Đại học Bách khoa Hà Nội công bố Quy chế thi đánh giá tư duy 2024

ĐHBK Hà Nội chính thức công bố Quy chế thi Đánh giá tư duy năm 2024, quy định thi ĐGTD theo hình thức thi trên máy tính dựa trên nền tảng thi trực tuyến, bao gồm: mục đích, nguyên tắc; chuẩn bị cho kỳ thi; đối tượng dự thi và đăng ký thi; đề thi; tổ chức thi; duyệt kết quả thi, chứng nhận kết quả;....

>>> ĐHBKHN ĐÃ CÔNG BỐ LỊCH 6 ĐỢT THI ĐÁNH GIÁ TƯ DUY NĂM 2024, XEM LỊCH THI ĐGTD 2024 TẠI ĐÂY

Văn bản này quy định về thi đánh giá tư duy theo hình thức thi trên máy vi tính dựa trên nền tảng thi trực tuyến, bao gồm: mục đích, nguyên tắc; chuẩn bị cho kỳ thi; đối tượng dự thi và đăng ký dự thi; đề thi; tổ chức thi; duyệt kết quả thi, chứng nhận kết quả và quản lý cấp phát chứng nhận kết quả; báo cáo và lưu trữ hồ sơ thi; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. 

Văn bản này áp dụng đối với Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBK Hà Nội), các cơ sở đào tạo (CSĐT) phối hợp với ĐHBK Hà Nội tổ chức thi ĐGTD, các cá nhân và tổ chức liên quan đến thi ĐGTD, thí sinh dự thi.

>>> QUY CHẾ THI ĐGTD XEM CHI TIẾT TẠI ĐÂY

Đối tượng và điều kiện dự thi

1. Đối tượng dự thi

a) Thí sinh là học sinh bậc trung học phổ thông (THPT);

b) Thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT).

2. Điều kiện dự thi

Thí sinh đăng ký dự thi và nộp lệ phí theo quy định. Thí sinh không được dự thi quá 01 lần trong khoảng thời gian 30 ngày.

Tổ chức đăng ký dự thi

1. Hình thức đăng ký dự thi

Đăng ký trực tuyến trên trang thông tin tuyển sinh của ĐHBK Hà Nội tại địa chỉ https://tsa.hust.edu.vn và nộp lệ phí theo hướng dẫn.

2. Trách nhiệm của thí sinh khi đăng ký dự thi

a) Thực hiện đăng ký dự thi theo hướng dẫn trong thời gian được thông báo trên trang thông tin tuyển sinh của ĐHBK Hà Nội;

b) Kê khai đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về các thông tin yêu cầu nhập vào hệ thống đăng ký.

3. Quản lý dữ liệu đăng ký dự thi

a) Ban Thư ký Hội đồng thi quản lý dữ liệu đăng ký dự thi, kiểm tra tính đầy đủ và hợp quy của dữ liệu do thí sinh kê khai; tiếp nhận và thực hiện yêu cầu chỉnh sửa của thí sinh (trong thời gian được phép điều chỉnh sau khi đã hết hạn đăng ký); tiến hành chuẩn hóa dữ liệu và trình Hội đồng thi phê duyệt danh sách chính thức thí sinh được phép tham dự kỳ thi;

b) Hội đồng thi quyết định danh sách dự thi và quản lý dữ liệu thí sinh được phép dự

thi.

4. Trình tự đăng ký dự thi

a) Truy cập vào trang thông tin đăng ký tuyển sinh, kê khai các thông tin cá nhân, đăng tải minh chứng cần thiết và nhận thông tin về tài khoản và mật khẩu để đăng nhập vào hệ thống qua địa chỉ email của thí sinh đã kê khai;

b) Đăng nhập vào hệ thống đăng ký tuyển sinh bằng tài khoản và mật khẩu đã được cấp theo quy định tại điểm a, kê khai thông tin, chọn mục đăng ký tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy và hoàn thành các bước đăng ký theo hướng dẫn;

c) Kiểm tra lại các thông tin đã khai, xác nhận và lưu đăng ký;

d) Kiểm tra email xác nhận của ĐHBK Hà Nội về việc đã nhận hồ sơ đăng ký;

