Bí quyết luyện thi đại học khối A của thủ khoa ĐH Sư phạm Hà Nội

Cùng học tập bí quyết học và thi của thủ khoa khối A Trường Đại học Sư phạm Hà Nội kỳ tuyển sinh 2012 bạn Lê Thành Đạt nhé!

Thủ khoa Lê Thành Đạt (phải). Ảnh: gdtd.vn
Thủ khoa Lê Thành Đạt (phải). Ảnh: gdtd.vn

Kinh nghiệm học tốt 3 môn khối A

Lê Thành Đạt chia sẻ: Sau khi thi tốt nghiệp, toàn bộ khoảng thời gian còn lại em dành cho việc ôn thi đại học. Tuy nhiên, không giống suy nghĩ nhiều bạn cho rằng, khoảng thời gian này “cắm mặt cắm mũi” “thâu đêm suốt sáng” để học, bản thân em cảm thấy quá trình ôn của mình trong năm khá ổn, giờ là lúc nên bình tĩnh, nhìn nhận mọi vấn đề một cách thấu đáo. Do đó, em không học nhiều, một ngày em chỉ học 3-4 tiếng, dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, chơi thể thao, đêm em có xem euro.

Đối với môn Toán, em tải trên mạng đề thi thử mới của các trường, mua tuyển tập các đề thi Toán năm trước. Mỗi ngày em làm một đến hai đề. Lúc làm bài, em cố gắng phân dạng bài tập rõ ràng, tự bấm giờ, câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Môn Toán em cũng rất chú ý làm cho thật chỉn chu, trình bày thật logic, chặt chẽ, từ các chi tiết nhỏ nhất. Bên cạnh đó, em và các bạn tập trung làm nhiều dạng câu 5, thường là câu khó nhất đề “hệ phương trình” và “bất đẳng thức”. Có bài Toán khó nào hay, cách giải đặc sắc, hoặc phương pháp nào mới, em và các bạn đều tích cực chia sẻ cho nhau hoặc học trên mạng.

Với môn Lý, lúc này bọn em không chỉ luyện các đề thi mà còn làm lại các chuyên đề bài tập mà các thầy cô đã giao trên lớp. Môn Lý, em cố gắng hiểu bản chất của hiện tượng, từ đó mình có thể tránh việc học thuộc vẹt quá nhiều làm quá tải, lẫn lộn các công thức với nhau. Phần nào còn yếu em tập trung vào phần đó, tuy nhiên với phần mình đã nắm vững cũng nên ôn lại cẩn thận. Do yếu tố đặc trưng là trắc nghiệm nên mỗi năm đề lại ra nhiều câu rất hay và mới, do đó bọn em thường lên mạng xem các tài liệu về dạng bài mới cũng như tự lập một số công thức tính nhanh của riêng mình để áp dụng nhanh vào bài tập. Khi luyện đề, em cũng bấm giờ, luôn tập trung hết mức. Thông thường, cũng như môn Hoá, bọn em sẽ làm hai lượt, để có thể soát lại bài một cách chắc chắn nhất. Rèn luyện kỹ năng bấm máy cũng là một điều rất quan trọng trong quá trình ôn thi.

Với môn Hoá, tuy mức độ khó, theo em đánh giá là không khó bằng hai môn trên nhưng độ đa dạng trong bài tập, các mẹo đánh lừa học sinh thì lại “nhất”. Ngay trong năm, từng phần kiến thức, từng loại bài tập bọn em đã làm khá kĩ trên lớp. Không chỉ thế, thầy giáo dạy hoá bọn em còn yêu cầu chúng em tự sáng tạo bài tập để nắm được tư duy ra đề. Do đó, tháng cuối cùng, bên cạnh việc luyện đề, bọn em cũng tự ôn lại các chuyên đề Hoá đã học.

Nói chung, do quá trình học trong năm chắc và cẩn thận nên việc ôn lại các dạng bài tập không quá vất vả mà chủ yếu bọn em luyện kĩ năng làm bài và phần lý thuyết. Quả thật là phần lý thuyết Hoá cực kỳ đa dạng và không dễ chút nào. Em và các bạn thường đọc rất kỹ sách giáo khoa, các tài liệu tham khảo, và hay tổ chức các cuộc thi nho nhỏ, một bạn cầm tài liệu sẽ ra câu hỏi, kiểm tra kiến thức các bạn. Những lần như vậy, vừa vui vừa ghi sâu kiến thức rất nhanh. Cũng giống cả hai môn Toán, Lý, năm nào hầu như cũng có các câu hỏi, bài toán hay, lạ, do đó, bọn em luôn “lùng sục” các đề thi thử để tìm các dạng bài mới và trao đổi với nhau. Riêng môn Hoá, phải ghi nhớ nhiều nên em có cuốn sổ tay nhỏ, ghi những kiến thức, công thức, bí kíp, tên các chất, các quặng... để có thể thuận tiện ôn lại.

