Tư vấn tuyển sinh tại Bình Thuận: Chọn ngành, chọn nghề phù hợp?

Chọn thi ĐH hay học trung cấp, CĐ, chọn ngành nào phù hợp với khả năng và sở thích của mình, chọn trường nào để phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình là những thắc mắc mà đa phần các bạn học sinh đều vướng phải. Đã có hơn 4.000 học sinh THPT tại thành phố Phan Thiết và các huyện lân cận đã về Trường THPT Phan Bội Châu (TP Phan Thiết, Bình Thuận) tham gia Chương trình Tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2013.

Sân chính Trường THPT Phan Bội Châu không còn chỗ trống. Các bạn học sinh không còn chỗ ngồi phải đứng dọc hành lang các dãy phòng học.

Đúng 8g, chương trình chính thức bắt đầu.

Hơn 4.000 học sinh THPT của tỉnh Bình Thuận đã đến tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2013 tại trường THPT Phan Bội Châu, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận sáng 13-1 - Ảnh: Minh Đức

Mở đầu chương trình, ông Đỗ Quốc Anh - Giám đốc cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM chia sẻ: "Định hướng ngành nghề để học sinh chọn được ngành phù hợp là chủ trương lâu nay của Bộ GĐ-ĐT. Làm sao để các em có thể chọn được trường, ngành phù hợp với năng lực và sở thích của mình là điều rất quan trọng. Từ ý nghĩa này, hàng năm Bộ GD-ĐT cùng báo TT đến tận các trường THPT để đưa đến các thông tin sớm nhất, đầy đủ và chính xác nhất giúp các em định hướng nghề nghiệp, giúp mình lập thân lập nghiệp sau này. Các em hãy tận dụng cơ hội này để đặt thật nhiều câu hỏi, đưa ra thật thiều thắc mắc để các thành viên ban tư vấn gải đáp và định hướng nghề nghiệp cho các em sau này.

Ông Đỗ Quốc Anh - Giám đốc cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM phát biểu khai mạc chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2013 sáng 13-1 - Ảnh: Minh Đức

Ông Mai Hữu Cường - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận nói: "Hàng năm TT cùng Bộ GD-ĐT đều tổ chức chương trình tư vấn Tuyển sinh - hướng nghiệp cho học sinh các trường THPT. Năm 2012 chương trình cũng được tổ chức tại Bình Thuận. Hôm nay, hơn 4.000 học sinh của TP Phan Thiết và các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc được tiếp cận với chương trình là điều kiện để các em được định hướng chọn ngành đúng với sở thích, khả năng, sở trường của mình trong kỳ thi tuyển sinh năm nay".

 

Ông Mai Hữu Cường - phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận phát biểu chào mừng chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2013 - Ảnh: Minh Đức

"Chọn thi ĐH hay học trung cấp, CĐ, chọn ngành nào phù hợp với khả năng và sở thích của mình, chọn trường nào để phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Đây là cơ hội quý báu để các em có thể đưa ra các thắc mắc, băn khoăn để được tư vấn và định hướng nghề nghiệp".

Bắt đầu chương trình tư vấn, TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM - chia sẻ những điểm cần lưu ý về kỳ tuyển sinh năm 2013.  Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013 về cơ bản cũng giống như năm 2012. Kỳ thi năm 2013 vẫn được tổ chức theo phương thức thức ba chung (chung đề, chung đợt và sử dụng chung kết quả).

TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, cung cấp những thông tin chung về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 cho học sinh tỉnh Bình Thuận - Ảnh: Minh Đức

Chung đợt: tất cả các trường ĐH có cùng khối thi sẽ thi cùng đợt, trong đó đợt 1 dành cho khối A, A1, V; đợt 2 khối B, C, D và đợt 3 dành cho các trường CĐ.

Chung đề: các trường sử dụng chung đề thi, trong đó các môn lý, hóa, sinh và ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm, các môn còn lại thi tự luận.

Cái chung thứ 3 là dùng chung kết quả để xét tuyển.