đ) Trong quá trình khai hồ sơ trực tuyến, thí sinh có quyền điều chỉnh các thông tin đã khai. Sau khi hết thời hạn đăng ký theo thông báo, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, thí sinh phải thông báo kịp thời cho Ban Thư ký (thông qua số điện thoại hoặc email trợ giúp đã được công bố trên trang thông tin tuyển sinh) hoặc cho CBCT trong thời gian đến làm thủ tục dự thi để sửa chữa, bổ sung;

e) Kiểm tra kết quả đăng ký dự thi trong tài khoản đăng ký.

Quy định về trách nhiệm của thí sinh khi tham gia Kỳ thi

1. Tìm hiểu kỹ về hướng dẫn làm bài thi trên máy vi tính từ trang thông tin tuyển sinh của ĐHBK Hà Nội trước khi tham dự Kỳ thi ĐGTD.

2. Có mặt tại địa điểm thi đúng thời gian quy định để làm thủ tục dự thi:

a) Xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân (gọi chung là căn cước công dân);

b) Nếu phát hiện có những sai sót về họ, tên đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh, số căn cước công dân phải báo cáo ngay cho CBCT để kịp thời xử lý;

c) Trường hợp bị mất căn cước công dân hoặc các giấy tờ cần thiết khác, phải báo cáo ngay cho Trưởng điểm thi để xem xét, xử lý;

3. Khi vào phòng thi, phải tuân thủ các quy định sau đây:

a) Xuất trình căn cước công dân cho CBCT, nhận phiếu tài khoản dự thi;

b) Chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ;

c) Không được mang vào phòng thi đồ vật hoặc thiết bị khác với quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;

d) Thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài thi sẽ không được dự thi.

4. Trong phòng thi, phải tuân thủ các quy định sau đây:

a) Chấp hành hiệu lệnh của Ban Coi thi và hướng dẫn của CBCT và CBKT.

b) Ngồi đúng vị trí có ghi số báo danh của mình;

c) Trước khi làm bài thi, phải kiểm tra tình trạng hoạt động của máy tính, nếu có trục trặc phải báo ngay với CBCT/CBKT để xử lý; nhập đầy đủ thông tin theo yêu cầu vào máy tính, ghi đầy đủ thông tin yêu cầu vào giấy nháp;

d) Trong quá trình làm bài thi, nếu gặp trục trặc phải báo ngay với CBCT hoặc CBKT để xử lý;

đ) Không được trao đổi, quay cóp, làm mất trật tự phòng thi hoặc có những hành vi gian lận. Khi muốn phát biểu phải giơ tay, đứng trình bày công khai ý kiến của mình khi được CBCT cho phép;

e) Chỉ được phép ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết thời gian làm bài thi. Trong trường hợp cần thiết chỉ được ra khỏi phòng thi khi được phép của CBCT và phải chịu sự giám sát của Cán bộ giám sát; trường hợp cần cấp cứu, việc ra khỏi phòng thi và khu vực thi của thí sinh do Trưởng Điểm thi quyết định.

5. Khi có hiệu lệnh, thí sinh đăng nhập vào phần mềm theo tài khoản đã được cấp, làm bài thi theo hướng dẫn và tuân thủ các yêu cầu sau:

a) Không được thoát ra khỏi màn hình giao diện phần mềm thi;

b) Không được thoát khỏi tài khoản thi hay khởi động lại máy tính sử dụng để làm bài thi. Khi có sự cố bất thường xảy ra trong quá trình thi, phải báo cáo CBCT/CBKT để xử lý theo quy định;

c) Không sao chép câu hỏi thi, đề thi dưới bất kỳ hình thức nào. Không sử dụng bất cứ một chương trình nào khác ngoài chương trình thi đã cài đặt trên máy vi tính trong thời gian thi kể cả để làm nháp bài thi.

