Trường ngoài công lập: Chấm dứt thi \"ba chung\" mới thoát khổ

Vấn đề tuyển sinh đại học, cao đẳng trong những năm qua vốn đã khó khăn với các trường ngoài công lập, trong khi đó các trường công lập thì vẫn luôn được hưởng các chính sách \"ưu ái\". GS Đặng Hữu - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà, nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương đã có những chia sẻ hết sức sâu sắc xung quanh vấn đề trên.

- Thưa GS, ông có chia sẻ gì về những chính sách mà Bộ GD&ĐT đã áp dụng trong những kì thi tuyển sinh vừa qua, những chính sách này đối với các trường ngoài công lập (NCL) sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
 
GS Đặng Hữu: Vấn đề tuyển sinh của các trường NCL còn rất nhiều bất cập, vấn đề này từ hơn 2 năm trước đã bắt đầu nói rồi, năm ngoái lại kêu rất dữ, muốn năm nay thay đổi nhưng Bộ GD&ĐT vẫn không thay đổi, khiến cho tình trạng năm nay không những trường tư mà trường công cũng đều kêu với cách tuyển sinh không hợp lí. Hình thức thi “ba chung” trong hoàn cảnh trước đây mình dùng có thể hợp lí nhưng không thể tồn tại đến ngày hôm nay được, nó vô lí hết sức bởi vì đã là người tốt nghiệp phổ thông thì người ta có quyền học đại học. Thể lệ chung của các nước là sau khi học sinh phổ thông tốt nghiệp sẽ được cấp 1 cái bằng, với bằng đó người ta có quyền đi thi vào đại học. 
 
Việc tuyển sinh vào đại học là do các trường tùy theo yêu cầu của mình, trường nào đào tạo lĩnh vực nào thì tuyển theo yêu cầu của mình, và phải đảm bảo đầu ra cho đúng quy định đầu ra chất lượng phải như thế nào, phải có chuẩn. Còn việc người ta vào như thế nào thì không nhất thiết, người giỏi vào có thể có cách đào tạo để người ta giỏi hơn, còn người yếu vẫn có thể học được, người ta cho rằng trình độ trung bình của phổ thông là đều có thể học đại học được. Với những người đó người ta có cách, lúc đầu điểm chưa cao thì người ta có cách nâng lên. Và toàn bộ quá trình đào tạo đó là quyền tự chủ của các trường đại học, mỗi trường đại học có quyền tự chủ về cách dạy, mục tiêu đào tạo, nội dung đào tạo và cách tuyển sinh của mình.
GS Đặng Hữu: Tôi kiên quyết đề nghị là phải chấm dứt ngay việc thi “ba chung”, nó không cần thiết, chỉ gây khổ sở cho các trường, trước đây là các trường dân lập, đặc biệt là các trường mới mở và bây giờ là cả đến các trường công. Ảnh Xuân Trung
Những cái đó đã trở thành nguyên lí, trong khi đó, vừa rồi các hội thảo về Luật GD, các lãnh đạo và các nhà khoa học đều nói các trường đại học đều phải tự chủ, có tự chủ thì mới phát triển được, cạnh tranh được thì mới phát triển được. Với cách tuyển sinh như những năm vừa qua của Bộ sẽ làm cho: Một là, thi chung vẫn có thể được với lí do ở phổ thông mức quản lí thi cử chưa đánh giá đúng, và việc có 1 cuộc thi chung để đánh giá lại kì thi phổ thông, coi như đấy là 1 kì thi thứ hai thi quốc gia để đánh giá những học sinh có trình độ phổ thông thực, ví dụ như thế, đó là điều không hợp lí. Tại sao Bộ GD&ĐT không làm tốt kì thi tốt nghiệp phổ thông, khi đó bằng tốt nghiệp phổ thông sẽ là cái bằng thực sự có giá trị cả trong nước và ngoài nước, mà sau đó lại làm thêm cuộc thi đại học nữa, như thế là không cần thiết.
 
Nếu như lấy lí do vì các trường không tuyển sinh được, tại sao các trường lại không tuyển sinh được? Từ hồi tôi đang còn làm Trưởng Ban khoa giáo Trung ương các trường vẫn tuyển sinh được. Lâu nay chúng ta thực hiện các kỳ thi như vậy tưởng là tiên tiến nhưng thực tế đó là một cách quản lí hình thức, một cách quản lí theo kiểu chỉ huy, bao cấp trước đây, không phải cách quản lý đối với đại học. 

