Gần Tết, thị trường hoa và cây cảnh bắt đầu sôi động. Một số nhà vườn, cửa hàng chuyên cung ứng và phân phối đang rơi vào tình trạng ế ẩm thì không ít nhà cung cấp lại rất đắt hàng.
Kẻ khóc…
Nếu như những năm trước, khu vườn hơn 1.000m2 của ông Nguyễn Văn Phúc (766/3 quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) có thể trồng gần 400 gốc mai ghép để bán hoặc cho thuê thì năm nay chỉ còn khoảng 200 gốc. Điều đáng nói, cùng thời điểm này năm ngoái, thương lái chủ động đến tận nhà vườn ngã giá cao thì năm nay, dù chỉ còn hơn một tuần nữa là đến tết, vẫn chưa một ai đến hỏi mua. Có chăng, cũng chỉ một vài mối quen đặt hàng trước. "Thời tiết thất thường, đêm lạnh, ngày nắng cộng với một số trận mưa đổ xuống bất chợt khiến mai đua nhau nở. Bây giờ, chỉ mong sao bán hoặc cho thuê gốc nào hay gốc đấy nhằm giảm bớt thiệt hại mà cũng khó khăn" - ông Phúc rầu rĩ nói.
|
Vườn mai ghép của anh Nguyễn Trung Hiếu (quận Thủ Đức) đắt hàng trong dịp tết 2013. |
Đường Thành Thái (quận 10), nơi tập trung nhiều cửa hàng bán buôn hoa lớn, đến tận thời điểm này vẫn vắng bóng người mua. Chị Quỳnh Vy, chủ một cửa hàng, cho hay, mọi năm thời điểm này đã nhộn nhịp. Thậm chí, giá hoa cũng tăng cao và có lúc không có hoa để bán. Còn hiện nay, số lượng khách giảm 70% so với cùng kỳ và hoa nhập về từ Đà Lạt cũng giảm, chỉ bằng 50%. Điều đáng nói, năm nay, chị chủ yếu bán các chậu hoa bình dân giá từ vài trăm nghìn đồng đổ lại như cúc, thược dược, hướng dương…
Giá hoa đã rẻ nhưng chi phí sản xuất, phân bón, thuê nhân công… lại tăng khiến người trồng hoa khốn đốn. Theo nhiều hộ chuyên trồng hoa tết tại quận 12, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi thì năm nay, giá phân bón, thuốc trừ sâu, diệt cỏ… tăng 5-15% so với cùng kỳ. Tiền thuê nhân công tăng 2.000-5.000 đồng/giờ khiến giá thành các loài hoa đội lên chừng 2.000-10.000 đồng/giỏ. Đáng ngại hơn, trong tình hình kinh tế khó khăn nhưng nhiều hộ gia đình và vùng trồng hoa lại mạnh dạn mở rộng diện tích và đầu tư một cách dàn trải. Theo thống kê của Sở NN&PTNT TP, hiện diện tích hoa, cây cảnh phục vụ Tết Quý Tỵ 2013 ở TP lên tới hơn 1.200ha, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung vào những loài hoa truyền thống như: Hoa nền, lan, bonsai và cây cảnh. Nguồn cung lớn, sức mua giảm, không ít người trồng hoa liêu xiêu.
Người cười…
Tuy nhiên, không phải người trồng hoa nào cũng than khổ. Năm nay, anh Nguyễn Trung Hiếu (735 quốc lộ 13, khu phố 3, quận Thủ Đức) chỉ đầu tư cho khoảng 250 gốc mai ghép trong khu vườn rộng gần 1.500m2, thay vì đổ tiền làm gấp đôi số đó như năm ngoái (500 gốc). Nhờ vậy, anh có thể tập trung chăm sóc kỹ từng gốc mai, đồng thời chuyển hướng từ vườn chuyên bán mai ghép sang dịch vụ cho thuê. Điều đáng nói, khác với trước, từ nửa năm nay, anh không ngừng quảng bá cây mai ghép của mình đến khắp nơi trên địa bàn thành phố. "Hiện nay, mai thuê mới là xu thế được ưa chuộng bởi rẻ hơn mua. Người trồng mai cho thuê được số lượng nhiều, từ đó, thu nhập khá hơn", anh Hiếu chia sẻ. Hiện đã có 2/3 số gốc mai ghép của anh Hiếu được các công ty, doanh nghiệp, gia đình đến tận nơi đặt hàng, giá cả vì thế cũng cao hơn.
Tương tự, năm nay, tiên lượng nền kinh tế tiếp tục khó khăn nên anh Thái Trọng Nghiệp (đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp) không nhập các giống hoa ngoại về. Thay vào đó, ngoài việc tập trung phát triển hoa nội, anh còn mạnh dạn cho ghép nhiều loài lại với nhau. Kết quả hoa lan và các loài hoa làm nền như cúc, mồng gà, thược dược... trong khu vườn rộng trên 3.000m2 của anh màu sắc sặc sỡ, không kém hoa ngoại. Ngoài ra, anh quyết định cắt giảm gần một nửa nhân công, tăng lương và tăng giờ làm việc cho các nhân công còn lại. Các chi phí sản xuất (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) cũng được anh tính toán kỹ. Tất cả giúp chi phí hoa giảm. Cũng may mắn là lượng hoa gia đình anh bán được lại tăng gần 10% so với năm ngoái, trung bình khoảng 400-500 cành/ngày. Đáng nói, loại lan ghép dù giá từ vài trăm đến vài triệu đồng/chậu nhưng anh đã bán được tới hơn 1.000 chậu, thu về khoản lời không nhỏ.
Theo những chủ vườn thu lời năm nay, "hơn nhau" ở chỗ biết tiên liệu trước khó khăn để thay đổi phương án sản xuất kinh doanh chứ không thể giữ lối làm ăn cũ.