Siêu bão Sơn Tinh: Quá lớn, quá bất ngờ

\"12 năm rồi mới đón trận bão lớn và bất ngờ như thế này\", \"Điện mất, nến cũng sắp tàn, đèn dầu không có, di động còn vạch pin cuối cùng\"... nhiều độc giả đã chia sẻ thông tin về cơn bão Sơn Tinh hoành hành tối 28/10.

Một cây xanh trên đường Phan Bội Châu, Hải Phòng bị bão 'đánh gục'. Ảnh: Xuân Thọ.

Tối 28/10, bão Sơn Tinh hoành hành khắp các huyện ven biển từ Ninh Bình tới Hải Phòng làm ít nhất 3 người chết, hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái. Tháp truyền hình cao nhất miền Bắc đặt ở TP Nam Định cũng bị quật đổ. Sáng nay, bão suy yếu, quét qua ven biển Hải Phòng - Quảng Ninh rồi đổi hướng tiến về khu vực giáp ranh giữa biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Trên khắp các diễn đàn, Facebook, thông tin về bão ở nhiều địa phương được cư dân cập mạng nhật "nóng hổi". Tin tức từ vùng tâm bão được chia sẻ và cập nhật từng giờ, từng phút để những người xa quê nắm tình hình. Chia sẻ với PV, nhiều người Nam Định bất ngờ khi chứng kiến cường độ siêu mạnh của bão.

"12 năm rồi Hải Hậu, Nam Định mới đón một trận bão lớn và bất ngờ như thế này. Không biết dự báo kiểu gì mà người dân ở đây không ai kịp chuẩn bị gì. Thiệt hại vô kể", nickname Nguyen Van Thanh chia sẻ. Còn nickname Thiep viết trong nỗi lo hai con sẽ không có chỗ trú nếu nhà bị tốc mái: "Tôi đang ở giữa tâm bão mà lo lắng như chưa bao giờ có. Mong cho bão qua, nhà tôi cứ rung lên từng đợt".

Diễn biến bão được độc giả Đạt cập nhật liên tục: "Bây giờ là 00:01, gió vẫn mạnh quá, mất điện toàn thành phố. Mưa ngập tràn đường, mái tôn tốc và bay loảng xoảng, cây cối nghiêng ngả. Tôi đang ở thành phố Nam định mà gió mạnh như thế này, không biết những người ở vùng giáp biển còn khổ như thế nào nữa. Mong cho bão tan sớm".

Hay tin bão, những người con Nam Định xa quê nóng lòng liên lạc với người thân: "Mẹ thông báo mái tôn chống nóng bị gió cuốn phăng sang nhà hàng xóm. Bình nước năng lượng mặt trời cũng bị bão quăng xuống đất bẹp dí... Rồi cây cối đổ nghiêng ngả, điện mất, nến cũng sắp tàn, đèn dầu không có, liên lạc bằng điện thoại cố định bị cắt, di động còn vạch pin cuối cùng...".

Trên Facebook, những dòng chia sẻ của người dân Thành Nam cũng "nóng" lên theo diễn biến cơn bão: "Cứ 15 giây, Sơn Tinh lại nổi giận một lần, kiên trì và nhẫn nại 5 tiếng. Quật gió vào ngọn cây, lùa qua cửa vào cái giường tối om. Ngồi đếm xem đến bao giờ ông ta mệt".

Sáng nay, những người vừa trở về từ tâm bão cho hay "Hàng quán ven đường, lều lán cái bay, cái xiêu vẹo. Tin vui là không thấy ai bị thương và thiệt mạng".

Tình hình bão được cư dân mạng cập nhật từng giờ trên Facebook.

Những dòng comment như lời khẩn khoản mọi người hãy cập nhật tin tức ở nhiều vùng quê khiến cư dân mạng xúc động.

"Có ai ở Tiền Hải cập nhật giúp mình tình hình ở đó với. Tôi không thể gọi về nhà được. Lo cho mọi người ở nhà quá!", độc giả Kim Chi viết. Lo lắng cho người thân, nickname Công Đường sốt ruột: "Sau 7 năm giờ lại một siêu bão nữa đổ bộ vào vịnh Bắc Bộ không biết ở nhà giờ thế nào rồi. Mất hết tín hiệu rồi, không liên lạc được".

Vừa trở về Hà Nội từ Nam Định, nickname Hoan "hoàn hồn" vì cuối cùng cũng về đến nhà yên bình: "Đoàn tôi 30 người vừa đi từ Nam Định về Thái Bình. 19h, đúng thời điểm bão mạnh chúng tôi phải quay về Hà Nội. Gió mạnh làm xe bồng bềnh như muốn văng khỏi đường. Trên đường không một bóng xe qua lại, cây cối đổ rạp, cột điện đường cao tốc mới Nam Định - Hà Nam đổ như ngả dạ. Hú vía, nhiều người lần đầu mới biết thế nào là bão biển, mưa rừng".