Sau khi thi ĐH, CĐ, cuối tháng 7 các trường sẽ công bố điểm thi. Đầu tháng 8, Bộ GD-ĐT sẽ công bố điểm sàn và từ đó các trường công bố điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 của mình. Các trường không được định điểm chuẩn dưới điểm sàn. Việc xét tuyển dự kiến có xét tuyển nguyện vọng, mỗi đợt kéo dài 20 ngày. Thí sinh có điểm thi dưới điểm sàn ĐH, CĐ sẽ không được xét tuyển nguyện vọng 1, 2, 3 vào các trường ĐH, CĐ. Thí sinh đã trúng tuyển NV1 cũng sẽ không được xét tuyển NV2, 3.

Những thí sinh không trúng tuyển nhưng có điểm thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn thì được trường cấp cho hai giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh để xét tuyển NV2. Các em cần theo dõi thông tin xét tuyển NV2 của các trường để có thể nộp hồ sơ xét tuyển.

Tiếp theo chương trình, TS Lê Thị Thanh Mai cung cấp một số thông tin liên quan đến nhu cầu nhân lực theo quy hoạch của Chính phủ. Theo đó, một số ngành được ưu tiên đầu tư trong các lĩnh vực đặc thù đến năm 2020 là giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, du lịch, ngân hàng, tài chính, công nghệ thông tin, năng lượng hạt nhân. Các lĩnh vực này đòi hỏi các em phải được đào tạo bài bản và đáp ứng được các yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Cô Mai chia sẻ: "Nói như vậy không phải là những ngành thuộc nhóm đặc thù nêu trên sẽ không có nhu cầu nhân lực. Đất nước đang phát triển trên mọi lĩnh vực nên các ngành nghề được các trường đào tạo hiện nay xã hội đều co nhu cầu nhân lực. Để vào ĐH, CĐ không dễ, tốt nghiệp xin được việc làm cũng không hề dễ dàng. Cơ hội nghề nghiệp phụ thuộc vào kiến thức và kỹ năng, khả năng thích ứng môi trường làm việc của chính các bạn".

Trả lời thắc mắc của học sinh về nhu cầu nhân lực tại tỉnh Bình Thuận, ông Trần Lương Công Khanh - phó Phòng Giáo dục chuyên nghiệp và Giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT Bình Thuận chia sẻ: đặc thù của Bình Thuận là tỉnh duyên hải, có diện tích rừng khá lớn. Nhu cầu nhân lực của tỉnh Bình Thuận từ 4 đến 5 năm nữa vẫn tập trung vào hai nhóm ngành nuôi trồng, chế biến nông lâm thủy sản và nhóm ngành dịch vụ du lịch. Du lịch không chỉ học về hướng dẫn du lịch và các em có thể học về thiết kế tour du lịch, văn hóa, Việt Nam học... Bình Thuận chiếm 80% resort của cả nước và lượng khách Nga đến Bình Thuận rất lớn nên nếu theo học tiếng Nga thì cơ hội việc làm của các bạn sẽ cao hơn.

 

Trương Gia Tuệ - học sinh lớp 12A5 trường THPT Phan Bội Châu, đặt câu hỏi trực tiếp với ban tư vấn ở phần tư vấn chung - Ảnh: Minh Đức

* Năm nay học CĐ có được liên thông lên ĐH không? Phải thi như thế nào?

- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Theo qui định mới nhất, sinh viên tốt nghiệp CĐ muốn liên thông lên ĐH phải đảm bảo thời gian tốt nghiệp đủ 36 tháng và qua một kỳ thi tuyển (các môn do trường ĐH ra đề). Nếu các bạn tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng thì phải dự thi ĐH như các bạn học sinh vừa tốt nghiệp THPT. Như vậy, việc liên thông sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian hơn so với trước đây.

* Bằng ĐH chính quy và ĐH liên thông có khác nhau không?

- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: liên thông có hai hình thức, học hình thức nào thì được cấp bằng theo hình thức đó. Nếu học tập trung thì được cấp bằng ĐH chính qui, nếu học vừa làm vừa học thì được cấp bằng ĐH vừa làm vừa học. Bằng ĐH chính qui học 4 năm và bằng ĐH liên thông chính qui đều có giá trị như nhau và bằng tốt nghiệp hoàn toàn không ghi là bằng tốt nghiệp ĐH liên thông mà chỉ ghi chung như bằng ĐH chính qui 4 năm.

Các bạn học sinh viết những câu hỏi vào giấy để gửi đến các thầy cô trong ban tư vấn - Ảnh: Minh Đức

* Nếu đậu ĐH, em có thể học nhiều ngành cũng lúc không? Có thể bảo lưu kết quả học tập không?

- TS Trần Thế Hoàng: Qui chế đào tại tín chỉ hiện nay, sinh viên có thể học hai ngành cùng lúc và nhận hai bằng tốt nghiệp. Sau năm học đầu tiên, kết quả của các bạn phải đạt mức qui định mới được học ngành thứ hai. Các em phải tốt nghiệp chương trình ngành thứ nhất mới được xét tốt nghiệp chương trình ngành thứ hai.

Về việc bảo lưu, các bạn được bảo lưu kết quả khi phải đi nghĩa vụ quân sự, lý do đặc biệt riêng. Mỗi trường có qui định bảo lưu và các bạn cần liên hệ phòng đào tạo các trường để được thông tin cụ thể.

* Đến giờ em vẫn chưa biết mục đích của em là gì. Làm sao biết năng lực học của mình đến đâu để biết mục đích của mình?

- TS Phạm Tấn Hạ: Rất nhiều bạn đến giờ vẫn chưa biết mình chọn nghề nào, ngành nào. Điều này rất nguy hiểm vì hiện nay có quá nhiều thông tin nên các bạn cũng khó lựa chọn phù hợp nhất với mình. Đầu tiên các bạn phải tự khám phá mình, sở thích của mình là gì, mình muốn học, muốn làm gì, năng lực của mình đến đâu đề từ đó có thể xác định nhóm ngành nghề, hướng đầu tư rõ ràng. 

Các bạn phài đầu tư, khám phá chính mình bằng trải nghiệm của mình và người thân. Như bản thân tôi lúc đầu tôi chọn nghề khác nhưng sau đó lại chọn nghề khác và tôi cảm thấy nghề sau phù hợp với mình. Các bạn nỗ lực và đầu tư đúng mức để có thể chọn được ngành nghề phù hợp với sở thích và năng lực của mình.

- Th.S Lâm Tường Thoại: Nếu muốn biết sở thích của mình, các em có thể làm các bài trắc nghiệm. Hoặc có thể liệt kê hết các sở thích của mình. Nếu không biết mình thích gì thì liệt kê hết các điều mình ghét. Nếu không thích và không ghét cái gì cả thì nên chọn nghề nào về lâu về dài đảm bảo cho cuộc sống của mình, dễ xin việc làm. Các em có thể tìm hiểu từ những người đang làm ngành nghề đó để hiểu rõ hơn. Bên cạnh đó, cần xác định thế mạnh môn học của mình, học tốt môn nào để từ đó chọn khối thi phù hợp.

* Có phải năm nay các trường sẽ không tuyển sinh các ngành quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kế toán?

- TS Trần Thế Hoàng: Việc tuyển sinh, xác định chỉ tiêu do các trường tự đăng ký dựa trên các điều kiện giảng viên, cơ sở vật chất. Bộ GD-ĐT chỉ dừng mở mới đối với các ngành xin mở trong năm nay hoặc trường không đảm bảo điều kiện tuyển sinh. Riêng các trường đang tuyển sinh các ngành này năm nay vẫn tiếp tục tuyển sinh. Năm nay trường ĐH Kinh tế TP.HCM vẫn giữ chỉ tiêu tuyển sinh ở mức 4.000 như năm trước.

* Nhu cầu đào tạo và sử dụng người học sư phạm tại Bình Thuận hiện nay như thế nào?