6. Khi có hiệu lệnh hết giờ thi, thí sinh dừng tất cả các thao tác trên máy tính và thực hiện các yêu cầu sau:

a) Không được đóng phần mềm khi chưa có hướng dẫn của CBCT;

b) Chỉ được rời khỏi phòng thi khi được CBCT cho phép;

c) Trước khi ra khỏi phòng thi thí sinh phải nộp lại giấy nháp và phiếu tài khoản dự thi, ký xác nhận vào danh sách thí sinh nộp bài thi.

7. Thí sinh vi phạm quy chế thi bị xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Quy chế này.

Xử lý sự cố kỹ thuật trong quá trình thi

1. Khi có sự cố mất điện trong quá trình thi: CBCT giữ trật tự phòng thi, không cho thí sinh ra khỏi phòng thi và xử lý như sau:

a) Báo cho Trưởng Điểm thi để khắc phục;

b) Nếu thời gian khắc phục sự cố nhỏ hơn 10% tổng thời gian làm bài của thí sinh thì CBCT tiếp tục cho thí làm bài thi (những phần bài làm của thí sinh đã làm trước khi mất điện sẽ tự động lưu lại);

c)  Nếu thời gian khắc phục sự cố mất điện quá 10% tổng thời gian làm bài thi hoặc không thể khắc phục được thì CBCT báo cáo với Trưởng điểm thi để lập biên bản ghi nhận và báo cáo Lãnh đạo Hội đồng thi xử lý.

2. Sự cố mạng trong quá trình thi: Khi có sự cố mất kết nối mạng trong quá trình thi, CBCT vẫn tiếp tục cho thí sinh làm bài thi bình thường. Trường hợp sự cố không thể khắc phục trước khi hết thời gian làm bài thi, CBCT báo cáo với Trưởng điểm thi để lập biên bản ghi nhận và báo cáo Lãnh đạo Hội đồng thi xử lý.

3. Sự cố máy tính, sự cố liên quan đến phần mềm:

-  Khi có sự cố trước khi làm bài thi, CBCT chuyển thí sinh sang máy vi tính dự phòng ở trong phòng thi. Trường hợp phòng thi hết máy dự phòng, CBCT báo Trưởng điểm thi để chuyển thí sinh sang phòng thi khác còn máy dự phòng;

-  Khi có sự cố xảy ra trong quá trình thí sinh đang làm bài thi, CBCT chuyển thí sinh sang máy dự phòng. Thí sinh sử dụng mã dự thi được cấp để đăng nhập, CBCT nhập mã đổi thiết bị để thí sinh tiếp tục làm bài thi (những phần bài làm của thí sinh đã hoàn thành sẽ tự động lưu lại).

4. Trong các trường hợp sự cố kỹ thuật khác, Trưởng Điểm thi ghi nhận và báo cáo Lãnh đạo Hội đồng thi để xử lý.

Chấm thi và công bố kết quả thi

1. Bài thi của thí sinh được chấm tự động bằng phần mềm. Kết quả thi được lưu trữ trên máy chủ. Ban Thư ký Hội đồng thi tiến hành chuyển dữ liệu kết quả thi vào thiết bị lưu trữ (CD, DVD, USB, ổ cứng di động) và niêm phong dưới sự chứng kiến của thanh tra và lãnh đạo Hội đồng thi, bàn giao 01 bản do Chủ tịch Hội đồng thi giữ, 01 bản do Giám đốc ĐHBK Hà Nội giữ.

2. Giám đốc ĐHBK Hà Nội quyết định việc công bố kết quả thi sau khi tất cả các đợt thi được tổ chức, hoặc sau mỗi đợt thi.

3. Không tổ chức phúc khảo bài thi.

4. Lập sổ điểm đợt thi

a) Nội dung các thông tin trong sổ điểm của đợt thi bao gồm: thông tin đợt thi, danh mục tài liệu, thông tin người lập sổ điểm, người kiểm tra và phần ký đóng dấu phê duyệt của Chủ tịch Hội đồng thi, danh sách các thí sinh vi phạm kỷ luật phòng thi, danh sách thí sinh chuyển đợt thi hoặc xử lý khác, các bản danh sách kết quả thi của phòng thi. Các biên bản ghi nhận hoặc xử lý tình huống trong quá trình thi được lập thành phụ lục kèm theo sổ điểm của đợt thi;

b) Hình thức của sổ điểm: bản in và bản mềm.

