Tư vấn tuyển sinh tại Đồng Nai: Hơn 3000 học sinh tham gia

Tổng hợp các câu hỏi tư vấn tuyển sinh 2013 tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Đồng Nai. Cùng theo dõi những thắc mắc về kỳ tuyển sinh đại học cao đẳng 2013 của các học sinh THPT tại Đồng Nai nhé!

Học sinh trường THPT Long Khánh, tỉnh Đồng Nai tại chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2013 chiếu 12-1 - Ảnh: Minh Đức

14g ngày 12-1, Chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2013 tổ chức tại thị xã Long Khánh (Đồng Nai) mới bắt đầu nhưng từ 13g, nhiều gương mặt học trò đã có mặt. Trong đó có bạn Trúc Linh học sinh lớp 12A8 Trường THPT Long Khánh.

Trúc Linh cho biết lúc đầu dự định thi vào nhóm ngành kinh tế nhưng gần đây thầy cô tư vấn nhóm ngành này đang thừa nhân lực và chỉ tiêu của các trường sẽ giảm nên em dự tính dự thi vào ngành luật. Linh cho biết đã lên mạng tìm hiểu trước về ngành này nhưng vẫn chưa rõ lắm và vẫn đang phân vân chưa biết chọn ngành nào để dự thi.

Theo các bạn học sinh Trường THPT Long Khánh, những năm trước, một số trường ĐH có về trường tư vấn cho học sinh khối 12, các học sinh lớp 11 cũng có thể tham dự để nghe thông tin. Đây là năm đầu tiên có một đoàn tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp về trường với quy mô lớn như thế này. Với sự hiện diện của hầu hết các trường ĐH lớn tại TP.HCM, đây là cơ hội rất tốt để các em có thể trực tiếp trình bày các thắc mắc của mình.

Đúng 14g, chương trình chính thức bắt đầu với sự hưởng ứng nồng nhiệt của hơn 3.000 học sinh THPT tại thị xã Long Khánh và các huyện lân cận.

Mở đầu chương trình, ông Hồ Sỹ Mạnh - Hiệu trưởng Trường THPT Long Khánh chia sẻ: "Tư vấn tuyển sinh giúp học sinh định hướng đúng nghề nghiệp tương lai, lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực và sở thích của mình là điều hết sức cần thiết. Chương trình này là hoạt động thiết thực đối với học sinh khi mùa tuyển sinh đang đến gần. Trong đời người, chúng ta đối diện với nhiều kỳ thi, trong đó kỳ thi ĐH sắp tới đặc biệt quan trọng, các em phải chuẩn bị tâm thế thật tốt. Một trong những sự chuẩn bị tâm thế đó là lựa chọn đúng ngành nghề phù hợp để theo đuổi suốt cuộc đời. Chúc các em qua định hướng và chọn được ngành nghề phù hợp với mình".

Học sinh tỉnh Đồng Nai xem thông tin về tuyển sinh năm 2013 tại chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp - Ảnh : Minh Đức

 

Thầy Hồ Sĩ Mạnh, hiệu trưởng trường THPT Long Khánh phát biểu khai mạc chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2013 -  Ảnh: Minh Đức

 

Các thầy cô trong Ban tư vấn tham gia chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp - Ảnh: Minh Đức

 

TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM cung cấp những thông tin chung của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 - Ảnh: Minh Đức

Kế tiếp chương trình, TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM - chia sẻ những điểm cần lưu ý về kỳ tuyển sinh năm 2013.  Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013 về cơ bản cũng giống như năm 2012. Kỳ thi năm 2013 vẫn được tổ chức theo phương thức thức ba chung (chung đề, chung đợt và sử dụng chung kết quả). Việc xét tuyển dự kiến có ba đợt nguyện vọng 1, 2 và 3. Thí sinh có điểm thi dưới điểm sàn ĐH, CĐ sẽ không được xét tuyển nguyện vọng 1, 2, 3 vào các trường ĐH, CĐ.