- Vậy, theo GS nếu trong những năm tới Bộ GD&ĐT tiếp tục tiến hành hình thức thi và hình thức xét tuyển, hậu quả này sẽ như thế nào? 
 
GS Đặng Hữu: Vâng, làm như thế sẽ nảy sinh mấy vấn đề sau: Một là, vẫn có điểm chuẩn – điểm chuẩn ở đây không có căn cứ, điểm chuẩn làm mất cơ hội của những người có khả năng muốn đi vào học đại học. Chứng minh thực tế, trường chúng tôi (Trường đại học Quốc tế Bắc Hà) có những em không đạt điểm chuẩn nhưng học rất tốt, ngược lại có những em đạt điểm chuẩn nhưng lại không học được.

Nói là điểm chuẩn, nhưng tại sao có những người không đạt điểm chuẩn mà người ta đi ra nước ngoài người ta học vẫn tốt, học trong nước học vẫn tốt. Cho nên, không có căn cứ nào để đặt ra điểm chuẩn. Thứ hai, với chính sách như hiện nay lại là một hạn chế, các trường không đủ chỉ tiêu tuyển sinh, trong khi các trường có đủ thầy, có đủ cơ sở vật chất mà lại không có trò dạy.
 
Trong lúc học sinh có điều kiện đi học lại không cho người ta đi học. Đó là 1 điều vô lí hết sức, các trường đã kêu từ năm ngoái, đến năm nay Bộ lại tiếp tục. Không có một triết lí nào để chứng minh, trên thế giới không biết có một nước tiên tiến nào lại làm như thế. Đã là đại học thì có quyền tự chủ.

Bộ GD&ĐT có chức năng chính của mình là đặt ra những tiêu chuẩn mà các trường phải đạt và tăng cường sự kiểm tra đánh giá, cái đó Bộ lại không làm. Trong những năm qua, chính sách và hình thức tuyển sinh của Bộ dẫn tới khuyến khích điều gì? Đó chỉ là khuyến khích việc làm hình thức, cách này cách khác và rồi trong Bộ GD&ĐT không có khả năng kiểm soát chất lượng đó ra sao. 
 
- Để gửi một tiếng nói tới Bộ GD&ĐT trong năm tới, GS sẽ nói gì?
 
GS Đặng Hữu: Tôi kiên quyết đề nghị là phải chấm dứt ngay việc thi “ba chung”, nó không cần thiết, chỉ gây khổ sở cho các trường, trước đây là các trường dân lập, đặc biệt là các trường mới mở và bây giờ là cả đến các trường công. Học sinh vào đại học, các em học không được thì phải chịu, các trường cỏ thể loại các em đó ra, còn nếu các em học được thì để cho các em học. Qua đó mới đánh giá được trường nào dạy thực, dạy được, trường nào không. Trường lấy sinh viên giỏi, giáo viên vào dạy sinh viên bao nhiêu, chương trình nào sinh viên cũng học tốt rồi thì không nói làm gì nữa.

Quá trình đào tạo là phụ thuộc vào cách học, cách dạy của từng trường để cho ra chất lượng tốt. Cuối cùng, quan trọng nhất Bộ phải tăng cường kiểm định chất lượng. Đừng áp đặt từ trên xuống dưới, cách làm đó là cách làm ở phổ thông chứ không phải là cách làm ở đại học. Đã là cách làm đại học thì quyền tự chủ là quyền thiêng liêng nhất của các trường đại học, đó là bản chất của các trường đại học. 
 
- Thưa GS, với tình hình tuyển sinh khó khăn như những năm qua, đối với trường của ông năm tới sẽ có những chính sách gì mới để giúp thu hút người học?
 
GS Đặng Hữu: HĐQT của chúng tôi sẽ làm cách nào để đảm bảo chất lượng, mục tiêu chất lượng là hàng đầu, ít học sinh cũng chịu nhưng mà phải đảm bảo chất lượng.

- Trong cuộc họp vừa qua của Bộ trưởng Bộ GD với Phó Thủ tướng Chính phủ về nguồn nhân lực, Bộ trưởng có đề nghị rằng hiện nay nguồn nhân lực của ngành Tài chính – ngân hàng, Kế toán và Quản trị kinh doanh đang thừa nên tạm dừng việc mở các ngành đó, kể cả các trường mới thành lập mà có các ngành đó thì cũng không được mở, GS có ý kiến gì?
 
GS Đặng Hữu: Bộ GD&ĐT có căn cứ gì đâu để nói như thế, với tình hình hiện nay, đến một lúc nào đó lại kêu không có tài chính thì sao? Đó là một cái vô lý, cái duy ý chí, chủ quan, thấy tình hình như thế Bộ GD&ĐT làm như thế như là để gỡ nhưng thực tế lại làm tình hình rối thêm lên. Làm cái đó hết sức khó khăn, nguy hiểm. Có những trường chỉ mở một ngành Tài chính, vậy bây giờ chẳng nhẽ giải thể hết? 
 
Xin cảm ơn GS!

GS. Viện sĩ Đặng Hữu (sinh ngày 2 tháng 1 năm 1930) tại xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp giai đoạn 1976-1982. Sau đó làm Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Giai đoạn từ năm 1996 - 2002, ông là Trưởng ban Khoa giáo Trung Ương Đảng. Sau đó, ông được bầu làm ủy viên Trung Ương Đảng các khóa V, VI, VII, VIII (từ 1981 đến 2001) và được bầu làm Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X (từ 1987 đến 2002). GS Đặng Hữu từng được tặng giải thưởng ASOCIO 2003 của Tổ chức công nghiệp Tin học Châu Á và Thái Bình Dương dành cho người có đóng góp to lớn với sự phát triển công nghệ thông tin.

GS Hoàng Xuân Sính: Mở trường, mở ngành mới trong tuyển sinh, vấn phải được chú trọng. Nếu thầy yếu thì đừng mở, không mở ngành mới. Trong tuyển sinh lần này Bộ biết trước sẽ làm cho các trường tư gặp khó khăn, Bộ biết nhưng cố tình vẫn làm. Bây giờ dù có đề nghị gì mà Bộ không thích thì vẫn phớt tỉnh đi, khi đó Hiệp hội đâu có đề nghị được gì.
 
Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Á, Nguyễn Ngọc Chu nêu thực trạng, hiện nền giáo dục đại học chúng ta đang đi ngược với thời đại, chúng ta chủ yếu thắt đầu vào và thả đầu ra. Hơn nữa, chúng ta đào tạo không đúng thực chất, đào tạo những thứ không cần thiết. Đại học mà học tới 5 năm là thừa. Điều này cho thấy, cơ chế của chúng ta là cơ chế tập trung, đào tạo ít thì sợ không đủ. Lãnh đạo nói không nhận sinh viên NCL, liên thông thực chất là lãnh đạo yếu. Khi đã vào “đấu trường” thì không cần quan tâm người đó xuất thân từ đâu, chỉ cần người đó đấu tốt thì nhận. 
 
Xuân Trung (Theo GDVN)
  • Trường ngoài công lập \"bí\" phương án tuyển sinh 2013

    Sáng nay (19/12), tại Trường ĐH Phương Đông, đại diện nhiều trường ngoài công lập khu vực phía Bắc đã cùng họp bàn với nội dung xoay quanh việc tháo gỡ những khó khăn sau kỳ tuyển sinh năm 2012 vừa qua, chuẩn bị khâu tổ chức tuyển sinh 2013.

  • Trường ngoài công lập đồng loạt \"kêu cứu\"

    Mặc dù con số báo cáo lên Bộ GDĐT về số lượng tuyển được theo chỉ tiêu \"khá đẹp\" nhưng thực tế, nhiều trường đang đứng trước nguy cơ phải… tự giải thể vì không tuyển sinh được.

  • Trường ngoài công lập: Kiểm định và công khai hóa chất lượng để \"tự cứu\"

    Tại cuộc họp bàn về công tác tuyển sinh ĐH ngoài công lập miền Bắc và miền Trung ngày 19-12, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập - cho biết nhiều trường được giao chỉ tiêu nhưng không tuyển nổi SV, đang đứng trước nguy cơ “tự chết” nếu không được Bộ GD-ĐT tiếp sức.

  • Lịch nghỉ tết Nguyên đán 2025 - Tất cả các trường Đại học

    Lịch nghỉ tết nguyên đán Ất Tỵ 2025 của các trường Đại học đã và đang được công bố đến sinh viên. Dưới đây là lịch nghỉ tết âm lịch 2025 dành cho sinh viên của các trường Đại học phía Bắc và phía Nam.

  • Cẩm nang thi đánh giá tư duy 2025

    Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội phát hành cuốn \"Cẩm nang thi đánh giá tư duy TSA\" nhằm giúp 2K7 hiểu rõ hơn về cấu trúc và nội dung của Bài thi TSA, làm quen với các dạng câu hỏi, hướng dẫn ôn tập, phương pháp làm bài, đề thi minh họa. Xem chi tiết cẩm nang TSA 2025 phía dưới.