Chọn ngành học phù hợp với tính cách

Bên cạnh việc chọn ngành học theo sở thích và năng lực, yếu tố tính cách cũng rất quan trọng.

Vui vẻ, thích giao tiếp nên học ngành gì?

Thực tế cho thấy, nếu chọn ngành học phù hợp với tính cách của mình, thì người học sẽ phát huy được tốt nhất những yêu cầu của ngành học.
 
Theo tiến sĩ tâm lý học nổi tiếng người Mỹ John Holland, con người được chia ra làm 6 kiểu tính cách: Người có tính nghệ sĩ, người thực tế, người dám nghĩ dám làm, người thích nghiên cứu, người công chức và người có tính xã hội. Đồng thời, sẽ có 6 môi trường hoạt động tương ứng đúng với 6 kiểu người này.
 
Tiến sĩ Trần Đình Lý (Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) cho biết: “Với những em có tính cách hướng ngoại, hoạt bát, năng động, thì môi trường hoạt động của các em không thể ở phạm vi hẹp, chỉ ngồi một chỗ làm việc. Những ngành học phù hợp với các em có tình cách này có thể kể đến như: Marketing, quan hệ công chúng, báo chí, kinh doanh quốc tế, truyền thông quốc tế, luật…”.
 
Học những ngành này, sau khi tốt nghiệp sinh viên sẽ làm những công việc cần giao tiếp nhiều như quảng bá sản phẩm, tiếp thị người tiêu dùng, quan hệ với các đối tác, giao lưu gặp gỡ khách hàng… Chính vì thế, người trầm tính, ngại giao tiếp, không thích đi lại… sẽ khó theo đuổi được những ngành học này.
 
Bay bổng, ngẫu hứng chọn ngành nào?

Những ngành học liên quan đến nghệ thuật, theo tiến sĩ John Holland, phù hợp với những người có khả năng về trực giác, có trí tưởng tượng, thích làm việc trong môi trường ngẫu hứng, không quá nguyên tắc và khuôn mẫu…
 
Ông Hồ Tấn Dương, Phó chủ tịch Hiệp hội Thiết kế mẫu và Sáng tạo Mỹ thuật Việt Nam, nhìn nhận: “Các em có tính cách như trên nên chọn ngành học về văn chương, điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, kiến trúc, thiết kế thời trang, thiết kế nội thất, nhiếp ảnh hội họa...
Đặc biệt, với những ai thích tìm tòi, sáng tạo thì sẽ rất thăng hoa trong nghề nghiệp”.
 
Theo ông Dương, các lĩnh vực nghề nghiệp trên cũng có phạm vi làm việc rất rộng và thời gian tự do, thoải mái hơn so với các nghề nghiệp khác. Người học cũng cần có một gu thẩm mỹ và cá tính riêng thì sản phẩm sáng tạo mới có ấn tượng và được đánh giá cao.
Theo Thethaohangngay
Xem thêm tại đây: Tư vấn tuyển sinh khác