Các môn học theo dự thảo chương trình GD phổ thông mới

Chương trình mới học sinh tiểu học, THCS, THPT sẽ học những môn gì?Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ giảm số lượng môn học, giảm áp lực học tập đồng thời học sinh tự chọn môn học để định hướng nghề nghiệp.

Tại cuộc họp báo quý 1 năm 2017 chiều nay (24.3) do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết: sau một thời gian chuẩn bị, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã hoàn thành và dự kiến cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 sẽ công bố rộng rãi để lấy ý kiến dư luận, trước khi được ban hành chính thức vào tháng 9.2017.

 
Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông,

Các môn học bắt buộc ở cấp tiểu học gồm: Ở cấp tiểu học, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc bao gồm: Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Ngoại ngữ 1 (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Tự nhiên và xã hội (ở lớp 1, lớp 2, lớp 3); Lịch sử và Địa lý (ở lớp 4, lớp 5); Khoa học (ở lớp 4, lớp 5); Tin học và Công nghệ (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm (trong đó có nội dung giáo dục của địa phương).

Ở cấp trung học cơ sở, các môn học bắt buộc gồm: 

Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.

Mỗi môn học Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần. Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được thiết kế thành các chủ đề. Học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Các môn học ở cấp THPT

Cụ thể, giai đoạn này bao gồm các môn học bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, Nội dung giáo dục địa phương.

Trong đó, môn Giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần. Hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành các chủ đề. Học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Nội dung và thời lượng giáo dục cấp THPT theo chương trình vừa đuọc thông qua.

Học sinh sẽ được lựa chọn môn học định hướng nghề nghiệp từ lớp 10. Các môn học được lựa chọn chia thành 3 nhóm môn, học sinh chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học trên, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn.

- Nhóm môn Khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật.

- Nhóm môn Khoa học tự nhiên: Vật lý, Hóa học, Sinh học.

- Nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật.

Điểm thay đổi quan trọng là thời lượng các chuyên đề học tập được đưa vào từ lớp 10 và có thời lượng tăng lên đáng kể.

Theo đó, mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học giúp học sinh tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.

Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập từ 10 đến 15 tiết. Tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn là 35 tiết.

Ở mỗi lớp 10, 11, 12, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và điều kiện tổ chức của nhà trường.

Chương trình vừa được thông qua cũng quy định, các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường.

Học sinh có thể đăng ký học ở một cơ sở giáo dục khác những môn học và chuyên đề học tập mà trường học sinh đang theo học không có điều kiện tổ chức dạy.

Về thời lượng giáo dục, chương trình quy định, cấp THPT mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học. Mỗi tiết học 45 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ.

Theo Thethaohangngay