Tuyển sinh 2013: Trường Đại học xuất sắc gặp \'khó\'

Trường Đại học Việt - Đức được thành lập vào năm 2008, là trường công lập tự chủ đầu tiên của Việt Nam.

Chiều ngày 8/3, đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại Trường ĐH Việt - Đức nhằm tháo gỡ những vấn đề khó khăn mà trường đại học này gặp phải.
 
GS Jũrgen Mallon - hiệu trưởng Trường ĐH Việt - Đức cho biết một trong những khó khăn mà trường gặp phải là thu hút người học. Định hướng đến năm 2020 trường sẽ có 29 ngành đào tạo nhưng hiện tại mới chỉ mở được 8 ngành với quy mô 527 sinh viên. Sau 5 năm được thành lập, trường hiện có 262 sinh viên đang theo học bậc ĐH, 250 học viên cao học và 15 nghiên cứu sinh. Số đã tốt nghiệp gồm 24 cử nhân và 40 thạc sĩ.
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm các lớp học của ĐH Việt - Đức
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm các lớp học của ĐH Việt - Đức
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm các lớp học của ĐH Việt - Đức.
 
Bên cạnh đó, ĐH Việt - Đức còn gặp nhiều vướng mắc về cơ sở vật chất, các cơ sở đào tạo của trường chủ yếu là đi thuê mướn. Cụ thể gồm toà nhà tạm trong khuôn viên ĐH Quốc gia TPHCM, 1 tòa nhà trong khuôn viên ĐH Quốc tế Miền Đông…. Ông Mallon bày tỏ sự lo lắng mặt hạn chế của cơ sở vật chất nên khó triển khai đưa hệ thống thiết bị thí nghiệm phục vụ giảng dạy sớm được. Dịp này, phía nhà trường bày tỏ mong muốn cần có cơ chế đặc thù riêng cho trường để nhanh chóng hoàn thiện và phát triển mô hình trường ĐH xuất sắc.
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với đội ngũ giảng viên Đức
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với đội ngũ giảng viên Đức.
 
Về việc khó tuyển sinh sinh viên, học viên cao học ngành kỹ thuật, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết thực trạng khó khăn trong nguồn tuyển là thực trạng chung. Tuy nhiên, trong thời gian sắp tới khi những quy định mới về tuyển sinh sau đại học có hiệu lực sẽ giúp cho Trường ĐH Việt - Đức bớt khó khăn hơn. Riêng công tác xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường, thứ trưởng cho biết, Bộ GD-ĐT đang cùng với các ban ngành, Ban quản lý dự án xây dựng Trường ĐH Việt Đức đẩy nhanh tiến độ, để sớm hoàn thành mục tiêu có cơ sở vật chất cho trường vào năm 2017.
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lắng nghe và chia sẻ những khó khăn mà Trường ĐH Việt - Đức đang đối mặt. Phó Thủ tướng đề nghị trường cần tìm ra nguyên nhân của những vướng mắc và khó khăn để có hướng giải quyết, đồng thời yêu cầu địa phương cần xúc tiến, chia sẻ với nhà trường. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị trường trong quá trình mở ngành đào tạo cần có dự báo nhu cầu nhân lực của từng ngành nghề, đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có ngay việc làm. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Trường cần bám sát tiềm năng đào tạo của Đức, tức là những ngành có trình độ cao nhưng vừa phải bám sát nhu cầu nhân lực trên lãnh thổ Việt Nam. “Mình có thể áp một chương trình rất hiện đại nhưng không biết là cần bao nhiêu người, đào tạo ra làm ở đâu là không ổn. Vấn đề này đã được Chính phủ VN chỉ đạo ngành giáo dục từ 5 năm nay, chúng ta đàp tạo theo nhu cầu xã hội. Chúng tôi đề nghị ĐH Việt - Đức nên kết hợp với ĐH Quốc gia TPHCM làm một dự án nhỏ để dự báo nhu cầu nhân lực của ngành mình định mở trong 5 năm tới là ở đâu, rồi mới đưa ra nội dung đào tạo”, Phó thủ tướng yêu cầu. ĐH Việt - Đức phải có tổ công tác để nghiên cứu nhu cầu nhân lực chất lượng cao và cung cấp số liệu hàng năm.
 
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu trong cuộc họp hội đồng trường sắp tới, trường cần thống nhất, họp thật kỹ công tác cơ cấu ngành nghề, nhằm giúp việc tuyển sinh, đào tạo hiệu quả hơn. Riêng về việc tuyển dụng nhân sự, trường không nên quá cầu toàn, cố gắng làm sao để đến cuối năm 2013 không còn khó khăn trong cơ chế phối hợp, cơ bản hoàn thành việc tuyển dụng các vị trí chủ chốt quan trọng để nhà trường sớm đi vào ổn định
 
Trường ĐH Việt - Đức được thành lập vào năm 2008, là trường công lập tự chủ đầu tiên của Việt Nam. Đến nay trường đã có 8 chương trình đào tạo bậc ĐH và cao học. Trong đó, có 2 ngành bậc ĐH là Kỹ thuật điện và Công nghệ thông tin. 6 chương trình đào tạo bậc cao học gồm: Tính toán kỹ thuật và mô phỏng trên máy tính, Cơ điện tử và Công nghệ cảm biến, Giao thông vận tải, Phát triển đô thị bền vững, Hệ thống thông tin doanh nghiệp và Quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa.
 
Năm học 2013, ĐH Việt - Đức dự định mở thêm 2 ngành mới là cử nhân ngành Khoa học máy tính (bậc ĐH), ngành Sản xuất kỹ thuật toàn cầu (cao học). Chỉ tiêu của 3 ngành bậc ĐH của trường là 180 chỉ tiêu, chia đều 60 chỉ tiêu cho 3 ngành: Khoa học máy tính, Kỹ thuật điện và CNTT, Tài chính và Kế toán.
 
Lê Phương (DT)

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

>> Lộ Trình Sun 2025 - 3IN1 - 1 lộ trình ôn 3 kì thi (Luyện thi TN THPT & ĐGNL; ĐGTD) tại Tuyensinh247.com. Đầy đủ theo 3 đầu sách, Thầy Cô giáo giỏi, 3 bước chi tiết: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng đáp ứng mọi kì thi.