- TS Trần Lương Công Khanh: nếu các em muốn học ngành giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học và THCS thì có thể đăng ký theo học. Cần liên hệ với phòng giáo dục chuyên nghiệp Bình Thuận để tìm hiểu xem địa phương nơi mình có hộ khẩu thường trú có nhu cầu tuyển giáo viên các bậc này hay không? Đối với giáo viên THPT, tỉnh Bình Thuận chỉ tuyển sinh viên tốt nghiệp sư phạm từ hai trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Nếu không tìm được việc ở trường THPT thì các em có thể tìm việc ở các trường trung cấp, CĐ ở Bình Thuận.

* Để làm hành chính công vụ ở các huyện thì em nên học ngành nào để sau đó có thể làm ở các cấp cao hơn?

- ThS Lê Văn Hiển: Để làm việc trong cơ quan nhà nước, chúng ta có thể học nhiều ngành, nhiều nghề khác nhau. Chẳng hạn ở phòng giáo dục sẽ có bộ phận kế toán, người phụ trách chuyên môn, nhân sự... Mỗi phòng ban ở các huyện đều có nhiều bộ phận khác nhau nên nhu cầu nhân sự cũng rất đa dạng. Khi tốt nghiệp ngành luật chúng ta có thể làm việc ở tòa án, viện kiểm sát, phòng công chứng, phòng kinh tế... Khi thời gian làm việc lâu, tích lũy được kinh nghiệnm và thể hiện năng lực tốt thì các bạn sẽ được bổ nhiệm lên các vị trí cao hơn.

* Ngành quản lý công nghiệp đổi mới như thế nào trong tương lai và nhu cầu ra sao?

- PGS TS Đỗ Văn Dũng: Ngành quản lý công nghiệp giao thoa giữa các ngành kinh tế và công nghệ kỹ thuât. Sự hình thành của ngành này do nhu cầu các xí nghiệp, công ty đòi hỏi phải có những người vừa có thể quản lý vừa am hiểu về khoa học kỹ thuật. Hiện nay nhu cầu nhân lực của ngành này tương đối cao.

* Ngành quản trị kinh doanh đào tạo những gì và em nên chọn trường nào để dự thi?

Các bạn học sinh hào hứng tại chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp - Ảnh: Minh Đức

- Th.S Hứa Minh Tuấn: Quản trị kinh doanh là một trong những ngành Bộ GD-ĐT không khuyến khích mở mới trong năm nay. Các trường đã đào tạo ngành này rồi vẫn tiếp tục tuyển sinh. Ngành QTKD chia ra làm nhiều chuyên ngành khác nhau như quản trị nhân lực, quản trị bán hàng, marketing, du lịch... Các trường thường tuyển sinh khối A, A1 và D1 và phổ điểm các trường cũng khác nhau.

Tại ĐH Tài chính marketing, số lượng thí sinh dự thi khá đông và điểm chuẩn hàng năm dao động từ 15 đến 20 điểm. Các em cân nhắc năng lực và điều kiện kinh tế gia đình của mình để chọn trường phù hợp.

* Nếu thi ĐH Kinh tế TP.HCM không đậu, em có thể học trung cấp, sau đó liên thông lên ĐH?

- TS Trần Thế Hoàng: Nếu các bạn thi ĐH không trúng tuyển NV1 nhưng có điểm thi từ điểm sàn trở lên thì có thể nộp hồ sơ xét tuyển NV2 vào trường ĐH khác còn chỉ tiêu. Nếu bạn dưới điểm sàn thì có thể học trung cấp để sau đó liên thông lên ĐH. Tuy nhiên, quy định liên thông mới nhất của Bộ GD-ĐT rất chặt. Sau khi tốt nghiệp trung cấp, các bạn phải tốt nghiệp 36 tháng thì sẽ thi liên thông theo đề do các trường ĐH ra đề. Nếu tốt nghiệp dưới 36 tháng các bạn phải thi ĐH lại từ đầu. Như vậy thời gian để liên thông sẽ kéo dài hơn chứ không như trước đây.

