Tuyển sinh vào lớp 10: Chất lượng \"đi lùi\"

Nhiều năm gần đây, hình thức kết hợp xét tuyển và thi tuyển vào lớp 10 không những không phát huy tác dụng mà còn khiến cho chất lượng đầu vào trung học phổ thông ngày một giảm sút.

Bỏ học vì đuối sức

Bắt đầu từ năm học 2006 - 2007, TP.HCM thực hiện việc tuyển sinh lớp 10 theo hình thức kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển. Các quận, huyện xét tuyển là: H.Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, Q. Thủ Đức, Bình Tân, 2, 9, 6. Đến nay, gần như toàn bộ lãnh đạo các trường THPT ở khu vực nói trên đều đề nghị cần tổ chức thi tuyển để nâng cao chất lượng đầu vào.

 
Ở TP.HCM, những trường thi tuyển vào lớp 10 có thể yên tâm phần nào về chất lượng, các trường xét tuyển rất lo âu về vấn đề này - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

   

Ngay sau năm đầu tiên thực hiện, một số hiệu trưởng trường THPT đã báo động chất lượng đầu vào và ý thức học tập của học sinh (HS) đầu cấp. Sau 8 năm áp dụng mô hình xét tuyển, ban giám hiệu các trường đã than phiền rằng, chất lượng HS bậc này đi xuống, tỷ lệ HS bỏ học ngày càng tăng.

Trong những năm đầu xét tuyển, Trường THPT Bình Khánh (H.Cần Giờ) liên tiếp xảy ra tình trạng HS bỏ học vì không thể theo kịp chương trình. Đến năm học vừa qua, trường có hơn 40 HS lớp 10 bỏ học và gần 30 HS lưu ban. “Lượng HS lớp 10 bỏ học hằng năm chiếm khoảng 70% số HS bỏ học của toàn trường”, bà Phan Thị Mỹ Linh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Lý giải về nguyên nhân này, bà Linh cho rằng: “HS khi được xét tuyển vào lớp 10 có quá nhiều em học yếu, không theo kịp chương trình. Nhà trường rất nhiều lần vận động các em đến trường. Nhưng sau khi trở lại lớp, học vài bữa, các em cũng không theo kịp rồi tiếp tục bỏ học”.

Một lãnh đạo của Trường THPT Lê Minh Xuân (H.Bình Chánh) tỏ ra xót xa về thực trạng này. Ông cho biết: “Mấy năm trước, huyện còn ít trường nên điểm xét tuyển thường trên 30 nhưng sau có thì giảm dần. Năm nay huyện đưa vào sử dụng mới 2 trường, mở rộng đối tượng xét tuyển nên điểm chuẩn giờ chỉ còn chưa tới 25”. Tính ra mỗi năm ở bậc THCS, HS chỉ cần đạt hạnh kiểm khá, học lực trung bình hoặc hạnh kiểm trung bình, học lực khá (tương đương 6 điểm) là đã trúng tuyển vào lớp 10 công lập.

Vào tháng 7 vừa qua, tại hội thảo “Phân luồng học sinh sau trung học tại TP.HCM”, bà Nguyễn Thị Ngọc Vũ, giáo viên Trung tâm kỹ thuật - hướng nghiệp Q.2, cho biết: “Tuy không có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng tại Q.2, ở hầu hết các trường THPT đều có nhiều HS bỏ học vì không thể theo nổi chương trình”.

   

Chất lượng giảm sút

Những trường có bề dày thành tích đào tạo HS giỏi cũng đành ngậm ngùi vì  chất lượng HS ngày càng giảm sút.