Không phải ngẫu nhiên mà báo TT chọn Đồng Nai, Trường THPT Long Khánh và là điểm đến đầu tiên trong chương trình tư vấn tuyển sinh 2013. Đây là địa phương có số thí sinh dự thi tuyển sinh ĐH-CĐ hàng năm rất lớn (Đồng Nai khoảng 30 ngàn lượt học sinh), đứng thứ 6 trên cả nước và số học sinh trúng tuyển vào các trường ĐH tại TP.HCM cũng rất cao. Năm 2012, điểm bình quân thi ĐH của cả nước là 11,26, bình quân của Đồng Nai là 11,26. Đứng đầu Đồng Nai là Trường THPT Lương Thế Vinh, kế đến là Nguyễn Trãi, và tiếp theo là Trường THPT Long Khánh.

Trường THPT Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) có số học sinh rất đông. Đặc biệt trường THPT Long Khánh tuy chỉ ở một thị xã của tỉnh Đồng Nai nhưng thường xuyên nằm trong tốp 200 các trường THPT có kết quả trúng tuyển ĐH-CĐ cao nhất nước.

 Ban tư vấn Chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại Đồng Nai:

- TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM
- PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM
- TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban công tác sinh viên ĐH quốc gia TP.HCM
- TS Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM)
- TS Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM
- ThS Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng
- TS Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM
- ThS Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính - marketing
- ThS Lâm Tường Thoại, Phó chánh văn phòng ĐH Quốc gia TP.HCM
- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM
- TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM)
- ThS Lê Văn Hiển, Phó phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM
- ThS Huỳnh Trương Lệ Hồng, Phó ban đào tạo khoa điều dưỡng - kỹ thuật y học Trường ĐH Y dược TP.HCM
- TS Nguyễn Văn Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng

GIAO LƯU TUYỂN SINH ĐÃ BẮT ĐẦU!

* Nhiều học sinh băn khoăn ngành nghề mà các em chọn học năm nay, liệu vài năm nữa khi ra trường nhu cầu nhân lực như thế nào, cơ hội việc làm cao không?

- TS Lê Thị Thanh Mai - Trưởng Ban Công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM chia sẻ: tất cả ngành học đang được đào tạo hiện nay đều là các ngành cần nhân lực trong tương lai. Tuy nhiên cơ hội việc làm phụ thuộc vào năng lực của các bạn. Chính phủ đã có quy hoạch nhân lực đến năm 2020 với các lĩnh vực ngành nghề đặc thù như giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, du lịch, năng lượng hạt nhân, tài chính ngân hàng...

Tuyển dụng hiện nay không chỉ dựa vào kiến thức cứng mà còn dựa vào các kỹ năng mà các em traU dồi, rèn luyện qua các hoạt động ở trường. Các em chọn được các ngành hot, học tốt nhưng không có các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết thì cũng khó tìm việc, nên chọn ngành phù hợp với năng lực và sở thích của mình.

* Đến giờ em vẫn chưa định hướng được nghề nào nhưng muốn làm việc ở gần nhà. Vậy cho em hỏi ngành nào ở Đồng Nai đang cần nhân lực?

- Trả lời câu hỏi này, ông Lâm Thành Hiển, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng cung cấp thông tin về nhu cầu nhân lực tại Đồng Nai. Khu công nghiệp và doanh nghiệp tại tỉnh này rất nhiều, hơn 11.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Những ngành kỹ thuật chiếm ưu thế mạnh như điện tử, hóa, quản trị kinh doanh. Sinh viên tốt nghiệp được tuyển dụng liên tục. Nhu cầu các ngành nghề ở Đồng Nai rất phong phú. Ngành nào cũng có nhu cầu nhân lực, quan trọng là năng lực của mình.

* Nếu không trúng tuyển NV1, em muốn nộp nguyện vọng 2 thì phải làm thế nào? Em muốn thi khối A1, thuận lợi và khó khăn khi thi khối này như thế nào, cơ hội nghề nghiệp thế nào?

- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM: Nguyện vọng 1 là nguyện vọng khi các em đăng ký dự thi. Nếu các em không đủ điểm trúng tuyển vào ngành đăng ký nhưng có điểm thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn thì sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh. Các em sử dụng giấy chứng nhận này và tìm hiểu xem trường nào có xét tuyển NV2 để điền vào giấy chứng nhận kết quả và nộp cho trường mình muốn xét tuyển. Các em chỉ xét NV2 khi không trúng tuyển NV1.

Khối A1 được bổ sung trong kỳ tuyển sinh năm 2012. Khối này thi toán, vật lý và tiếng Anh dành cho các em có thế mạnh về các môn tự nhiên và giỏi ngoại ngữ. Khối A1 rất thuận lợi cho những ai học tốt ngoại ngữ. Cơ hội nghề nghiệp phụ thuộc vào ngành nghề và năng lực bản thân chứ không phụ thuộc vào việc thi khối nào.

- TS Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM: Các bạn đang chuẩn bị chọn ngành và chọn trường. Cuối tháng 7 các trường công bố điểm thi, khoảng đầu tháng 8 hàng năm Bộ GD-ĐT sẽ công bố điểm sàn. Sau khi có điểm sàn các trường sẽ công bố điểm trúng tuyển NV1. Thí sinh có điểm thi dưới điểm sàn sẽ không được tham gia xét tuyển NV2, 3. Thí sinh trúng tuyển NV1 rồi cũng sẽ không được xét NV2, 3.

Những thí sinh không trúng tuyển NV1 nhưng có điểm thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn sẽ được các trường cấp 2 giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển NV2, NV3 vào các trường còn chỉ tiêu. Mỗi phiếu có ghi cụ thể thời gian xét tuyển. Các em cần phải theo dõi thông tin xem trường nào còn xét nguyện vọng 2, ngành nào, điểm bao nhiêu... để từ đó cân nhắc điểm thi của mình để nộp hồ sơ xét tuyển NV2.

Khi làm hồ sơ và dự thi, chúng ta chỉ có một nguyện vọng duy nhất đó là nguyện vọng 1. Các nguyện vọng 2, 3 chỉ có khi các trườing công bố điểm chuẩn.

* Nghe nói năm 2013 các trường sẽ không tuyển sinh ngành kinh tế, quản trị kinh doanh hay tài chính ngân hàng? Học phí nhóm ngành kinh tế sẽ tăng cao?

- TS Trần Thế Hoàng: Ngành này chỉ tạm dừng mở mới đối với các trường xin phép mới. Các trường năm nay vẫn tiếp tục tuyển sinh nhóm ngành này, không dừng tuyển sinh như thông tin các bạn nghe. Học phí do Chính phủ điều chỉnh và hiện nay chưa có thông tin về việc tăng học phí các ngành kinh tế.

* Học sinh tên Tuấn (Trường THPT Xuân Lộc) thắc mắc:  Em thích ngành dầu khí nhưng nhu cầu nhân lực ngành này đã bão hòa. Vậy có nên thi vào ngành này hay không hay thi vào các ngành xã hội đang có nhu cầu?

- TS Nguyễn Kim Quang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM): Sự lo lắng của học sinh trước khi chọn ngành nghề để dấn thân là điều hiển nhiên. Nghề nghiệp và cơ hội việc làm đòi hỏi sự cạnh tranh. Những người có đầu tư cho việc học, kiến thức và kỹ năng cũng như khả năng thích ứng với môi trường làm việc sẽ giúp cơ hội việc làm của các bạn cao hơn.

Các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật hiện nay đang phát triển mạnh. Ngành nào cũng có nhu cầu nhân lực, tuy nhiên nhu cầu nhân lực nhiều hay ít tùy vào từng ngành. Điều quan trọng các em phải xem xét mình có phù hợp, có yêu thích ngành nghề đó hay không.

