Sẽ chỉ còn thi tốt nghiệp THPT; tuyển sinh là việc của trường đại học?

Ngày 18-3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc làm việc với các bộ có liên quan và 13 trường đại học thực hiện thí điểm để đánh giá tình hình triển khai Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017

Ngày 18-3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc làm việc với các bộ có liên quan và 13 trường đại học thực hiện thí điểm để đánh giá tình hình triển khai Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017.

 

     
     
     
 

 
     
     

Qua tổng hợp từ 13 trường thực hiện thí điểm cho thấy, việc cho phép các trường được tự quyết định mở ngành, chuyên ngành đào tạo đã tạo điều kiện thuận lợi cho các trường chủ động trong việc mở ngành, chuyên ngành đào tạo, đáp ứng kịp thời nhu cầu xã hội và yêu cầu đào tạo của nhà trường. Đến nay đã có 5 trường mở ngành mới. Việc được tự chủ trong công tác xây dựng nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy đã tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các trường đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo, nhằm tiếp cận với chuẩn đào tạo của quốc tế. Cơ chế tự chủ tuyển sinh như hiện nay đã giúp nhà trường hoàn toàn chủ động trong công tác tuyển sinh, đảm bảo tốt chất lượng đầu vào. Việc cho phép mức thu học phí cao hơn so với mức quy định chung đối với các trường đại học khác đã tạo điều kiện cho các trường tăng thêm nguồn thu để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị học tập và nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường đã quy định mức thu học phí cụ thể đối với từng ngành, nghề, chương trình và chất lượng đào tạo, bảo đảm mức học phí bình quân của các chương trình tối đa bằng mức trần học phí bình quân đã được Thủ tướng phê duyệt.

Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng còn nhiều vướng mắc. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, thời gian thí điểm là 2014-2017, trong khi các trường xây dựng đề án và trình phê duyệt còn chậm, thời gian thực tế thực hiện đề án thí điểm còn lại rất ngắn, chưa đủ thời gian để thực hiện kế hoạch dài hạn. Một số quy định tại Nghị quyết 77 chưa rõ, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên việc triển khai còn nhiều lúng túng, đặc biệt là chưa rõ thẩm quyền được tự chủ của các trường, dẫn đến còn nhiều quan điểm khác nhau giữa trường và các cơ quan quản lý, gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng quy định Ban giám hiệu các trường đại học công lập là công chức do cơ quan chủ quản quản lý, bộ nhiệm và quy định về tuổi về hưu như hiện nay làm mất đi khả năng đóng góp của những người có năng lực và có khả năng cống hiến hiệu quả cho nhà trường.