Đơn cử như Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, một trường có chất lượng tốt nhất trong 6 trường THPT hiện nay tại H.Hóc Môn. Trước đây, trường luôn nằm trong tốp 100 trường THPT của cả nước về tỷ lệ HS có điểm bình quân thi ĐH cao nhất. Nhưng ngay sau lứa HS vào trường theo hình thức xét tuyển đi thi ĐH, trường chỉ còn lọt vào trong tốp 200. Tương tự, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6). Ông Trần Trung Kiên, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Trước đây, số HS lớp 10 thi lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy mà 2 năm vừa qua, mỗi năm có gần 100 trường hợp HS thi lại, phân nửa trong số đó lưu ban”. Ông Kiên chân tình cho biết: “Nói thật là giáo viên đã cố gắng hết sức nhưng trình độ HS chỉ đến vậy, không thể cải thiện hơn nữa”. Vì thế, ông Kiên lo ngại: “Sang năm, lứa HS xét tuyển sẽ tham gia kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ, tôi e rằng trường sẽ không còn nằm trong tốp 200 trường THPT trên cả nước nữa”.

Chính các phụ huynh cũng thừa nhận điều này. Một phụ huynh ở Q.6 cho biết nhờ có xét tuyển, con của bà mới được vào học ở Trường THPT Mạc Đĩnh Chi chứ bà biết sức học của con không thể theo kịp các HS khác!

Đường nào cũng vào được trường công!

Ông Trần Trung Kiên cho biết: “Hằng năm mỗi quận đều đưa ra tỷ lệ HS vào công lập, có khi năm sau còn cao hơn năm trước nên chả tội gì các trường THCS lại siết chặt để tỷ lệ HS trường mình vào công lập ít đi”. Thực tế này khiến ông Kiên quả quyết: “Khi đã không còn động lực thì chắc rằng việc học của HS có nhiều hạn chế”.

Cùng chung băn khoăn này, ông Bùi Hùng Chiến, Hiệu trưởng Trường THPT An Nhơn Tây (H.Củ Chi), nhận định: “Kể từ khi các trường áp dụng xét tuyển, HS lớp 9 không chịu học vì các em mang tâm lý đường nào cũng vào được lớp 10. Giáo viên lớp 9 cũng vậy, do biết là không thi tuyển nên chỉ dạy cầm chừng”. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Cải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (H.Củ Chi), nói: “Phải thi tuyển thì HS mới có động lực học tốt, giáo viên cũng trong tinh thần dạy tốt. Từ lớp 1 đến lớp 9 không có một kỳ thi nào mang tính quyết định thì chắc chắn HS không có động cơ học tập”.

Không chỉ vậy, với hình thức xét tuyển hiện nay (chủ yếu là xét theo địa bàn cư trú và kết quả học tập ở 4 năm học THCS), rất dễ dẫn đến tình trạng “chạy” hộ khẩu. Còn nhớ, trong năm học trước, H.Hóc Môn đã điều chỉnh phân tuyến về nơi cư trú, nhằm giảm tải cho Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu. Chính điều này, khiến nhiều phụ huynh “vỡ mộng” vì đã chuyển hộ khẩu cho con về khu vực gần trường để hy vọng một suất vào trường này.

Thực trạng này đã khiến lãnh đạo nhiều trường THPT đã đồng loạt lên tiếng phản ánh hình thức xét tuyển vào lớp 10 tại Hội nghị tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học 2013 - 2014 của ngành giáo dục TP.HCM diễn ra vào đầu tháng 8. Những vị này thẳng thắn đề nghị thành phố cần bỏ xét tuyển, chuyển sang thi tuyển, nhằm tăng chất lượng đào tạo HS. 

Ý kiến

Phân luồng học sinh sau THCS

“Nếu tổ chức thi tuyển, các em không vào lớp 10 được thì có thể chuyển sang học nghề hoặc học GDTX”.

Phan Thị Mỹ Linh 
Hiệu trưởng Trường THPT Bình Khánh, H.Cần Giờ

Học sinh yếu kém sẽ vào học nghề

“Việc thi tuyển có ưu điểm là sẽ giúp phân loại hiệu quả học lực của HS đồng thời giúp công tác phân luồng HS tốt hơn. Những HS yếu kém sẽ vào học nghề hoặc sang học ở hệ GDTX. Nếu xét tuyển, các em vào hết trường công lập, nhưng sau đó theo không nổi chương trình, dẫn tới bỏ học là rất đáng tiếc”.

Trần Minh Triết
Trưởng phòng Giáo dục H.Hóc Môn

Theo ThanhNien