Từ Đồ Sơn (Hải Phòng), độc giả Quyendq thông báo, gió to cấp 8, điện lưới mất, cây ngoài đường Phạm Văn Đồng đổ nhiều. Sáng nay, mưa không to nhưng gió giật mạnh. "Nền nhà tôi rất cao nhưng nước bắt đầu tràn vào. Mọi người không ngủ và chuyển đồ đạc lên tầng 2. Bãi ôtô bên cạnh đã ngập nước, còi báo động ôtô kêu inh ỏi, một số xe đã ngập hết bánh. Chưa bao giờ Hải Phòng lụt khủng khiếp như vậy. Mong sao nước xuống", một độc giả chia sẻ.

Tháp truyền hình cao nhất miền Bắc ở Nam Định bị gió quật đổ. Ảnh: Trọng Nghiệp.

Trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), thủy thủ Hua Trung Son kể: "Xoảng xoảng!... Tiếng vỡ đổ của cốc ly chai lọ trên quầy bar trong khi tàu xoay tròn cứ như kim la bàn. Gió không theo chiều nhất định nào cả, còn tàu cứ quăng quật lung tung. Anh em mỗi người một bộ đàm đã vào vị trí: 3 người ở mũi tầng trực neo, một người cuối tàu xem có 'bò neo' gần núi không, còn thuyền trưởng thì đang 'quay nước mía' trên cabin vã mồ hôi trong khi thời tiết đêm xuống hơi lạnh".

Không sinh ra và lớn lên ở những vùng thường bị ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, nickname Thành Vinh bày tỏ sự chia sẻ với người dân tại đó: "Tôi sinh sống và làm việc ở Hà Nội, chẳng bao giờ biết đến cơn bão với sức gió cấp 6 trở lên. Nhưng khi xem báo, đài và đọc những dòng comment tôi thật sự xúc động! Nghẹn ở cổ và nước mắt cứ muốn trào ra! Cầu mong sự bình an cho mọi người dân Việt, đặc biệt những người sống ở vùng ven biển - nơi hứng chịu nhiều sự khắc nghiệt của thiên nhiên", Thành Vinh tâm sự.

"Không ngủ được", độc giả Việt Hưng từ Hà Nội nóng lòng hướng về quê nơi có vợ con đang chống trọi với bão. "Anh ở Hà Nội, nằm trong căn phòng kiên cố khô ráo, em và hai con ở nhà lo gió mạnh tốc mái, lo nước ngập vào giường. Thương lắm. Hôm nay anh phải trực không về được. Em và hai con cố chịu mấy tháng nữa nhà trên đây xây xong anh đón 3 mẹ con lên. Còn vài tháng nữa thôi".

Không chỉ trong nước, lòng những người con đang học tập và định cư ở nước ngoài cũng "như lửa đốt". "Đang ở nước ngoài học tập mà lòng mình như lửa đốt. Mong cho nhà mình không bị sao. Mọi người đều mình an hết", nickname Do Thi Duyen viết.

Ngoài những dòng chia sẻ, nhiều lời chúc bình an và mong cho cơn bão sớm qua nhanh của cư dân mạng cũng được gửi tới người dân vùng bão.

Bình Minh

  • Ngày ông táo về trời là ngày bao nhiêu, các nghi lễ cúng?

    Ngày ông táo về trời là ngày bao nhiêu, tục lệ cúng ông công ông táo, tục lệ tết ông công ông táo như thế nào và nguồn gốc của tết ông công ông táo có từ khi nào, ngày cúng ông Công ông Táo năm 2024 vào ngày mấy dương lịch là câu hỏi mà nhất là mỗi bạn trẻ thường hỏi mỗi dịp lễ cúng ông công ông táo.

  • Tết trung thu 2019 vào ngày mấy dương lịch?

    Trung thu năm 2019 vào ngày bao nhiêu dương lịch và trung thu là thứ mấy? Thông tin này giúp các phụ huynh cũng như giới trẻ biết được thời gian cụ thể để sắp xếp lịch đi chơi cùng người yêu hay cho các bé đi chơi trong dịp tết trung thu.

  • Lịch nghỉ tất cả các ngày lễ năm 2019: giỗ tổ Hùng Vương, 30/4, 2/9

    Giỗ tổ Hùng Vương vào thứ mấy được nghỉ mấy ngày, ngày lễ 30/4, 1/5 được nghỉ mấy ngày, dịp Quốc khánh 2/9 nghỉ mấy ngày? Lịch nghỉ tất cả các ngày lễ trong năm 2019 được thống kê đầy đủ dưới đây.

  • Thời tiết tết 2019 tất cả các tỉnh trên cả nước

    Thời tiết những ngày cuối năm, thời tiết đêm giao thừa cũng như thời tiết ngày mùng 1 tết, mùng 2, 3, 4 tết sẽ nắng hay mưa, ấm hay lạnh là điều mọi người đang rất quan tâm để chuẩn bị cho các chuyến du xuân đầu năm Kỷ Hợi này.