Thi tốt nghiệp THPT 2020: Mỗi thí sinh một mã đề riêng

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ theo mục tiêu \"học gì, thi nấy\", đối với các môn thi trắc nghiệm mỗi thí sinh có 1 mã đề thi riêng.

Ngày 21/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành trung ương về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020.

Tại cuộc họp, các đại biểu (Ban Tuyên giáo Trung ương; Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Bộ Tư pháp; Văn phòng Chính phủ, các chuyên gia giáo dục,…) đã thảo luận phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020.

Giảm độ khó của đề thi để phù hợp với dịch Covid-19

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, tại cuộc họp, các đại biểu nhấn mạnh nguyên tắc của thi tốt nghiệp phổ thông là “học gì, thi nấy” để đánh giá toàn diện chất lượng đào tạo, bảo đảm phân luồng trong định hướng giáo dục nghề nghiệp, có tính đến việc giảm tải nội dung (giảm độ khó, độ phân hoá của đề thi) cho phù hợp với hoàn cảnh của giáo dục trong điều kiện đất nước phải phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đề thi thống nhất trong toàn quốc (1 đề chính, 1 đề dự phòng); với các môn thi trắc nghiệm, mỗi thí sinh có 1 mã đề thi riêng; đảm bảo chất lượng kỳ thi và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.

Các đại biểu đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố đề cương để các trường tổ chức giảng dạy và ôn tập cho học sinh sau khi đi học trở lại.

Các ý kiến đã thống nhất đây là kỳ thi thực hiện theo đúng quy định của Luật Giáo dục 2019 và lộ trình đổi mới thi cử, đổi mới giáo dục đại học.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên kỳ thi năm nay phải tổ chức lùi lại sau ngày 1/7, thời điểm Luật Giáo dục 2019 đã có hiệu lực, vì vậy, kỳ thi phải đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Và phương án được thảo luận đến bây giờ Bộ Tư pháp thấy rằng cơ bản đáp ứng đúng yêu cầu.

Chia sẻ quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên phương án tổ chức thi đã được chuẩn bị chi tiết, các đại biểu bàn thảo kỹ, thống nhất cao.

Bà Minh cũng tán thành đề xuất giao sâu thẩm quyền cho địa phương trong tổ chức kỳ thi để đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, chất lượng, tiết kiệm kinh phí cho xã hội,… phù hợp với hoàn cảnh đất nước đang phải chống dịch.

Địa phương chịu trách nhiệm coi thi, in sao đề thi, chấm thi

Các ý kiến cũng thống nhất giao UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, tổ chức kỳ thi; trong đó, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong từng mắt xích của quy trình tổ chức thi (quản lý đề, in sao đề, coi thi, chấm thi, công bố kết quả…); việc tổ chức coi thi do địa phương quyết định, có đảo giáo viên coi thi giữa các trường trong tỉnh.

Hội đồng thi của tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, in sao đề thi. Trong những ngày thi thực hiện quản lý đề thi, bài thi tại điểm thi. Sau khi thi kết thúc, Hội đồng thi quản lý bài thi, tổ chức chấm thi, công bố kết quả thi.

Để bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, chất lượng, chặt chẽ việc tổ chức thanh tra kỳ thi sẽ được thực hiện theo 2 cấp ở trung ương và địa phương. Trong đó, ở địa phương có Thanh tra Nhà nước của tỉnh và Thanh tra của Sở Giáo dục và Đào tạo; ở Trung ương là Thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong bối cảnh ngành giáo dục phải điều chỉnh chương trình cả về khối lượng và thời gian do dịch bệnh COVID-19, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia sẽ diễn ra sau ngày 1/7, thời điểm Luật Giáo dục 2019 và Luật Giáo dục đại học chính thức có hiệu lực.

Bản chất của kỳ thi này cũng như lộ trình đổi mới thi cử là dần tiến tới là một kỳ thi để xét tốt nghiệp trung học phổ thông, bảo đảm yêu cầu tổ chức kỳ thi thật nghiêm túc, khách quan, trung thực và không nặng nề quá mức cần thiết.

Một khi kỳ thi được tổ chức khách quan, kết quả trung thực thì không chỉ giúp cho công tác đánh giá, đổi mới chương trình và phương thức dạy học ở phổ thông mà cũng giúp các trường đại học có thêm cơ sở để phục vụ cho mục đích tuyển sinh trên tinh thần tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình.

Câu chuyện thi cử luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội và nhân dân, do vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi, sớm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời để học sinh, giáo viên, kể cả các trường đại học chủ động phương án học tập, ôn thi cũng như chuẩn bị phương án tuyển sinh phù hợp.

Theo TTHN

  • Danh sách trường công bố phương án tuyển sinh 2025

    Thông tin tuyển sinh năm 2025 của các trường Đại học được 2K7 và phụ huynh vô cùng quan tâm. Đến ngày 6/11 đã có 12 trường công bố phương án tuyển sinh 2025. Xem chi tiết thông tin các trường phía dưới để có định hướng học tập cho thời gian tới.

  • Bỏ cộng điểm nghề xét tốt nghiệp THPT 2025

    Sẽ không còn cộng điểm nghề trong quy định cộng điểm khuyến khích trong xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

  • Lịch nghỉ tết Nguyên đán 2025 - Tất cả các trường Đại học

    Lịch nghỉ tết nguyên đán Ất Tỵ 2025 của các trường Đại học đã và đang được công bố đến sinh viên. Dưới đây là lịch nghỉ tết âm lịch 2025 dành cho sinh viên của các trường Đại học phía Bắc và phía Nam.

  • Cẩm nang thi đánh giá tư duy 2025

    Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội phát hành cuốn \"Cẩm nang thi đánh giá tư duy TSA\" nhằm giúp 2K7 hiểu rõ hơn về cấu trúc và nội dung của Bài thi TSA, làm quen với các dạng câu hỏi, hướng dẫn ôn tập, phương pháp làm bài, đề thi minh họa. Xem chi tiết cẩm nang TSA 2025 phía dưới.