 19.100 người). Như vậy, so với hiện hành, quy định mới đã loại trừ khả năng cho đăng ký thường trú với người có chỗ ở do mượn hoặc ở nhờ của cá nhân; chỗ ở do thuê thì phải thuê của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở; tăng thời gian tạm trú từ 1 năm lên 3 năm và bổ sung quy định nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú. Nêu quan điểm nhận định về vấn đề này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, cơ quan thẩm tra thiên về phương án 1. Việc “siết” điều kiện nhập cư là giải pháp cần thiết nhằm giãn bớt số lượng dân cư thường trú trong nội thành Hà Nội. Tuy nhiên, ông Lý lưu ý, về lâu dài, cần phải có các giải pháp tổng thể, đồng bộ về kinh tế - xã hội, quy hoạch, như chuyển một số cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ quan, tổ chức ra khỏi nội thành; hạn chế việc xây dựng các chung cư cao tầng trong nội thành, xây dựng tuyến đường giao thông thuận lợi kết nối nội thành với ngoại thành và các vùng phụ cận... thì mới có thể giải quyết được tận gốc vấn đề quá tải dân cư của Hà Nội. Tăng phí để hạn chế phương tiện cá nhân Đối với đề xuất mức thu phí trong lĩnh vực giao thông vận tải ở nội thành cao hơn nhưng không quá 2 lần quy định để hạn chế phương tiện cá nhân cũng có quan điểm phản bác. Lý do đưa ra là tăng phí chưa phải là giải pháp tối ưu để hạn chế việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Bộ trưởng Tư pháp nhận định, quan điểm “chống” hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, trước mắt, khi chưa có đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, thì cần tiếp tục có giải pháp để giải quyết vấn nạn ùn tắc. Hơn nữa, việc thu phí cao hơn không vì mục đích thu, mà để giảm ùn tắc trước hết là vào giờ cao điểm. UB Pháp luật cũng xác định, so với các địa phương khác, Hà Nội có tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, mật độ dân cư, lưu lượng người tham gia giao thông tăng nhanh trong khi hệ thống kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra ách tắc, mất trật tự trong giao thông, sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng, cảnh quan đô thị, ô nhiễm môi trường ... Trong bối cảnh như vậy, cần cho phép Hà Nội quy định mức phí cao hơn trong lĩnh vực giao thông vận tải nhằm góp phần hạn chế số lượng phương tiện tham gia giao thông, đồng thời huy động thêm nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng giao thông trên địa bàn Thủ đô, phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng nhằm ngày càng phục vụ tốt hơn cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, sự quá tải về cơ sở hạ tầng giao thông vận tải không chỉ là vấn đề bức xúc của riêng Hà Nội. Các loại phí thuộc thẩm quyền HĐND thành phố quyết định không nhiều, số thu cũng sẽ không lớn so với tổng vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông. Hơn nữa, mục đích của việc thu phí là để trả cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ chứ không phải nhằm mục đích khác. Vì vậy, ý kiến này cũng đề nghị cân nhắc quy định nêu trên. Về đề xuất cho phép Hà Nội nâng mức phạt tiền do vi phạm hành chính cap gấp 2 lần quy định chung trong 3 lĩnh vực là văn hóa, đất đai, xây dựng, Chính phủ cho là phù hợp. Cơ quan thẩm tra một lần nữa đồng tình với lập luận, tuy việc áp dụng mức tiền phạt vi phạm hành chính cao hơn chưa phải là biện pháp hữu hiệu nhất để Hà Nội giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay, nhưng xét về vị trí, vai trò và tình hình thực tiễn của Hà Nội thì phải có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn trong 3 lĩnh vực này mới đủ sức răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm, bảo đảm trật tự quản lý hành chính ở Thủ đô.
P.Thảo (DT)
NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247! Nếu em đang:
Tuyensinh247 giúp em:
Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY |
Ngày ông táo về trời là ngày bao nhiêu, tục lệ cúng ông công ông táo, tục lệ tết ông công ông táo như thế nào và nguồn gốc của tết ông công ông táo có từ khi nào, ngày cúng ông Công ông Táo năm 2024 vào ngày mấy dương lịch là câu hỏi mà nhất là mỗi bạn trẻ thường hỏi mỗi dịp lễ cúng ông công ông táo.
Trung thu năm 2019 vào ngày bao nhiêu dương lịch và trung thu là thứ mấy? Thông tin này giúp các phụ huynh cũng như giới trẻ biết được thời gian cụ thể để sắp xếp lịch đi chơi cùng người yêu hay cho các bé đi chơi trong dịp tết trung thu.
Giỗ tổ Hùng Vương vào thứ mấy được nghỉ mấy ngày, ngày lễ 30/4, 1/5 được nghỉ mấy ngày, dịp Quốc khánh 2/9 nghỉ mấy ngày? Lịch nghỉ tất cả các ngày lễ trong năm 2019 được thống kê đầy đủ dưới đây.
Thời tiết những ngày cuối năm, thời tiết đêm giao thừa cũng như thời tiết ngày mùng 1 tết, mùng 2, 3, 4 tết sẽ nắng hay mưa, ấm hay lạnh là điều mọi người đang rất quan tâm để chuẩn bị cho các chuyến du xuân đầu năm Kỷ Hợi này.