Tuyển sinh 2013: Sẽ ra án \"tử\" với các trường đại học kém chất lượng

Chưa bao giờ câu chuyện tuyển sinh lại căng thẳng như năm 2012. Dư luận đặt câu hỏi: những trường nhiều năm không tuyển sinh đủ người học hay không đảm bảo chất lượng có bị đóng cửa hay không? Ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT trao đổi với PV xung quanh vấn đề này.

 

 Ông Bùi Anh Tuấn
Ông Bùi Anh Tuấn.

Có ý kiến cho rằng các trường không tuyển đủ người học là do ngành GD&ĐT “phát” ra chỉ tiêu quá lớn so với khả năng của các trường. Ông nghĩ gì về điều này?

Trước hết tôi muốn khẳng định chỉ tiêu tuyển sinh là do các trường đại học và cao đẳng tự xác định trên cơ sở các tiêu chí đảm bảo chất lượng theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Việc các trường xác định chỉ tiêu có đúng theo quy định hay không, có đúng với năng lực của nhà trường hay không là chuyện khác. Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của các trường.

 

Thí sinh dự thi vào trường ĐH Nguyễn Tất Thành năm 2012 Ảnh: Quang Phương
Thí sinh dự thi vào trường ĐH Nguyễn Tất Thành năm 2012.
Ảnh: Quang Phương.

Vậy, nhìn vào góc độ quản lý của ngành, nguyên do từ đâu các trường này không tuyển đủ người học?

Năm 2012, có nhiều trường ĐH, CĐ gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh, số lượng thí sinh nhập học ít, trong đó có cả trường công lập và ngoài công lập. Nhìn chung các trường này gặp khó khăn từ những năm trước và năm nay càng khó khăn hơn.

Trong các trường ngoài công lập (dân lập và tư thục), cũng nhiều trường hoàn thành công tác tuyển sinh năm 2012 với kết quả khả quan, có thể kể đến các trường như Trường Đại học DL Thăng Long, Trường Đại học Hutech, Trường Đại học DL Duy Tân.

Thực tế cho thấy, những trường ngoài công lập có kết quả tuyển sinh khả quan năm 2012 là những trường chịu đầu tư vào cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng và xây dựng thương hiệu; danh mục ngành đào tạo đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Vấn đề không tuyển sinh được của các trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thương hiệu, năng lực đào tạo, vị trí của trường, ngành nghề đào tạo, tình hình phát triển kinh tế của đất nước…

Đối với những trường ngoài công lập thì học phí là một yếu tố rất quan trọng. Trong tình hình kinh tế hiện tại mà có trường thu học phí tới 1,8 triệu đồng/tháng thì rõ ràng người học sẽ phải cân nhắc lựa chọn đến những phương án hợp lý hơn.

Có thông tin có một số trường phải ngừng hoạt động đào tạo. Thực hư của câu chuyện này là gì?

Các trường ĐH, CĐ được tự chủ trong xây dựng phát triển chương trình đào tạo, xây dựng ngành đào tạo trên cơ sở các quy định về đảm bảo chất lượng, quy hoạch phát triển nhân lực.

Nhìn chung các trường đều cố gắng xây dựng danh mục ngành đào tạo theo hướng đa ngành.

Trên thực tế, không phải ngành nào và ở giai đoạn nào cũng đáp ứng được nhu cầu xã hội, vì thế việc một ngành nào đó năm nay không có người học, phải tạm dừng tuyển sinh là chuyện bình thường. Việc này cũng giống như khi các doanh nghiệp “tạo ra” sản phẩm mới và khi sản phẩm đó không còn bán chạy trên thị trường thì người ta phải dừng sản xuất sản phẩm đó.

Ví dụ những năm trước, khi ngành quản trị kinh doanh hay tài chính - ngân hàng cứ mở ra là có sinh viên theo học nhưng với thực trạng hoạt động kinh tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều ngân hàng hoạt động kém hiệu quả thì rõ ràng việc quyết định lựa chọn theo học quản trị kinh doanh hay tài chính - ngân hàng của thí sinh ở thời điểm này là khó khăn.

Bức tranh tuyển sinh năm 2012 đã cho thấy số lượng sinh viên đăng ký học các ngành kinh tế, kế toán, tài chính ngân hàng có xu hướng giảm và số lượng sinh viên theo học các ngành kỹ thuật, công nghệ tăng.

Giải thể hay đóng cửa một trường học, một ngành học là vấn đề không đơn giản. Quyền lợi của các sinh viên sẽ được giải quyết thế nào?

Thực hiện Nghị quyết 50 của Quốc hội, trong năm học 2012- 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục kiểm tra thực hiện cam kết thành lập trường của các trường mới thành lập. Việc kiểm tra này cũng đã được báo trước.

Những trường lần trước đã được kiểm tra và cảnh báo; lần tới, sau đợt kiểm tra vào năm 2012- 2013, nếu vẫn không đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng, không có trường sở, không đất đai, không đủ đội ngũ giảng viên thì đương nhiên sẽ phải đóng cửa và giải thể theo Nghị quyết 50 của Quốc hội.

Vấn đề giải quyết thế nào sẽ tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể tuy nhiên dù giải quyết theo hướng nào thì cũng phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người học.

Xin cám ơn ông.

Hồ Thu(TP)

 

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

>> Lộ Trình Sun 2025 - 3IN1 - 1 lộ trình ôn 3 kì thi (Luyện thi TN THPT & ĐGNL; ĐGTD) tại Tuyensinh247.com. Đầy đủ theo 3 đầu sách, Thầy Cô giáo giỏi, 3 bước chi tiết: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng đáp ứng mọi kì thi.