Nhiều trường ngoài công lập ban đầu có ý định tuyển sinh riêng, giờ để an toàn, tránh tình trạng không tuyển được thí sinh, dự kiến vẫn sẽ thi chung - AMH |
Có thể hạn chế quyền lợi xét tuyển của thí sinh
Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho hay trường này tiếp tục tuyển sinh theo phương thức 3 chung vào năm 2014 và 2015, chuẩn bị cho tuyển sinh riêng theo đúng lộ trình vào năm 2016. Thạc sĩ Tuấn tâm tư: “Khâu khó nhất của thi riêng là đề thi, cần có sự chuẩn bị lâu dài và kỹ lưỡng chứ không thể ngay lập tức. Do vậy, ngay trong năm 2014 mà các trường tổ chức thi riêng, nếu không có sự hỗ trợ của Bộ về đề thi thì sẽ rất đáng ngại”.
Ông Tuấn còn rất phân vân khi dự thảo quy định các trường tổ chức thi riêng không được sử dụng kết quả chung để xét tuyển. Ông Tuấn lý luận: “Điều này thứ nhất sẽ làm hạn chế quyền lợi xét tuyển của thí sinh. Vì vậy thí sinh sẽ có cân nhắc kỹ càng khi chọn lựa trường thi. Từ đó dẫn đến những trường chưa tạo được thương hiệu sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vì trước giờ các trường này phải sống nhờ vào khâu xét tuyển của kỳ thi 3 chung”. Ông Tuấn cũng nhấn mạnh nếu có trường tổ chức thi riêng ngay vào năm 2014, điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới thí sinh đang chuẩn bị bước vào kỳ thi này, vì việc thay đổi trên quá đột ngột.
Còn ông Lê Trường Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, đánh giá dự thảo là động thái tích cực của Bộ nhưng cách làm cần nghiên cứu kỹ hơn để không bị nửa vời như hiện nay. Ông Tùng đặt vấn đề: “Tại sao Bộ lại đưa ra quy định thi riêng không được xét tuyển chung trong khi ngay trong dự thảo này quy định các trường có thể thi tuyển, hay xét tuyển, hoặc kết hợp giữa thi và xét tuyển. Nếu trường vừa tổ chức thi tuyển vừa xét tuyển, và trong các tiêu chí xét tuyển có một điều kiện dựa vào kết quả kỳ thi 3 chung của Bộ thì tôi nghĩ hoàn toàn có thể được. Như vậy có thể thấy, ngay trong dự thảo này của Bộ đã có sự mâu thuẫn”.
Ý kiến về tuyển sinh riêng Không nên nửa chung, nửa riêng Dự thảo tự chủ tuyển sinh của Bộ có những quy định làm khó cho các trường muốn thi riêng. Đặc biệt là nếu vẫn thi 3 chung thì khó có trường nào tách ra thi riêng được. Vì vậy, nếu đã cho thi riêng thì riêng hết và chung thì chung hết chứ không nên nửa chung, nửa riêng rất khó cho các trường khi thực hiện. Tiến sĩ LÊ TRƯỜNG TÙNG (Hiệu trưởng Trường ĐH FPT) Sẽ bất ổn Dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh của Bộ có nhiều quy định không thực tế. Ví dụ việc không cho các trường thi riêng lấy kết quả thi 3 chung của Bộ để xét tuyển? Tại sao lại quy định như vậy vì các trường xét tuyển đối tượng nào là quyền của họ chứ. Sinh viên còn có quyền chuyển trường và các trường còn có thể công nhận tín chỉ của nhau. Vậy tại sao Bộ lại không cho các trường được lấy nguồn tuyển là những thí sinh thi 3 chung? Quy định cho các trường thi riêng được thi chung với nhau và dùng chung kết quả sẽ là rất bất ổn. Tiến sĩ NGUYỄN VĂN NHÃ (Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi) Học sinh không có đủ thời gian chuẩn bị Ngay khi vào lớp 10 em đã định hướng sẽ học theo khối B để dự thi vào ngành y đa khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Cách học và ôn thi của em trước nay định hướng theo cách thức kỳ thi chung Bộ tổ chức nhiều năm nay. Giả sử, có sự thay đổi nào đó trong thi cử vào ngay năm 2014 thì tụi em chưa biết phải xử lý ra sao nếu trường đó là trường em sẽ dự thi. Thời điểm này Bộ công bố thay đổi tuyển sinh đã quá trễ, nếu đợi đến tận tháng 3 năm sau mới quyết định chính thức, em nghĩ sẽ không còn kịp để chuẩn bị tốt cho kỳ thi. HUỲNH VÕ NGỌC TRÂM (Lớp 12A3 Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM) Cần công bố sớm Việc tổ chức liên tiếp hai kỳ thi quốc gia (tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH) như hiện nay rất nặng nề. Nếu có một cách thi mới vẫn hiệu quả nhưng nhẹ nhàng hơn thì sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, dù theo cách nào, Bộ cũng cần công bố sớm kế hoạch tuyển sinh mới để học sinh và phụ huynh bớt lo lắng. NGUYỄN THỊ NGỌC CẤN (Phụ huynh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) Vũ Thơ - Hà Ánh (ghi) |
Theo Thanhnien