Sinh viên ký túc xá Đại học Sư phạm bị... “khóa chân”

Nhiều sinh viên được xét duyệt lưu trú tại Ký túc xá (KTX) Đại học Sư phạm Hà Nội đang “khóc dở, mếu dở” vì lệnh “bế quan tỏa cảng” đường đi, lối lại nơi đây...

Sau khi chính thức đón tân sinh viên cho năm học mới (2012-2013), Ban Quản lý KTX Đại học Sư phạm Hà Nội bất ngờ ngăn nửa KTX làm hai bãi trông giữ xe riêng biệt rồi tiện tay khóa luôn cổng lối đi lại KTX ra đường Trần Quốc Hoàn (lối đi phía Tây nhà A8 ra nhà xe A9 của sinh viên trong KTX).

 

Chủ trương khóa cổng hay “khóa chân” sinh viên?
 
Việc làm này vô hình chung đã “khóa chân” sinh viên đang ở tại tòa nhà A8 và A9 (KTX Đại học Sư phạm Hà Nội), nếu muốn đi ra đường Trần Quốc Hoàn phải đi vòng vèo rất xa, gây khó cho sinh viên đi học thêm, làm thêm về muộn.
 
Việc ngăn đôi khu vực KTX này còn ngăn luôn việc sinh hoạt văn hóa văn nghệ tinh thần tại Câu lạc bộ tầng 2 nhà A10 của sinh viên nội trú, nơi được coi là không gian giao lưu, trau dồi kỹ năng nghiệp vụ sư phạm của sinh viên.
 
Để thể hiện thái độ quyết tâm “khóa chân” sinh viên, mới đây Ban quản lý KTX Đại học Sư phạm Hà Nội đã chính thức có thông báo về việc đóng cổng lối đi này. Theo đó, kể từ 16h30 ngày 7/9/2012, KTX sẽ khóa cổng phía Tây nhà A8 và chỉ mở khi có việc... “quan trọng”.
 

KTX Đại học Sư phạm Hà Nội hay... “chợ cóc”?
 
Trao đổi với PV, ông Trần Công Thanh, trưởng Ban quản lý KTX Đại học Sư phạm Hà Nội thừa nhận việc khóa cổng rất bất cập đối với hoạt động của sinh viên đang lưu trú trong KTX, nhất là những sinh viên phải về muộn vì đi làm thêm.
 
Tuy nhiên, theo ông Thanh: “Đây là chỉ đạo của hiệu trưởng nhà trường nên muốn hay không Ban quản lý KTX cũng phải thực hiện”.
 
“Lúc đầu thực hiện, thấy bất cập Ban quản lý KTX cũng đưa ra phương án đóng, mở cổng linh động hơn. Nhưng sau đó đích thân hiệu trưởng xuống kiểm tra, không đồng ý và chỉ đạo khóa cổng 24/24” - ông Thanh cho hay.
 
Sau hành động trên của Ban quản lý KTX Đại học Sư phạm Hà Nội, nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhờ làm thêm để duy trì cuộc sống và học tập đang bày tỏ lo lắng cho tương lai của mình.