Bài học đầu tiên trước ngưỡng cửa cuộc đời

Cha đã dạy tôi bài học đầu tiên khi bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời: Nếu bạn không đam mê cho công việc của mình thì đừng chọn nó, nếu đã lựa chọn thì hãy đốt cháy cả bản thân để theo đuổi.

Cha tôi là một thầy giáo dạy văn. Ông dành hơn hai mươi năm đứng trên bục giảng của một trường cấp ba tại tỉnh miền núi xa xôi. Dạy học là nghề cao quý khi người đứng trên bục giảng truyền tri thức quý báu và nhận lại những tình cảm thiết tha. Là người giáo viên dạy văn, đôi khi họ còn truyền đi cả trái tim và tâm hồn mình.

Thời bé, tôi không biết cha mình đã dìu dắt, bồi đắp tâm hồn cho bao nhiêu thế hệ học sinh trên những giảng đường rực cháy nhiệt huyết. Chỉ biết rằng có một học sinh, là chính tôi – tuy không chính thống vẫn luôn thầm cảm ơn vì những bài học cuộc đời của người thầy ấy.

Một điều có vẻ nực cười khi trong suốt quãng thời gian tôi đi học phổ thông và cho đến tận bây giờ, đang ngồi trên giảng đường đại học, cha chưa từng dạy tôi một chút kiến thức nào về văn học. Ấu thơ trong tôi là những bài toán nâng cao mà hai bố con phải mò mẫm cả đêm. Có những hôm cha tôi phải thức đến tận mười hai giờ khuya để cùng tôi giải bài toán "kiểu tiểu học ấy". Có một lần tôi bị ốm, cả đêm sốt không ngủ được tôi mới nhận ra vì tôi mà cha phải thức đến hai, ba giờ sáng để chuẩn bị cho bài giảng ngày hôm sau.

Chưa bao giờ tôi thấy ai phàn nàn, chê trách bất cứ điều gì về việc giảng dạy của ông. Căn nhà cấp bốn nhỏ xíu của chúng tôi càng ngày dày lên những tập bằng khen của cha tôi. Dạy học với cha, có lẽ không chỉ là cái nghề, mà còn là cái nghiệp ông mong muốn theo đuổi cả cuộc đời.

Khi tôi đang phân vân không biết nộp hồ sơ vào trường đại học nào, cha nói ngắn gọn: “Hãy chọn ngôi trường cho con công việc mà con có thể gắn bó và yêu nó không ngần ngại”. Đam mê và quyết liệt trong công việc là một điều không phải ai cũng có được. Tôi biết, vô số người vẫn có thể gắn bó cả đời với công việc mà họ không hề yêu thích. Vài người trong số họ, có thể nhiệt huyết với công việc mà họ không yêu.

Cha đã dạy tôi bài học đầu tiên khi bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời: Nếu bạn không đam mê cho công việc của mình thì đừng chọn nó, nếu đã lựa chọn thì hãy đốt cháy cả bản thân để theo đuổi.

Cha là người thầy duy nhất trong cuộc đời này, mãi mãi theo tôi trên mỗi chặng đường. Ảnh minh họa.

Ngày tôi còn bé, trong khi bạn bè có những món đồ chơi xanh đỏ, hay ho, lạ mắt thì tôi ở nhà tìm niềm vui trong những cuốn sách văn học, tập tài liệu ôn thi, các bài kiểm tra của thầy giáo tại gia. Nhiều cuốn sách rất thú vị, sâu sắc và cảm động. Có những cuốn, thực sự tôi không hiểu một chút gì, nhưng vẫn đọc. Chắc vì thế, tình yêu đối với văn học lớn lên trong tôi từ đó.

Bất kì món quà nào mà bố tặng tôi dịp sinh nhật, ngày tết thiếu nhi, trung thu… đều là những cuốn sách. Trong đó, đều ẩn chứa bí mật nho nhỏ. Bố luôn tỉ mỉ viết những câu châm ngôn, lời nhắn nhủ vào từng cuốn sách tặng cho tôi như: “Học vấn là một chùm rễ cay đắng, nhưng hoa quả lại ngọt ngào” hay “Kẻ biết chữ mà không hay đọc sách thì đôi mắt u tối không bằng những người mù chữ mà muốn được đọc”…

Tình cảm có thể không được biểu lộ hết bằng lời nói, nhưng điều đó không có nghĩa là ngừng yêu thương. Tôi chợt nhớ đến một câu nói rằng: “Người thầy vĩ đại là người thầy biết cách truyền cảm hứng”. Và bố, chính là người đã truyền cảm hứng tình yêu với sách cho tôi như thế.

Một thời gian sau, cha tôi rời ngành giáo dục. Ông luôn nói vui là trở thành ông thầy “mất dạy” rồi. Thế nhưng, tôi biết, thực lòng ông không nghĩ thế. Năm lớp mười hai, tôi bẻ ngoặt tất cả con đường định sẵn để đánh cược vào một cuộc thi mà trước giờ tôi giấu nó sau vỏ bọc. Cha tôi lo lắng, nhưng không ngăn cản. Tôi cảm ơn ông vì điều đó, vì đã cho tôi một điểm tựa vô hình nhưng lại vô cùng vững chắc. Duy chỉ có một điều, tôi biết rằng, mái tóc của cha đã bạc đi rất nhiều.

Có lẽ trong cuộc đời này, chỉ duy nhất cha tôi là người luôn lặng lẽ, trầm ngâm lắng nghe và suy nghĩ mọi việc cho tôi một cách sâu sắc nhất. Dù cha đã không còn là một thầy giáo đứng trên bục giảng, nhưng tôi vẫn hiểu được rằng, cảm xúc trọn vẹn trong lòng, tình yêu và sự tôn kính với người thầy, người cha sẽ không biến mất trong tôi.

Nguyễn Diệu Linh
Lớp Anh 1 – TCNH – K50, ĐH Ngoại thương Hà Nội