Nếu chọn ngành phù hợp thì chúng ta sẽ học tốt, có kết quả cao nên dù nhu cầu nhân lực ngành này không cao, cơ hội việc làm của các em vẫn cao.

Dầu khí là một lĩnh vực có nhu cầu rất đa dạng như thăm dò, kỹ sư khoan thăm dò, kỹ sư khoan khai thác dầu, nhà vật lý, hóa học, cơ khí, địa chất học, công nghệ thông tin... phục vụ cho lĩnh vực dầu khí. Do đó, để làm việc trong lĩnh vực dầu khí, chúng ta không chỉ học dầu khí mà có thể học các ngành nghề khác như công nghệ thông tin, hóa, lý, địa chất... Nếu các bạn thích ngành đó mà năng lực chưa thể vào được ngành đó thì từ nay, các bạn phải rèn luyện các môn thuộc khối thi vào ngành mà dự.


* Một học sinh trường THPT Dầu Giây băn khoăn: em muốn thi vào ĐH Y dược, nếu không trúng tuyển trường có chuyển em xuống bậc trung cấp không hay phải làm đơn xét tuyển? Triển vọng ngành xét nghiệm, gây mê hồi sức như thế nào?

- ThS Huỳnh Trương Lệ Hồng: Khi nói đến nhóm ngành sức khỏe, các em hầu như chỉ quan tâm đến ngành y và dược. Đối với các ngành xét nghiệm, gây mê hồi sức, theo khảo sát của trường, tỷ lệ có việc làm là 80% sau khi tốt nghiệp. Hiện tại, tỷ lệ điều dưỡng, hộ sinh là 3 đến 3,5 điều dưỡng, hộ sinh/1 bác sĩ.

 ĐH Y dược TP.HCM không xét tuyển nguyện vọng 2. Bậc trung cấp của trường xét tuyển dựa vào kết quả thi ĐH khối B. Nếu không trúng tuyển ĐH, các em vào trang web của trường xem thông tin xét tuyển trung cấp của trường để nộp hồ sơ xét tuyển vào trung cấp chứ trường không tự chuyển các hồ sơ.

Tại Đồng Nai có trường CĐ Y tế Đồng Nai. Trường có các ngành điều dưỡng, dược, hộ sinh, vật lý trị liệu, xét nghiệm... Nếu các em không đậu vào ĐH Y dược TP.HCM thì có thể xét tuyển vào Trường CĐ Y tế Đồng Nai.

* Nguyễn Văn Khoa - học sinh Trường THPT Văn Hiến thắc mắc: em có thế mạnh là điển trai. Tuy nhiên, nếu muốn thành diễn viên điện ảnh hay sân khấu, phải rèn luyện các kỹ năng diễn xuất. Vậy em phải rèn luyện như thế nào để đạt được ước mơ này?

- TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH KHXN-NV (ĐHQG TP.HCM): Đây là một câu hỏi lý thú. Để trở thành diễn viên, các bạn phải có khả năng diễn xuất tạo ra sự đồng cảm và lột tả được nhân vật mình thể hiện. Điển trai chỉ là yếu tố thuận lợi nhưng để trở thành diễn viên, điển trai chỉ là ấn tượng ban đầu. Các bạn phải có quá trình rèn luyện. Em phải biết mình có năng khiếu hay không để từ đó có thể rèn luyện và phát huy khả năng. Nếu thực sự yêu thích thì có thể theo học các lớp diễn xuất ngắn hạn để thi vào Trường ĐH Sân khấu điện ảnh.

* Ban tư vấn có thể cho em cái nhìn tổng quát để về ngành tài chính, ngân hàng? (Một học sinh Trường THPT Long Khánh)

- Th.S Hứa Minh Tuấn, Trưởng Phòng đào tạo ĐH Tài chính Marketing: Hiện ngành tài chính ngân hàng, kế toán đã “đóng băng” giống như thị trường bất động sản. Bộ GD-ĐT khuyến cáo không nên mở thêm khối ngành kinh tế.