Cũng phải nói thêm, bên cạnh việc tự học, không khí học tập trong lớp cũng khá quan trọng. Lớp bên hay tổ chức các kì thi thử song song với việc thi thử ở trường, điều này đã giúp chúng em có một tâm lý rất vững vàng khi thi thật. Em và các bạn rất hay cùng nhau lên thư viện học nhóm. Quả thực, việc học với các bạn đều thông mình chăm chỉ giúp chúng em học hỏi ở nhau được nhiều điều. Tuy vậy, lớp em còn hay đi chơi, làm cho không khí thi thử của cả lớp rất thoải mái!

Làm bài thi: Bình tĩnh, tập trung, đúng phương pháp


Đối với Lê Thành Đạt, kinh nghiệm làm bài cả 3 môn là phải bình tĩnh, tập trung, và có phương pháp làm bài đúng đắn.

Khi làm Toán, câu nào khó, không nghĩ ra được, em lập tức bỏ qua, làm câu dễ hơn, khi mình đã giải quyết các câu dễ xong, em cảm thấy tự tin và thoải mái hơn để đối mặt với các câu khó.

Đối với các câu khó, em thường đọc kỹ đề bài, cố gắng nhận dạng thực chất nó thuộc dạng bài nào, điều kiện, giả thiết này tương với điều gì, hoặc bản chất điều kiện ấy sẽ suy ra điều gì, thông thường khi nhìn ra điểm mấu chốt của bài toán, ta sẽ có hướng giải quyết. Em khuyên mọi người, hãy làm ngay bài toán với hướng làm đầu tiên mà bạn nghĩ ra trong đầu, việc cau mày suy nghĩ để tìm lời giải đẹp, nhanh gọn nhiều khi có hại khi chỉ làm mất thời gian của chúng ta.

Toán là môn trình bày duy nhất và việc mất nửa điểm trình bày hay 0,25 cũng có thể làm chúng ta mất cơ hội với trường đại học mơ ước. Do đó, em cỗ gắng trình bày chậm, logic. Thầy giáo dạy Hình học của em thường dạy rằng, trình bày cũng thể hiện tư duy người viết. Câu chữ, dấu suy ra, dấu tương đuơng, các phép biến đổi, điều kiện xác định... cũng rất đáng lưu ý. Nếu làm sai gạch đi làm lại, không nên viết chèn, hay tẩy xoá, điều đó làm xấu bài làm và gây khó chịu cho người chấm.

Với môn Lý, Hoá, cũng theo phương châm của môn Toán, câu nào không làm được lập tức bỏ qua làm câu khác, câu đó sẽ để lượt hai giải quyết. Cũng do mới vào thi hồi hộp nên tức thời ta quên mất hoặc không nhìn ra dạng bài quen thuộc nên yên tâm là sau khi đã bình tĩnh nhìn lại, các câu hỏi sẽ được giải quyết.

Với môn Lý, em làm rất cẩn thận và suy nghĩ thật kỹ các câu phần điện, đây là phần phức tạp và khó nhất trong đề. Sau khi đã chắc chắn các câu khác, em sẽ để thời gian còn lại suy nghĩ các câu khó trên. Nhưng chú ý là em cũng để dành khoảng 10 phút cuối, kiểm tra lại một lượt đáp án, các kết quả tính toán, các câu lý thuyết.

Với môn Hoá, đề Hoá thường rất hay bẫy nên em đọc kỹ đề bài, xác định thật rõ ràng cần tính cái gì, phải dùng kiến thức gì, dạng bài gì, công thức nào để làm bài. Các câu lý thuyết cũng rất khó, yêu cầu em tổng hợp kiến thức thật chắc, suy luận tốt để trả lời các câu hỏi. Nhiều khi không có câu trả lời rõ ràng, mình phải dùng phương pháp loại trừ, cũng khá hữu ích. Môn Hoá em cũng bấm lại máy nhiều lần, kiểm tra lại các câu trả lời đáp án của mình cho thật chính xác.

Quả thực, trong kì thi đại học em cảm thấy mình rất tự tin và bình tĩnh, phải đến môn cuối cùng, môn Hoá, em mới cảm giác chút hồi hộp, không như thi Toán, Lý, em cũng thấy mình “tỉnh bơ”. Một phần cũng do thi thử rất nhiều lần với kết quả tốt, bố mẹ cũng rất thoải mái với sự lựa chọn và tin tưởng em. Hơn nữa, khi thi em ở ngay trong trường sư phạm, em cũng học 3 năm rồi nên không lạ lẫm. Trước mấy hôm thi em không học nhiều mà chủ yếu nghỉ ngơi thư giãn, chẳng nghĩ gì nhiều đến kì thi đại học, chỉ mơ màng nghĩ đến lúc nghỉ hè nên tâm trạng rất thoải mái!
 

Theo Thethaohangngay

NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247!

Nếu em đang: 

  • Mong muốn bứt phá điểm số học tập nhanh chóng
  • Tìm kiếm một lộ trình học tập để luyện thi: TN THPT, ĐGNL, ĐGTD, Vào lớp 10
  • Được học tập với Top giáo viên hàng đầu cả nước

Tuyensinh247 giúp em: 

  • Đạt mục tiêu điểm số chỉ sau 3 tháng học tập với Top giáo viên giỏi
  • Học tập với chi phí tiết kiệm, đầy đủ theo ba đầu sách
  • Luyện thi bám sát cấu trúc từng kì thi theo định hướng của BGD&ĐT

Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY