Bộ Nội Vụ: Hoàn thành kỳ thi tuyển công chức bằng hình thức trắc nghiệm

Bộ Nội vụ vừa hoàn thành kỳ thi tuyển công chức đầu tiên bằng hình thức thi trắc nghiệm, kéo dài trong 3 ngày (ngày 5-6-7.1.2013).

 

Các ứng viên làm bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi tuyển công chức của Bộ Nội vụ. Ảnh: V.H

Thứ trưởng  Bộ Nội vụ- Chủ tịch Hội đồng thi Trần Anh Tuấn cho biết, đây là bộ đầu tiên trong cả nước tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm. Sau đó, sẽ nhân mô hình này rộng ra cả nước.

Theo quan sát của phóng viên tại phòng thi, hai thí sinh ngồi một bàn, mỗi thí sinh có một máy tính. "Bộ Nội vụ tổ chức thi trắc nghiệm 3/5 môn thi (môn chuyên môn, nghiệp vụ; ngoại ngữ và tin học)" - Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết.

Cũng theo thông tin từ Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, với mỗi môn Bộ Nội vụ có khoảng 500 đề thi; khi thi, sau khi thí sinh đánh số báo danh, máy tính tự cho đề, mỗi đề có 40 câu hỏi (như vậy hầu như không xảy ra các đề trùng nhau); khi hết giờ, máy tính tự động kết thúc bài thi và chỉ sau vài giây là máy tính thông báo kết quả ngay.  "Như vậy, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng thi, tôi cũng không thể can thiệp được" - ông Tuấn nhấn mạnh.

Trả lời thắc mắc của phóng viên về việc vẫn duy trì 2 môn thi viết mà không thi trắc nghiệm toàn bộ các môn, ông Trần Anh Tuấn lý giải: "Ngoài chuyên môn vững, với mỗi chuyên viên cũng rất cần tư duy tổng hợp, cách trình bày các nội dung, thể hiện các ý tưởng bằng văn bản, do đó không thể không thi viết".

Được biết, quy chế thi, điều kiện dự thi được công bố rất rõ ràng. Theo đó, mỗi môn thi tối thiểu phải đạt 50/100 điểm mới được xét tuyển và lấy từ cao xuống thấp. Điều đó cũng có nghĩa, dù còn thừa chỉ tiêu, nhưng nếu không đủ điểm sàn, các chỉ tiêu đó vẫn để lại. Theo đó, có 52 chỉ tiêu /349 thí sinh dự thi tuyển cho 16 đơn vị trực thuộc Bộ Nội vụ. Mỗi đơn vị có điểm chuẩn riêng tùy theo số điểm và số thí sinh dự thi (giống như tuyển sinh ở một số trường đại học hiện nay là điểm chuẩn theo từng ngành - PV). Điều đó cũng đảm bảo cho việc không “chạy” đơn vị sau khi thi.

Ông Tuấn cho biết thêm, chúng tôi dự kiến trong đợt thi tới, các phòng thi sẽ gắn camera. Như vậy, ngồi ở phòng “tư lệnh” đều có thể kiểm soát được bất cứ hành vi, dấu hiệu gian lận nào của thí sinh và của cả cán bộ coi thi.

Sau ''quả bom'' 100 triệu đồng để “chạy” tuyển viên chức được ông Trần Trọng Dực đưa ra tại HĐND TP. Hà Nội, hình thức thi này được Bộ Nội vụ đặt kỳ vọng trong việc chống "chạy" trong các kỳ thi tuyển công chức.

Theo Thethaohangngay

 

  • Dự thảo công chức tài năng: Khó khả khi

    Mới đây, ngày 13/10, tại TP.HCM, Bộ Nội vụ đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về chính sách đối với công chức có tài. Trong hội thảo, phó vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức, Lê Minh Hương đã trình bày dự thảo nghị định về phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ công chức có tài năng trong hoạt động công vụ.

  • Quảng Nam: Kiểm soát chặt chẽ thi tuyển công chức

    Có 731 biên chế được tuyển nhưng số lượng thí sinh nộp hồ sơ tham gia kỳ thi tuyển công chức tại Quảng Nam năm nay lên đến hơn 3.000 thí sinh.

  • Chạy công chức: \"Bệnh\" khó chữa

    “Chạy chọt” là “bộ môn” không dính dáng gì tới thể thao, nhưng hỏi 10 người dân chắc phải có tới 9 biết nó là gì và đang lan tràn ở những đâu. Bởi thế sự… ngây thơ khi tỏ ra xa lạ với “chạy chọt” mới khiến dư luận sốc và rúng động.

  • Chọn ngành học phù hợp với tính cách

    Bên cạnh việc chọn ngành học theo sở thích và năng lực, yếu tố tính cách cũng rất quan trọng.

  • Ngoại ngữ chìa khóa mở ra nhiều cơ hội

    Có rất nhiều trường Đại học, Cao đẳng hiện nay tiến hành giảng dạy nhiều nội dung bằng tiếng Anh cũng như quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) cho sinh viên tốt nghiệp ra trường.