5. Tra cứu kết quả thi

a) Thí sinh sử dụng tài khoản thi đã được cấp để tra cứu kết quả thi trực tuyến;

b) Các đơn vị sử dụng kết quả thi sẽ được ĐHBK Hà Nội cung cấp dữ liệu kết quả thi của thí sinh dựa trên danh sách yêu cầu.

Cấp chứng nhận kết quả thi

1. Giám đốc ĐHBK Hà Nội ban hành mẫu giấy chứng nhận kết quả thi. Nội dung giấy chứng nhận kết quả thi gồm các thông tin: họ tên, ngày sinh, giới tính, số CCCD, số báo danh, thời gian thi, mã thí sinh dự thi, điểm bài thi, thời hạn và các thông tin cần thiết khác (nếu cần).

2. Chủ tịch Hội đồng thi ký giấy chứng nhận kết quả thi.

3. Mỗi thí sinh được cấp miễn phí 01 giấy chứng nhận kết quả thi. Từ bản thứ hai, thí sinh nộp lệ phí theo quy định của ĐHBK Hà Nội.

Xử lý vi phạm quy chế thi đánh giá tư duy

1. Nơi tiếp nhận thông tin, bằng chứng về vi phạm Quy chế thi:

a) Ban Chỉ đạo thi, Hội đồng thi;

b) Ban Thanh tra nhân dân, Ban Thanh tra, Pháp chế và Kiểm toán nội bộ.

2. Đơn vị, cá nhân tiếp nhận thông tin, bằng chứng vi phạm Quy chế thi có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý và công bố công khai kết quả xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm Quy chế thi.

3. Xử lý cán bộ tham gia tổ chức thi và các cá nhân liên quan khác

a) Người tham gia tổ chức thi là cán bộ viên chức có hành vi vi phạm quy chế thi (bị phát hiện trong kỳ thi hoặc sau kỳ thi) sẽ bị đình chỉ làm công tác thi và bị đề nghị xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:

- Khiển trách đối với những người có hành vi để cho thí sinh quay cóp; mang tài liệu và vật dụng trái phép vào phòng thi được quy định tại Điều 15 Quy chế này;

- Tuỳ theo mức độ vi phạm có thể bị hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức, cảnh cáo đối với những người có hành vi trực tiếp giải bài thi hoặc hướng dẫn giải bài thi cho thí sinh trong thời gian thi;

- Buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có một trong các hành vi vi phạm bao gồm: Làm lộ đề thi, hoặc một phần của đề thi dưới mọi hình thức; Gian dối trong việc sửa chữa hồ sơ của thí sinh.

b) Cán bộ viên chức không tham gia tổ chức thi nhưng có các hành vi vi phạm sau: thi thay, đưa thông tin sai lệch gây ảnh hưởng xấu đến kỳ thi, gây rối làm mất trật tự tại khu vực thi sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị đề nghị xử lý kỷ luật.

c) Các hình thức xử lý vi phạm quy định tại điểm a, điểm b của khoản 3 Điều này do Giám đốc ĐHBK Hà Nội quyết định đối với cán bộ, viên chức của ĐHBK Hà Nội và đề xuất xử lý kỷ luật đối với cán bộ, viên chức của đơn vị phối hợp tổ chức thi. Ngoài các hình thức xử lý nêu trên, người vi phạm có thể bị cấm đảm nhiệm những công việc có liên quan đến thi ĐGTD từ 01 đến 05 năm.

4. Xử lý thí sinh vi phạm Quy chế thi

Mọi thí sinh vi phạm quy chế đều bị lập biên bản, xử lý kỷ luật và thông báo cho thí sinh. Các hình thức xử lý thí sinh vi phạm Quy chế thi gồm:

a) Khiển trách đối với những thí sinh phạm lỗi quá một lần: nhìn bài hoặc trao đổi bài với thí sinh khác, thoát khỏi màn hình giao diện phần mềm thi, thoát khỏi tài khoản thi.

Hình thức kỷ luật khiển trách do CBCT quyết định tại biên bản được lập, kèm theo tang vật (nếu có).

b) Cảnh cáo, lập biên bản đối với thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây:

- Đã bị khiển trách một lần nhưng trong giờ thi đó vẫn tiếp tục vi phạm Quy chế thi ở mức khiển trách;

- Trao đổi giấy nháp với thí sinh khác;

Hình thức kỷ luật cảnh cáo do CBCT quyết định tại biên bản được lập, kèm theo chứng cứ (nếu có).

c) Đình chỉ thi đối với các thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây:

- Đã bị cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi đó vẫn tiếp tục vi phạm Quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo;

- Mang tài liệu, vật dụng trái phép theo quy định tại Điều 15 của Quy chế này vào phòng thi;

- Đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi dưới mọi hình thức, trao đổi phiếu tài khoản với thí sinh khác;

- Có hành vi gây gổ, đe dọa cán bộ có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác.

CBCT trong phòng thi lập biên bản, thu tang vật (nếu có) và báo cáo cán bộ giám sát.

Cán bộ giám sát báo cáo Trưởng Điểm thi quyết định hình thức đình chỉ thi.

Thí sinh bị đình chỉ phải nộp giấy nháp, phiếu tài khoản cho CBCT và ra khỏi phòng thi ngay sau khi có quyết định và chỉ được ra khỏi khu vực thi sau khi kết thúc thời gian làm bài thi của buổi thi.

d) Trừ điểm bài thi

- Thí sinh bị khiển trách sẽ bị trừ 25% tổng số điểm bài thi;

- Thí sinh bị cảnh cáo trong khi thi sẽ bị trừ 50% tổng số điểm bài thi;

đ) Hủy bỏ kết quả bài thi đối với những thí sinh:

- Bị đình chỉ thi;

- Để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức.

e) Bị cấm tham dự các kỳ thi đánh giá tư duy trong 02 năm tiếp theo đối với những người vi phạm một trong các lỗi sau:

- Để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức;

- Trong giờ thi có hành vi chuyển đề thi ra ngoài phòng thi, khu vực thi;

- Có hành động gây rối, phá hoại kỳ thi; hành hung người tổ chức thi hoặc thí sinh khác.

g) Đối với các trường hợp vi phạm khác, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành.

h)  Dữ liệu từ camera giám sát (nếu có) là một trong các căn cứ chính thức để xem xét xử lý các vi phạm Quy chế thi.

Theo TTHN

  • Kỳ thi V-SAT không phải là bài thi của Bộ GD

    Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa khẳng định không có chủ trương giao Trung tâm Khảo thí quốc gia và đánh giá chất lượng giáo dục xây dựng bài thi V-SAT để các trường sử dụng chung trong công tác tuyển sinh đại học.

  • Trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) trở thành Đại học

    Ngày 15/11, NEU - trường Đại học Kinh tế quốc dân đã chính thức thành Đại học. Là 1 trong 9 Đại học trên cả nước.

  • Lịch nghỉ tết Nguyên đán 2025 - Tất cả các trường Đại học

    Lịch nghỉ tết nguyên đán Ất Tỵ 2025 của các trường Đại học đã và đang được công bố đến sinh viên. Dưới đây là lịch nghỉ tết âm lịch 2025 dành cho sinh viên của các trường Đại học phía Bắc và phía Nam.

  • Đánh giá năng lực 2025 thi mấy môn?

    Thi đánh giá năng lực 2025 là thi môn gì, gồm mấy môn, đánh giá năng lực thi những môn nào là thắc mắc của rất nhiều bạn học sinh 2K7 - lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Các em tham khảo ngay dưới đây để có định hướng học và ôn tập nhé.