Đứng trước thực trạng đó, những trường đào tạo về tài chính ngân hàng, kinh doanh quốc tế hiện nay cũng đã chuẩn bị sẵn những nội dung chương trình đào tạo thích hợp để sinh viên khi ra trường có thể đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Các trường phải nỗ lực để đảm bảo đầu ra cho các em. Tùy theo đặc điểm của trường, công bố chuẩn đầu ra tiếng Anh, ngoại ngữ. Hiện nay, ngoài đào tạo về chuyên môn phải hội đủ điều kiện về chuẩn đầu ra mới đủ điều kiện tốt nghiệp. Các trường đào tạo về ngành này phải đột phá về đào tạo để đảm bảo đầu ra cho các em đối với nhu cầu của nhà tuyển dụng.

- Th.S Lâm Tường Thoại, Phó chánh Văn phòng ĐHQG TP.HCM: Tôi muốn cung cấp cho các em tổng quát về phía nhu cầu xã hội. Hiện các ngân hàng đang sát nhập. Tình hình nhu cầu nhân lực đang chững lại nhưng không có nghĩa là không tuyển thêm nhân lực của các ngành này. Với những trường đã đào tạo ngành này rồi thì không tăng thêm chỉ tiêu. Do đó, chỉ tiêu ngành này có thể sẽ bằng và ít hơn mọi năm. Tuy nhiên, các em lưu ý, xuất phát từ sự đam mê, hứng thú của mình thì vẫn dự thi. Tôi nhấn mạnh, nếu các em thật sự đam mê thì cố gắng hết sức vì không phải thi vào ngành này là không có việc làm. Có việc làm hay không phụ thuộc vào năng lực bản thân.

* Là nữ nhưng em muốn thi vào các ngành kỹ thuật, vậy cơ hội việc làm sẽ như thế nào? Có phải học ngành sư phạm kỹ thuật ra sẽ được cấp hai bằng hay không?

- PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM: Theo khảo sát của trường, 96% sinh viên của trường tốt nghiệp 3 tháng có việc làm vào năm 2010. Tại Đồng Nai, nhu cầu nhân lực ngành kỹ thuật rất lớn. Đa số học sinh muốn học ngành kinh tế để làm việc ở văn phòng và ngại làm việc ở khối ngành kỹ thuật. Các bạn gái thường thích ngành sư phạm, tài chính. Nữ cũng có thể học ngành kỹ thuật nhưng đa số ít chọn ngành kỹ thuật. Nhưng chính "cái ít" này lại là lợi thế của những nữ sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật.

Các bạn nữ học kỹ thuật ra thường làm tư vấn về mặt kỹ thuật nên đây là lợi thế so với các bạn nam bởi tính tỉ mỉ, chính xác. Một số công ty nước ngoài đang tuyển nữ sinh viên các trường ĐH kỹ thuật để đưa ra nước ngoài đào tạo và quay về làm việc cho họ. Chúng tôi đang cố gắng đến năm 2018 sẽ có 10% sinh viên của trường là nữ theo học các ngành kỹ thuật.

Trường có 10 ngành đào tạo sư phạm kỹ thuật. Theo học ngành này các bạn sẽ được miễn học phí. Tốt nghiệp các bạn được cấp hai bằng: kỹ sư và sư phạm. Các bạn có thể đi dạy hoặc đi làm cho các doanh nghiệp.

* Nhu cầu nhân lực ngành logictis trong vài năm tới có phát triển hay không?

- TS Đồng Văn Hướng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM: Đây là ngành mới và đi liền với ngành vận tải đa phương thức, từ nhà máy đến nơi tiêu thụ. Quá trình vận tải có những công đoạn mà chúng ta không làm liên tục được như từ vận tải biển sang vận tải bộ. Do đó cần có dịch vụ cho giai đoạn này, đó gọi là quản trị logictis. Các nước có khu cảng mở, thực hiện chức năng logictis. Xu thế về vận tải đa phương thức xuất hiện trên thế giới trong thời gian gần đây, mang tính chất toàn cầu.

Ngành này có hai trường đào tạo là ĐH Hàng Hải và ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. Logictis chỉ là một phận trong ngành vận tải đa phương thức thôi. 

* Ngành gây mê hồi sức học ra sẽ làm những công việc cụ thể nào?

- Th.S Huỳnh Trương Lệ Hồng, ĐH Y Dược TP.HCM: Học ngành này sẽ làm việc ở các phòng mổ, phòng hồi sức tại các bệnh viện. Tại phòng mổ, chúng ta cùng với ê kíp gây tê, gây mê cho bệnh nhân để mổ. Sau khi mổ thì phải hồi sức, theo dõi bệnh nhân sau mổ.

- TS Nguyễn Văn Nam, ĐH Lạc Hồng: Nếu học bác sĩ thì thời gian khoảng 6 năm. Các ngành gây mê hồi sức chỉ học 4 năm. Năm nay, Trường ĐH Lạc Hồng được phép tuyển sinh ngành dược sĩ ĐH. Các bạn học về hóa, môi trường có thể học bổ sung hai năm văn bằng hai để lấy bằng dược sĩ.

* Muốn học ngành tổ chức sự kiện thì học ở đâu?

- TS Phạm Tấn Hạ: Em có thể học ngành báo chí, trong đó có chuyên ngành báo điện tử và truyền thông. Sinh viên muốn làm ngành này, có thể học báo chí hoặc quan hệ quốc tế tại ĐH Khoa học xã hội và nhân văn. Lĩnh vực truyền thông đòi hỏi khả năng giao tiếp, tổ chức sự kiện. Ngoài ra ở ĐH Văn Lang cũng có đào tạo ngành quan hệ công chúng.

* Muốn thi ngành du lịch, em có thể thi vào trường nào và cơ hội việc làm như thế nào?

- TS Phạm Tấn Hạ: Tên gọi đầy đủ của ngành này là quản trị du lịch nhà hàng khách sạn. Ngành này có nhiều chuyên ngành khác nhau, trong đó có hướng dẫn du lịch. Tùy vào mỗi trường họ có các chuyên ngành đào tạo khác nhau. Ngoài ra các bạn có thể theo học ngành văn hóa học (du lịch). Trong du lịch hiện nay, đội ngũ làm du lịch chủ yếu từ các ngành khác chuyển sang, chưa được đào tạo chuyên về du lịch. Nhu cầu ngành này cũng rất lớn do ngành dịch vụ, du lịch đang rất phát triển.

* Em muốn theo học ngành công an, người dân tộc có được ưu tiên khi sơ tuyển?

- TS Phạm Tấn Hạ: Các bạn phải có lý lịch rõ ràng, phải có đạo đức tốt, phải là đoàn viên, học lực từ trung bình trở lên, ba môn của khối thi ĐH phải đạt từ 6 trở lên (riêng với nữ có thể sẽ phải khá, giỏi). Đối với nữ, yêu cầu sơ tuyển sẽ cao hơn so với nam. Người dân tộc thì chỉ cần có học lực trung bình. Phải có sức khỏe tốt, không bị dạng dị tật, có yêu cầu cụ thể về chiều cao cân nặng, người dân tộc thiểu số cũng sẽ được giảm về chiều cao cân nặng.

Điểm chuẩn các trường công an rất cao nên các bạn có học lực thật sự khá thì mới nên thi vào. Nếu muốn thi vào công an thì các bạn liên hệ với công an quận, huyện, thị xã để có thông tin về việc nộp hồ sơ và thời gian sơ tuyển.  Bên công an cũng rất cần người từ các ngành khác như luật, ngoại ngữ, quan hệ quốc tế...

* Ngành CĐ thú y ra trường có thể làm việc gì? Ngành đào tạo công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học đào tạo những gì?

- PGS TS Huỳnh Thanh Hùng: Trường ĐH Nông lâm TP.HCM chỉ có đào tạo bác sĩ thú y bậc ĐH chứ không có bậc CĐ. Ngành bác sĩ thú y với đối tượng là động vật -chữa bệnh cho động vật. Học ngành này ra có thể làm việc ở các cơ quan thú y, kiểm dịch động vật hoặc mở phòng mạch khám bệnh cho động vật.

Ngành công nghệ thực phẩm hiện có rất nhiều trường đào tạo. Ngành này trang bị kiến thức về bảo quản, chế biến, nâng cao chất lượng các sản phẩm dùng làm thực phẩm cho con người. Ngành công nghệ sinh học cũng có rất nhiều trường đào tạo, kể cả dân lập và công lập. Ngành này phục vụ cho rất nhiều ngành khác, ứng dụng thành tựu công nghệ sinh học phục vụ cho cuộc sống như phục vụ cho ngành y, phục vụ cho công nghiệp dược phẩm, chế biến thực phẩm, xử lý môi trường... Ngành này đòi hỏi thí sinh phải có học lực khá và chịu khó để có thể tiếp thu tốt kiến thức.

* Em muốn thi ngành tâm lý học. Ngành này có chia thành chuyên ngành không, cơ hội việc làm sau này thế nào?

- Phạm Tấn Hạ: Xã hội càng phát triển thì các vấn đề về tâm lý phát sinh càng nhiều. Học ngành này các bạn sẽ được trang bị các học thuyết về tâm lý, tâm lý nhân cách, tâm lý lứa tuổi... Có thể đi theo hai hướng tâm lý hoặc quản trị nhân sự. Theo học quản trị nhân sự các bạn có thể làm ở phòng nhân sự các doanh nghiệp. Học tâm lý các bạn có thể làm ở các phòng tư vấn tâm lý, tư vấn tâm lý học đường, tư vấn khách hàng, tư vấn trị liệu... Từng lĩnh lực có các định hướng khác nhau và tùy vào thuộc vào năng lực, sở trường, các bạn sẽ chọn chuyên ngành phù hợp.

* Ngành xã hội học đào tạo những gì? Ngành tâm lý của Trường Nhân văn và Sư phạm khác nhau thế nào?

- TS Phạm Tấn Hạ: Ngành này cung cấp rất nhiều kiến thức như điều tra xã hội, xã hội học... các kỹ năng điều tra, thực hiện bảng khảo sát... Điều tra xã hội học liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, xã hội, báo chí... Ngành tâm lý về cơ bản thì nội dung chương trình đào tạo giống nhau khoảng 70%, tùy vào thế mạnh của các trường mà bổ sung các môn học riêng. Tuy nhiên điểm chuẩn của trường nhân văn thường cao hơn trường Sư phạm.

* Em là con gái, học khá ngữ văn và tiếng Anh, muốn làm việc nào an phận, văn phòng hay nhà nước. Vậy em nên thi vào ngành gì, trường nào?

- TS Phạm Tấn Hạ: Em muốn lựa chọn một công việc nhẹ nhàng, không hướng ngoại nhiều. Làm văn phòng có rất nhiều ngành như học luật. lưu trữ, quản trị văn phòng, ngoại ngữ... Theo tôi thì em nên đi theo ngành sư phạm. Ngành này cho em rất nhiều thứ và cũng phù hợp với tính cách của em. Mong em chọn được ngành phù hợp với nguyện vọng của mình.

Ngành luật tuyển sinh thế nào? Em là Đảng viên, thi vào ngành luật có được ưu tiên không?

- Th.S Lê Văn Hiển, ĐH Luật TP.HCM: Ngành luật tuyển sinh không phải sơ tuyển, chỉ cần tốt nghiệp THPT hoặc THPT bổ túc, không phân biệt có tôn giáo hay không. Bạn là Đảng viên cũng không được ưu tiên khi thi vào ngành luật.

Theo TT

 

DÀNH CHO BẠN – LỘ TRÌNH LUYỆN THI TỐT NGHIỆP THPT - ĐGNL - ĐGTD!

  • Bạn cần lộ trình luyện thi Tốt Nghiệp THPT theo chương trình mới?
  • Bạn đang muốn vừa ôn thi TN THPT vừa ôn thi ĐGNL hoặc ĐGTD?
  • Bạn muốn luyện thật nhiều đề thi thử bám cực sát đề minh hoạ?

Xem ngay lộ trình luyện thi 3 trong 1 tại Tuyensinh247: Luyện thi TN THPT - ĐGNL - ĐGTD ngay trong 1 lộ trình.

  • Trọng tâm theo 3 giai đoạn: Nền tảng - Luyện Thi - luyện Đề
  • Giáo viên nổi tiếng Top đầu luyện thi đồng hành
  • Bộ đề thi thử bám sát, phòng luyện đề online, thi thử toàn quốc

Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY


Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

>> Lộ Trình Sun 2025 - 3IN1 - 1 lộ trình ôn 3 kì thi (Luyện thi TN THPT & ĐGNL; ĐGTD) tại Tuyensinh247.com. Đầy đủ theo 3 đầu sách, Thầy Cô giáo giỏi, 3 bước chi tiết: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng đáp ứng mọi kì thi.

  • Tuyển sinh 2013: Băn khoăn chọn nghề

    “Em thích làm lãnh đạo thì nên học ngành nào?”, “Điển trai là lợi thế của em. Nếu muốn trở thành diễn viên nổi tiếng thì em cần phải rèn luyện những gì?”, “Em là nam có hợp với ngành... phụ sản không?”... Đó là những câu hỏi đặt ra cho ban tư vấn chương trình tổ chức chiều 12-1 tại Trường THPT Long Khánh (Đồng Nai).

  • Tư vấn tuyển sinh tại Bình Thuận: Chọn ngành, chọn nghề phù hợp?

    Chọn thi ĐH hay học trung cấp, CĐ, chọn ngành nào phù hợp với khả năng và sở thích của mình, chọn trường nào để phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình là những thắc mắc mà đa phần các bạn học sinh đều vướng phải. Đã có hơn 4.000 học sinh THPT tại thành phố Phan Thiết và các huyện lân cận đã về Trường THPT Phan Bội Châu (TP Phan Thiết, Bình Thuận) tham gia Chương trình Tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2013.

  • Danh sách trường công bố đề án tuyển sinh 2025 - Mới nhất

    Danh sách trường công bố thông tin tuyển sinh bao gồm phương án xét tuyển năm 2025, tổ hợp xét tuyển mới của các trường Đại học được 2K7 và phụ huynh vô cùng quan tâm. Đến ngày 25/12 đã có 34 trường công bố phương án tuyển sinh 2025. Xem chi tiết thông tin các trường phía dưới để có định hướng học tập cho thời gian tới.

  • Năm 2025, một trường ĐH Y Dược sử dụng môn Anh để xét tuyển

    Năm 2025, trường Đại học Y Dược - Đại học Huế sử dụng thêm môn Tiếng Anh để tăng số lượng tổ hợp xét tuyển cho các ngành đào tạo. Về chỉ tiêu và phương thức xét tuyển trường dự kiến sẽ giống với các năm trước.

  • Danh sách tổ hợp xét tuyển đại học năm 2025 theo 36 cách chọn

    Tổ hợp xét tuyển đại học năm 2025 sẽ như thế nào. Dưới đây là bảng 36 cách chọn môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (2+2) xét đại học theo tổ hợp hiện tại giúp các em học sinh 2K7 biết được với cách chọn môn thi của mình sẽ có những tổ hợp nào để xét tuyển đại học năm 2025.