Thầy trò xưng hô thế nào trên giảng đường đại học?

Có giảng viên “mạnh dạn” xưng \"tôi\" gọi \"anh/chị\" với sinh viên thì bị phán xét thầy khó tính, lên mặt hoặc trò không dám nhận. Việc xưng hô “tôi - anh/chị” thể hiện sự bình đẳng, dân chủ ở trường đại học vẫn đang gặp không ít rào cản.

SV “ngượng miệng” xưng “tôi”

Nguyễn Thanh Nh., sinh viên (SV) Trường ĐH Ngân hàng TPHCM cho biết do từng đi thực tập ở công ty từ năm thứ nhất, thứ hai nên Nh. nhận thấy cách xưng hô theo ngôi thứ nhất rất thuận lợi và tạo cho mình sự tin khi trao đổi. Nhưng khi Nh. áp dụng cách xưng hô này ở giảng đường với giảng viên thì kết quả trái ngược với mong muốn.

Sinh viên còn “ngại miệng” xưng tôi với giảng viên.

Nh. kể: “Khi tôi xưng “tôi” với giảng viên hơn 50 tuổi trong tiết học, các bạn trong lớp đều sững sờ rồi im phăng phắc như thể tôi đang gây ra gì vậy. Giảng viên cũng “sựng” lại trong chốc lát, cảm giác không hài lòng nên không khí trong lớp rất nặng nề. Sau lần đó thấy không ổn nên tôi dùng lại cách gọi thầy xưng em”.

Theo Nh., cách xưng hô này tuy “trôi miệng” nhưng thể hiện sự bị động trong việc tiếp nhận kiến thức của SV, hạn chế sự tương tác nên việc học ở giảng đường vẫn nặng kiểu thầy nói gì trò biết nấy như bậc phổ thông.

Một SV trường ĐH Mở TPHCM cho biết, cậu từng bị bạn bè đánh giá là “tự tin một cách quá trớn” khi xưng “tôi” với giảng viên. “Cũng vì cách xưng hô đó, tôi thấy mình cách biệt và không thân thiện với thầy cô so với các SV khác”, cậu SV này cho hay.

Không ít SV bày tỏ, chủ yếu chỉ với môn tiếng Anh, họ sử dụng đại từ nhân xưng ở ngôi thứ nhất để trao đổi với giáo viên. Còn hầu hết ở các môn học khác, SV vẫn xưng “em” thầy, việc xưng “tôi” với thầy cô là rất hiếm. Họ mang nặng tâm lý người nghe (mà ở đây là giảng viên) sẽ khó chịu và phản cảm với cách xưng hô quá ngang hàng của học trò.

Ngay cả trong thuyết trình được khuyến khích xưng “tôi” thì nhiều SV vẫn… “em” vì họ rất ngại phải mở miệng xưng “tôi”, không riêng gì với thầy mà với cả những người lớn tuổi.

“Khi đi làm dù biết rằng mình nên xưng “tôi” để thể hiện bản thân mình nhưng em vẫn không làm nổi vì… ngượng miệng. Cách xưng em tuy nhẹ nhàng nhưng không phù hợp trong môi trường chuyên nghiệp và tương tác cao”, Nguyễn Thùy Anh, cựu SV Trường ĐH KHXH&NV TPHCM cho hay.

Thầy dạn, trò lại ngại

Khuyến khích xưng “tôi” với thầy cô, Trường ĐH Hoa Sen đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm về xưng hô trong trường học để tiếp thêm sự tự tin trong giao tiếp cho SV. Thậm chí, trường này không sử dụng bục giảng trong lớp học để thu hẹp khoảng cách và tạo sự bình đẳng, dân chủ giữa chủ thể dạy và học.

TS Bùi Trân Phượng - hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen cho hay, cách xưng hô ở trường ĐH hiện nay vẫn thể hiện một quyền lực hay nhiều quyền lực đan xen lẫn nhau lẫn nhau của người dạy.

“Tôi luôn ủng hộ cách xưng hô ở trường ĐH phải có tôn ti, trên dưới nhưng không đè bẹp sức bật của SV. Theo tôi SV nên xưng “tôi” với thầy cô để khẳng định mình trong việc trao đổi kiến thức”, bà Phượng nói.

Nhiều người cho rằng, việc xưng hô “thầy - em” ở giảng đường chưa thể hiện được vai trò, trách nhiệm của chủ thể học tập là SV.

Theo bà Phượng, một rào cản hiện nay trong việc giáo dục kiến thức và nhân cách cho SV ở bậc ĐH là liệu người thầy đã thật sự xem như SV như một đối tượng trưởng thành và thật sự tôn trọng những quyền trưởng thành của SV chưa? Cụ thể trong cách xưng hô, thầy cô đã thật sự chấp nhận với việc xưng “tôi” của SV.

Thực tế, không ít giảng viên “khó chịu” và không bằng lòng khi thấy SV “xưng” tôi với mình chủ yếu do cách xưng hô truyền thống “thầy - em” từ lâu mà họ trải qua, họ khó chấp nhận được cách gọi "ngang hàng" của SV đối với mình. 

