Bài văn nhập vai Tấm Cám: Thành công khi vào vai \"phản diện\"

Nhà nghiên cứu văn học dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng nữ sinh nhập vai Cám khiến người đọc cảm thấy ghét Cám tức là đã thành công.

 
Xung quanh câu chuyện về bài văn gây sốc của nữ sinh nhập vai Cám kể về truyện cổ tích Tấm Cám đang gây xôn xao cư dân mạng, PV đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia văn học dân gian, giảng viên khoa Văn học Nguyễn Hùng Vĩ (ĐH KHXH&NV-ĐHQGHN)..
 
Đề văn "hãy nhập vai nhân vật Cám, kể lại chuyện cổ tích Tấm Cám", nhưng học sinh lại sử dụng các từ ngữ nó, con này, con kia, rách rưới mà còn đòi theo quý tộc, oai như cóc… là những từ ngữ hiện đại, chợ búa. Việc lựa chọn ngôn từ trong bài văn này của nữ sinh liệu có chính xác không thưa ông?

Dù cách kết thúc như thế nào thì truyện cổ tích Tấm Cám vẫn mang trong mình giá trị nhân văn cao cả.
Đã gọi là “nhập vai” thì phải nhập cho đạt. Nếu nhập không đạt thì sẽ không đúng yêu cầu “nhập vai” của đề bài. Cô Cám là một nhân vật phản diện, bị nhân dân căm ghét từ nhiều đời nay. Nhập vai để người đọc ghét Cám cũng là một lựa chọn. 
 
Tôi đọc thì thấy, qua bài làm của thí sinh trên, nhân vật Cám đáng ghét thật, và hiểu rằng: Trong cuộc sống ngày nay, còn thật nhiều Cám hiện đại, thậm chí còn tệ hơn cả Cám ngày xưa.
 
- Nữ sinh đã nhập vai diễn tả lại cụ thể từng việc Cám đã hại Tấm ra sao với một ngôn ngữ rất lạnh lùng. Liệu việc “nhập vai” quá đạt có khiến những thầy cô giáo phải suy nghĩ?
 
Ngôn ngữ Cám trong bài là ngôn ngữ tiêu cực của nhân vật “Cám hiện đại”. Tác giả bài viết đã cố gắng thâm nhập vào ngôn ngữ đó để tăng thêm phần đáng ghét của nhân vật. 
 
Trong văn học, người ta gọi đó là “ngôn ngữ nhân vật”. Chí Phèo chửi giỏi thì chưa hẳn Nam Cao đã chửi như vậy trong đời nhà văn đáng kính này. 
 
Cần phân biệt “ngôn ngữ nhân vật” với “ngôn ngữ của người kể truyện”. Còn độ non nớt của ngôn ngữ người kể truyện là một chuyện khác. Trong bài thi này, tác giả hoàn toàn “nhập vai”, và đó là ngôn ngữ của nhân vật Cám.
 
- Ông đánh giá gì về sự vô cảm của một bộ phận giới trẻ hiện nay thông qua cách các em thể hiện tư tưởng của mình qua cách hành văn trong văn học? 
 
Tôi không cho rằng, tác giả đã nhập vai “hơn cả nhân vật trong câu chuyện”, mà nghĩ rằng tác giả đã xây dựng một hình ảnh Cám hiện đại trên chất liệu truyện cổ tích. “Khác” chứ không phải là “hơn”. 
 
Làm sao bài văn này lại có thể sống lâu hơn câu chuyện cổ tích kia chứ. Ngôn ngữ “lạnh lùng” mà tác giả dùng là một thành công của lối kể tự sự. Còn đánh giá “vô cảm” hay không vô cảm thì phải xem lại. Tôi đọc tôi rất bức xúc vì tôi hiểu rằng, xã hội có nhiều Cám như thế lắm.
 
Có lối viết đầy tình cảm của Thạch Lam mà cũng có lối viết khách quan của Nam Cao chứ. 
 
Còn nếu nói một “cách hành văn trong văn học” của các em học sinh phổ thông thì chung chung quá. Vì văn học rất phong phú và đa dạng. Cần trước hết, phải điều tra xã hội học mới nên nhận định như vậy.
 
- Có ý kiến chuyên gia tâm lý cho rằng các em học sinh phổ thông bây giờ không còn thích các câu chuyện cổ tích xưa cũ nữa nên không thể “nhập vai” một cách sâu sắc?
 
Tôi không rõ, ngày xưa người ta yêu truyện cổ tích như thế nào, chỉ đọc được rằng, dân số 95% mù chữ thì đọc cái gì cơ chứ? Họ kể thôi. Mà trung bình trên tổng dân số, mỗi ngày kể và nghe bao nhiêu truyện thì cũng có ai nghiên cứu thống kê ra đâu? 
 
Tôi biết đọc từ năm 1962, truyện đọc lúc đó, truyện ngắn và tiểu thuyết nhiều hơn truyện cổ tích mất rồi. Mỗi thời đại có món ăn tinh thần của thời đại đó. Nếu như, chưa sáng tạo ra được một món ăn tinh thần “ngon” hơn truyện cổ tích là lỗi của cả nền văn học chúng ta.
 
- Hiện nay đoạn kết trong SGK lớp 10 đã được sửa đổi cho nhẹ nhàng hơn. Ông đánh giá gì về điều này?
 
Về đoạn kết truyện Tấm Cám trong SGK lớp 10, tôi cho đó cũng là một cách kể, cách kể đó chung tinh thần với cách kể của cụ Nguyễn Đổng Chi trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Nhưng bỏ đi những chi tiết muối mắm, ăn mắm, lời rủa của quạ. Đã gọi là một “cách kể” thì là chấp nhận được. 
 
Truyện cổ tích không có “bản gốc”, không có “nguyên bản” nên nhà làm sách có quyền kể theo ý mình.
 
Còn để như cách kể của cụ Nguyễn Đổng Chi cũng không sao cả. Tôi đọc Kinh Thánh và Đại Tạng kinh, thấy trong đó đầy rẫy những cậu chuyện tràn máu và nước mắt, thậm chí gớm ghiếc. Ấy vậy mà, các tôn giáo đó vẫn là những tôn giáo từ thiện đấy thôi! 
 
Chả nhẽ lại không đáng cảnh báo cho học sinh lớp 10, có Giấy chứng minh nhân dân rồi rằng : Hiện tại và tương lai, nhân loại vẫn đầy tội ác và có thể, chúng ta phải đối mặt với những tội ác còn kinh khủng hơn. Vấn đề là dạy như thế nào trong vấn đề đó.

Xin cảm ơn ông!

Theo VTC

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

Xem thêm tại đây: Những bài văn

>> Học trực tuyến lớp 9 & lộ trình Up 10! trên Tuyensinh247.com Đầy đủ khoá học các bộ sách (Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cánh diều), theo lộ trình 3: Nền Tảng, Luyện Thi, Luyện Đề. Bứt phá điểm lớp 9, thi vào lớp 10 kết quả cao. Hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.