* Ngành marketing khi tốt nghiệp sẽ làm những việc gì, có thể xin việc ở đâu, có đào tạo bậc CĐ không?

- ThS Hứa Minh Tuấn: Rất nhiều trường đào tạo ngành marketing nhưng tùy vào đặc điểm của từng trường mà ngành này có vị trí khác nhau. Có trường thì đây chỉ là một chuyên ngành trong ngành QTKD hoặc là ngành marketing riêng. Kinh tế phát triển, nhu cầu đời sống người dân ngày càng được nâng cao thì nhu cầu marketing càng lớn. Theo dự báo thì nhân lực ngành này đang rất lớn. Ngành này trang bị kiến thức về kinh tế nhưng sẽ chuyên sâu về lĩnh vực quản trị tài chính và marketing.

Chẳng hạn, một chai nước suối sản xuất ra, doanh nghiệp phải làm thế nào để người tiêu dùng biết đến sản phẩm này. Do đó phải có bộ phận đưa hình ảnh sản phẩm đến với người tiêu dùng, đó là bộ phận marketing. Ngoài ra phải có người tổ chức phân phối, xây dựng chiến lược tiếp thị hình ảnh sản phẩm. Chẳng hạn Bình Thuận có thế mạnh về nuôi trồng chế biến nông lâm thủy sản. Thế mạnh này có thể người Bình Thuận biết nhưng người ở các tỉnh khác không biết. Do đó để thu hút đầu tư thì phải làm sao để người ở địa phương khác biết được các thế mạnh này.

Do đó, chúng ta phải có chiến lược marketing hay tiếp thị. Cơ hội việc làm của ngành này trong tình hình hiện nay rất sáng sủa. Thu nhập của một người làm marketing ở TP.HCM bình quân từ 4 triệu trở lên. Thu nhập bao nhiêu là do mình tạo ra dựa vào năng lực của mình chứ không phải người ta trả mình bao nhiêu. Cùng vị trí nhưng có người lương sẽ cao hơn, người nhận lương thấp hơn. 

* Ngành kinh doanh quốc tế đào tạo gì và cơ hội việc làm như thế nào?

- ThS Lâm Tường Thoại: Ở một số trường, ngành này là chuyên ngành trong ngành QTKD, một số trường tách ra ngành riêng. Ngành kinh tế quốc tế thiên về nghiên cứu chính sách về kinh tế hơn. Kinh doanh quốc tế nghiêng về kinh doanh với nước ngoài. Hai ngành này có điểm chung là làm sao để kinh doanh buôn bán với nước ngoài được tốt. Do đó chương trình đào tạo tương đối giống nhau. Ngành này đòi hỏi cao về ngoại ngữ, nếu ngoại ngữ không tốt sẽ rất khó làm việc. Kinh tế đất nước đang phát triển, đầu tư nước ngoài và xuất khẩu đang phát triển nên nhu cầu nhân lực ngành này cũng tương đối nhiều.

* Điểm chuẩn ngành QTKD Trường ĐH Tài chính marketing năm nay có biến động không?

- ThS Hứa Minh Tuấn: Ngành này có hai chuyên ngành QTKD tổng hợp và quản trị bán hàng. Năm nay trường sẽ bổ sung thêm khối A1 cho các ngành đào tạo. Điểm chuẩn ngành này hàng năm dao động từ 16 đến 19 điểm. Năm nay trường chưa phân bổ chỉ tiêu theo ngành. Thường thí sinh thấy ngành nào có chỉ tiêu nhiều, nhiều thí sinh đăng ký vào và điểm chuẩn sẽ cao.

Năm nay, sau khi có số lượng thí sinh đăng ký dự thi, trường sẽ phân chỉ tiêu theo ngành để mức điểm chuẩn hợp lý hơn. Do đó chưa thể biết điểm chuẩn năm nay sẽ như thế nào. Điểm chuẩn tùy thuộc vào chỉ tiêu ngành, số lượng thí sinh dự thi và điểm thi của thí sinh nên chưa thể dự đoán chính xác điểm chuẩn ngành này năm nay là bao nhiêu.