“Cách xưng hô “em” với người lớn tuổi hơn của chúng ta có từ lâu đời, trong mọi mối quan hệ như là một nét văn hóa. Nên tôi nghĩ việc việc trò xưng "tôi" với thầy rất khó khăn cho cho cả học trò và giảng viên”, một giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TPHCM bày tỏ.

Tuy nhiên, không ít giảng viên mạnh dạn xưng “tôi” và gọi SV là “anh/chị” khi lên lớp để thể hiện sự bình đẳng thầy trò lại gặp cản trở từ chính học trò.

Thầy Võ Văn Dân (Trường CĐ Sư phạm Bình Phước) cho hay trong giao tiếp với SV, thầy đều xưng “tôi” và gọi “anh/chị”. Thời gian đầu nhiều SV phản ứng không dám nhận vì… “thầy làm vậy bọn em tổn thọ”. Có SV còn cho rằng thầy khó tính, khó gần hoặc đang hạch sách SV. Chỉ khi thầy giải thích cho SV hiểu lợi ích của việc xưng hô như vậy, SV mới bớt… ngại.

“Tôi ủng hộ trò xưng “tôi” với giảng viên vì khác với bậc phổ thông, chúng ta bước vào giảng đường là để tìm kiếm tri thức chứ không phải để chờ đợi sự che chở. Nhiều người nói cách xưng hô không quan trọng nhưng khi xưng “tôi” cho các em thấy mình có vị thế, trách nhiệm trong mọi việc chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào giảng viên. Việc xưng “em” hạ vai trò của SV đi rất nhiều”, ông Dân chia sẻ.
 

 “Cách xưng hô thầy - em phổ biến trong trường học ở Việt Nam thể hiện người thầy có trách nhiệm về tri thức, về nhân cách của học trò. Sự hiểm ngầm về mối quan hệ ấy của người Việt sản sinh ra những cụm từ “thầy nào trò ấy, thầy sao trò vậy”. Tuy nhiên ở bậc ĐH, sinh viên là chủ thể nghiên cứu nên cách dùng đại từ các bạn hay anh/chị sẽ làm cho thầy và trò gần gũi hơn, phát huy được tính chủ động của người học, dễ dàng tiếp cận kiến thức khoa học.

Nhưng có lẽ chúng ta nên linh hoạt chứ không nên quá cứng nhắc trong xưng hô vì ngôn ngữ Việt Nam rất phong phú. Trong giờ dạy có thể gọi học trò là “anh/chị” nhưng khi thầy trò trao đổi trực tiếp có thể xưng em để thân thiện hơn” - ThS Lê Hoàng Giang (Trường ĐH Sư phạm TPHCM).

“Chúng ta bàn nhiều đến cách xưng hô ở trường ĐH và ai cũng thấy mặt lợi của việc sử dụng đại từ nhân xưng ở ngôi thứ nhất góp phần thể hiện sự dân chủ, tự tin ở trường ĐH. Tuy nhiên hiện nay thầy và trò đều ngại xưng “tôi” là do sức “đè” văn hóa, hai bên chưa vượt qua được. Trò sợ mình gọi như vậy là hỗn, là thiếu tôn trọng thầy còn người thầy cũng sợ mình khác người, sợ SV nghĩ không hay về mình. Theo tôi phải có sự đồng thuận giữa hai bên, giữa các trường để giảng viên và SV hiểu rằng cách xưng hôi “tôi” “anh/chị” là hoàn toàn bình thường” - Ông Võ Văn Dân (Trường CĐ Sư phạm Bình Phước.

"Cách xưng hô quá nhiều phân cấp văn hóa của Việt Nam đôi khi trở thành rào cản cho môi trường chuyên nghiệp, hợp tác trong công việc như hiện nay. Khoan đã nói đến SV, ngay nhiều bạn đi làm để thể hiện khả năng của mình mà phải đặt nặng vấn đề “gọi” như thế nào cho phù hợp. Theo tôi, cả bên nghe và bên nói phải thật sư cởi mở với nhau và chấp nhận cách gọi “anh - tôi”, kể cả cách biệt tuổi tác. Ở trường ĐH, SV cần phải được làm quen với cách xưng hô “thầy - tôi” để khi đi làm các bạn tự tin hơn” - Phó giám đốc một ngân hàng ở TPHCM. 

 

 
Theo Thethaohangngay 

NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247!

Nếu em đang: 

  • Mong muốn bứt phá điểm số học tập nhanh chóng
  • Tìm kiếm một lộ trình học tập để luyện thi: TN THPT, ĐGNL, ĐGTD, Vào lớp 10
  • Được học tập với Top giáo viên hàng đầu cả nước

Tuyensinh247 giúp em: 

  • Đạt mục tiêu điểm số chỉ sau 3 tháng học tập với Top giáo viên giỏi
  • Học tập với chi phí tiết kiệm, đầy đủ theo ba đầu sách
  • Luyện thi bám sát cấu trúc từng kì thi theo định hướng của BGD&ĐT

Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY