Tại hội nghị kế hoạch ngân sách năm 2013 các trường, các đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT được tổ chức ngày 27-12, Bộ GD-ĐT đã cấp tập đưa ra nhiều giải pháp để giải bài toán dư thừa nhân lực của ngành sư phạm và nguy cơ thất nghiệp đối với SV kinh tế, tài chính.
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2012 - Ảnh: Như Hùng |
“Nếu việc xây dựng định mức không thay đổi thì nhân sự của Vụ Kế hoạch - tài chính có thể sẽ phải thay đổi”. Câu nói trên của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận vừa dứt, cả hội trường đã ồ lên, khi lần đầu tiên vị tư lệnh ngành giáo dục bày tỏ quyết tâm như thế.
Đồng tình với phương án ngân sách chi cho đào tạo dựa trên đầu ra, không áp cào bằng đầu vào như hiện nay, ông Luận giao nhiệm vụ cho Vụ Kế hoạch - tài chính phải xây dựng được định mức kinh tế - kỹ thuật cụ thể, tính toán chi phí đào tạo thực tế của các ngành, làm cơ sở để cấp ngân sách cho các trường dựa trên đầu ra đạt chuẩn.
Trường nào cũng có ngành kinh tế
Đào tạo dư thừa, chạy theo nhu cầu bề nổi của người học, nhóm ngành kinh tế - quản trị kinh doanh chen chân trong hầu khắp các trường ĐH, từ trường vốn chuyên ngành kỹ thuật, nông nghiệp đến cả những trường vốn xuất thân chỉ đào tạo... giáo viên. Quy mô phình ra trong khi đội ngũ không đáp ứng, tỉ lệ giảng viên/SV tại nhiều trường khối kinh tế ở mức quá cao so với quy định đào tạo chuẩn. Có trường ĐH kinh tế - kỹ thuật chỉ có chưa đầy 300 giảng viên mà quy mô đào tạo lên đến hàng vạn SV chính quy, trong đó chủ yếu SV thuộc nhóm ngành kinh tế.
Bên cạnh việc “nói không” với mở ngành mới, trường mới gắn mác ngành kinh tế - kế toán - quản trị kinh doanh, nỗi lo về đào tạo vượt quá nhu cầu được nhắc đến nhiều tại hội nghị thuộc ngành sư phạm và đào tạo cán bộ quản lý giáo dục. Do tình trạng thừa giáo viên diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương, nên việc cắt giảm chỉ tiêu sẽ được thực hiện liên tục từ năm 2013 đến những năm tiếp theo trên cơ sở đánh giá lại thực trạng đội ngũ nhà giáo hiện nay so với nhu cầu.
Trong những năm gần đây, thí sinh không còn mặn mà với ngành sư phạm, nhưng thực tế chỉ tiêu đào tạo ngành này vẫn chiếm đến trên 14% so với tổng chỉ tiêu ở các trường trực thuộc bộ. Một biện pháp mạnh tay sẽ được thực hiện ngay trong năm 2013 là cắt giảm đến 1/5 chỉ tiêu của ngành sư phạm. Từ 20.000 tân SV của năm 2012, năm 2013 bộ đã “áp” sẵn con số chỉ tuyển mới 16.000 tân SV ĐH ngành sư phạm. Ở hệ CĐ, ngành này cũng bị giảm 10% với định mức tuyển mới là 2.900.
Ông Nguyễn Trường Giang - phó vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp Bộ Tài chính - cho hay bên cạnh biện pháp hành chính, để giảm chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành kinh tế cần có sự phối hợp của biện pháp tài chính. “SV kinh tế - tài chính phải chấp nhận mức học phí cao. Ví dụ học phí tính đủ là 10 triệu đồng, SV bình thường chỉ phải đóng 4 triệu đồng, còn lại được hỗ trợ, nhưng riêng với SV kinh tế sẽ phải đóng đủ mức 10 triệu đồng”.
Không biết gì về giáo dục lại đi học quản lý giáo dục
Không chỉ bất cập đào tạo theo nhóm ngành, sự vô lý trong phát triển quá nhanh trình độ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ (ThS, TS) cũng khiến chất lượng tấm bằng sau ĐH không tương xứng với tên gọi của trình độ đào tạo cao. Năm 2012, trong hệ thống các trường trực thuộc bộ, chỉ tiêu đào tạo TS tăng 34%, ThS tăng 14%. Ông Nguyễn Ngọc Vũ thừa nhận việc tăng quy mô đào tạo TS, ThS trong khi đội ngũ giảng viên có trình độ TS, PGS, GS chưa tăng với tỉ lệ tương ứng về số lượng và chuyên ngành đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo sau ĐH của các trường trực thuộc bộ và toàn ngành nói chung.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định việc giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh ThS, TS để nâng cao chất lượng sẽ được bắt đầu ngay từ bây giờ với ngành đào tạo cán bộ quản lý giáo dục như một cách “làm gương từ trong nhà”. “Không thể có chuyện người chẳng biết gì về giáo dục lại đi học về quản lý giáo dục, làm ThS, TS. Rất lạ và rất buồn là cuối cùng họ lại có được bằng khá, giỏi. Sợ rằng với tình trạng này, nếu không điều chỉnh, ngành giáo dục không những không mạnh lên mà còn bị yếu đi” - ông Luận băn khoăn.
Bộ GD-ĐT cũng công bố sẽ rất chặt chẽ trong việc mở phân hiệu cho các trường ĐH. Hiện một số trường đang trình đề án thành lập phân hiệu như Trường ĐH Ngoại thương, ĐH Thái Nguyên..., nhưng việc xem xét sẽ chỉ thực hiện sau khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ. Theo ông Nguyễn Ngọc Vũ, từ nay đến năm 2015 bộ chỉ giải quyết những hồ sơ, đề án thành lập trường đã có đồng ý chủ trương của Thủ tướng, không giải quyết việc thành lập mới các trường, giữ ổn định quy mô đào tạo đến năm 2020. Như vậy, trong năm 2013 số lượng các trường trực thuộc Bộ GD-ĐT sẽ không thay đổi.
Sẽ xử lý hiệu trưởng...
Trao đổi tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết việc dừng mở ngành mới, trường mới đối với các ngành kinh tế, kế toán, quản trị kinh doanh sẽ được thực hiện một cách toàn diện. “Ở các trường có truyền thống đào tạo các ngành này như ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Thương mại..., bộ sẽ không can thiệp yêu cầu cắt giảm chỉ tiêu, nhưng sẽ giám sát rất chặt việc xác định chỉ tiêu tương xứng với năng lực đội ngũ thực tế” - ông Luận nói.
Theo ông Luận, trong đợt kiểm tra 30 trường ĐH, CĐ vừa qua về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, nhiều trường sai phạm, trong đó có những trường sai phạm rất nghiêm trọng về việc xác định vượt chỉ tiêu so với số lượng giảng viên có thể đảm bảo chất lượng đào tạo.
“Mọi năm, phương án xử lý chỉ là xử phạt hành chính các trường. Trường xác định vượt chỉ tiêu cùng lắm bị phạt 80-100 triệu đồng. Các trường bất chấp việc chịu phạt vì nếu tuyển được nhiều SV sẽ có thêm khoản thu, bị phạt nhưng vẫn có lãi. Năm nay, lần đầu tiên bộ sẽ xử lý cá nhân hiệu trưởng bên cạnh việc thu phạt hành chính thông thường” - ông Luận nhấn mạnh.
Chỉ tiêu tuyển sinh 2013: tăng... 0,1% Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, năm 2013 trong toàn hệ thống các trường trực thuộc Bộ GD-ĐT, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH chính quy sẽ gần như giữ nguyên như năm 2012, tăng đúng 0,1%, đạt mức 133.000 SV trúng tuyển (năm 2012 là 132.819 SV), mức tăng khiêm tốn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Chỉ tiêu đào tạo CĐ chính quy thậm chí còn giảm so với năm 2012 với mức 17.000 SV (năm 2012 là 17.440 SV), chỉ tiêu trung cấp chuyên nghiệp cũng giảm 30% so với năm trước xuống mức 7.200 chỉ tiêu. Liên thông, văn bằng 2 chính quy giảm 10% xuống còn 30.000 chỉ tiêu. Riêng trình độ TS, ThS tăng nhẹ, chỉ tiêu tuyển sinh ThS là 27.000 và TS là 1.350. |
NGỌC HÀ (Theo TT)
Lịch nghỉ tết nguyên đán Ất Tỵ 2025 của các trường Đại học đã và đang được công bố đến sinh viên. Dưới đây là lịch nghỉ tết âm lịch 2025 dành cho sinh viên của các trường Đại học phía Bắc và phía Nam.
Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội phát hành cuốn \"Cẩm nang thi đánh giá tư duy TSA\" nhằm giúp 2K7 hiểu rõ hơn về cấu trúc và nội dung của Bài thi TSA, làm quen với các dạng câu hỏi, hướng dẫn ôn tập, phương pháp làm bài, đề thi minh họa. Xem chi tiết cẩm nang TSA 2025 phía dưới.
Năm 2025, trường tuyển sinh đào tạo 34 ngành với nhiều thay đổi trong tổ hợp xét tuyển và thêm tổ hợp môn mới. Xem chi tiết danh sách ngành, mã ngành tổ hợp xét tuyển của trường năm 2025 phía dưới.
Đại học Bách khoa Hà Nội đã công bố lịch thi TSA 2025 gồm 3 đợt. Vậy khi nào mở đăng ký thi đánh giá tư duy 2025 đợt 1, 2, 3? Xem chi tiết dưới đây.