* Nhu cầu bất động sản hiện nay như thế nào? Tương lai nhu cầu nhân lực ngành này ra sao?

- ThS Hứa Minh Tuấn: Bất động sản hiện nay đang đóng băng. Tuy nhiên mới đây Chính phủ bàn các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản. Đây là tín hiệu đáng mừng. Không phải học bất động sản chỉ học về mua bán bất động sản. Đây là thị trường tiềm năng. Ngoài việc chúng ta đi trước đón đầu, còn lại là năng khiếu và sở thích của mình. Nhiều người chỉ cần kinh doanh tốt bất động sản trong một năm là có vốn liếng khá để làm các việc khác hoặc tiếp tục kinh doanh bất động sản.

11g, kết thúc Chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Ban tư vấn Chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2013 sẽ tiếp tục hành trình đến với HS Tây Nguyên vào thứ bảy và chủ nhật (19 và 20-1) với hai chương trình tư vấn tại Đăk Lăk và Gia Lai.

 Ban tư vấn Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Bình Thuận

- TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM
- PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM
- TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban công tác sinh viên ĐH quốc gia TP.HCM
- TS Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM)
- TS Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM
- TS Trần Thế Hoàng - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Kinh tế TP.HCM
- ThS Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính - marketing
- ThS Lâm Tường Thoại, Phó chánh văn phòng ĐH Quốc gia TP.HCM
- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM
- TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM)
- ThS Lê Văn Hiển, Phó phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM
- ThS Huỳnh Trương Lệ Hồng, Phó ban đào tạo khoa điều dưỡng - kỹ thuật y học Trường ĐH Y dược TP.HCM
- TS Trịnh Thanh Toản, Trợ lý hiệu trưởng Trường ĐH Phan Thiết
- TS Trần Lương Công Khanh, Phó trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT Bình Thuận. 

Theo TTO

 

  • Tuyển sinh 2013: Băn khoăn chọn nghề

    “Em thích làm lãnh đạo thì nên học ngành nào?”, “Điển trai là lợi thế của em. Nếu muốn trở thành diễn viên nổi tiếng thì em cần phải rèn luyện những gì?”, “Em là nam có hợp với ngành... phụ sản không?”... Đó là những câu hỏi đặt ra cho ban tư vấn chương trình tổ chức chiều 12-1 tại Trường THPT Long Khánh (Đồng Nai).

  • Lịch nghỉ tết Nguyên đán 2025 - Tất cả các trường Đại học

    Lịch nghỉ tết nguyên đán Ất Tỵ 2025 của các trường Đại học đã và đang được công bố đến sinh viên. Dưới đây là lịch nghỉ tết âm lịch 2025 dành cho sinh viên của các trường Đại học phía Bắc và phía Nam.

  • Cẩm nang thi đánh giá tư duy 2025

    Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội phát hành cuốn \"Cẩm nang thi đánh giá tư duy TSA\" nhằm giúp 2K7 hiểu rõ hơn về cấu trúc và nội dung của Bài thi TSA, làm quen với các dạng câu hỏi, hướng dẫn ôn tập, phương pháp làm bài, đề thi minh họa. Xem chi tiết cẩm nang TSA 2025 phía dưới.

  • Một trường ĐH lớn công bố tổ hợp xét tuyển chi tiết từng ngành 2025

    Năm 2025, trường tuyển sinh đào tạo 34 ngành với nhiều thay đổi trong tổ hợp xét tuyển và thêm tổ hợp môn mới. Xem chi tiết danh sách ngành, mã ngành tổ hợp xét tuyển của trường năm 2025 phía dưới.

  • Thời gian mở đăng ký thi đánh giá tư duy Bách khoa HN 2025

    Đại học Bách khoa Hà Nội đã công bố lịch thi TSA 2025 gồm 3 đợt. Vậy khi nào mở đăng ký thi đánh giá tư duy 2025 đợt 1, 2, 3? Xem chi tiết dưới đây.