Đại học Luật tuyển nghiên cứu sinh năm 2015

Trường Đại học Luật Hà Nội thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ luật học năm 2015 (niên khoá 2015 - 2019) cho các trường đại học, cao đẳng trong khuôn khổ Đề án 911 của Bộ Giáo dục và Đào tạo với các nội dung cụ thể như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG TUYỂN SINH

1. Giảng viên biên chế, giảng viên hợp đồng làm việc xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn của các đại học, học viện có đào tạo đại học, trường đại học, cao đẳng (sau đây gọi chung là trường).

 2. Người có nguyện vọng và cam kết trở thành giảng viên tại các trường bao gồm:

a) Người mới tốt nghiệp đại học hoặc thạc sĩ (trong vòng 12 tháng tính đến ngày dự tuyển);

b) Nghiên cứu viên đang làm việc tại các Viện nghiên cứu khoa học;

c) Những người có năng lực và chuyên môn giỏi đang làm việc tại các đơn vị ngoài nhà trường.

II. CÁC CHUYÊN NGÀNH ĐÀO TẠO CHỈ TIÊU TUYỂN SINH

1. Chuyên ngành đào tạo theo Đề án 911:

a) Luật Hình sự và tố tụng hình sự

 

b) Tội phạm học và phòng ngừa TP

 

c) Luật Kinh tế                                                  

 

2. Chỉ tiêu đào tạo của mỗi chuyên ngành:

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh đợt 1/2015 cho 3 chuyên ngành: 06 chỉ tiêu

Chỉ tiêu cụ thể cho các chuyên ngành như sau:

1. Luật Hình sự và tố tụng hình sự: 2

 

2. Tội phạm học và phòng ngừa TP: 1

 

3. Luật Kinh tế: 3                                                    

 

(Chuyên ngành nào không đủ thí sinh dự thi hoặc không đủ thí sinh trúng tuyển thì chỉ tiêu còn lại sẽ được chuyển cho chuyên ngành khác có số thí sinh đạt yêu cầu xét trúng tuyển cao hơn so với chỉ tiêu được phân bổ).

III. KẾ HOẠCH TUYỂN SINH

1. Phát hành hồ sơ dự tuyển: Từ ngày 21/01/2015 đến ngày 18/03/2015

2. Thu nhận hồ sơ dự tuyển: Từ ngày 19/03/2015 đến ngày 23/03/2015

3. Thời gian xét tuyển: Từ ngày 20/04/2015 đến ngày 23/04/2015

4. Thông báo kết quả xét tuyển: Từ ngày 04/05/2015 đến ngày 05/05/2015

5. Thông báo trúng tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển: Ngày 08/05/2015

6. Nhập học: Dự kiến từ ngày 14 đến ngày 17/05/2015.

IV. ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN NGHIÊN CỨU SINH

Người dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ phải thuộc đối tượng nêu tại Mục I của Thông báo này và đáp ứng được những điều kiện sau:

1. Có một trong các văn bằng sau đây:

a) Bằng thạc sĩ luật học đúng chuyên ngành đăng ký dự tuyển (đối với đối tượng là giảng viên biên chế, giảng viên hợp đồng làm việc xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn của các đại học, học viện có đào tạo đại học, trường đại học, cao đẳng).

b) Bằng tốt nghiệp thạc sĩ hoặc bằng tốt nghiệp đại học chính quy đạt loại giỏi (đối với đối tượng là người có nguyện vọng và cam kết trở thành giảng viên tại các trường).

Trường hợp thí sinh có bằng thạc sĩ luật học khác chuyên ngành đăng ký dự tuyển thì sau khi trúng tuyển, thí sinh phải học bổ sung kiến thức chuyên ngành ở trình độ thạc sĩ của chuyên ngành đã trúng tuyển.

2. Có một bài luận về dự định nghiên cứu, trong đó trình bày rõ ràng đề tài hoặc lĩnh vực nghiên cứu, lý do lựa chọn lĩnh vực nghiên cứu, mục tiêu và mong muốn đạt được, lý do lựa chọn cơ sở đào tạo; kế hoạch thực hiện trong từng thời kỳ của thời gian đào tạo; những kinh nghiệm, kiến thức, sự hiểu biết cũng như những chuẩn bị của thí sinh trong vấn đề hay lĩnh vực dự định nghiên cứu; dự kiến việc làm sau khi tốt nghiệp; đề xuất người hướng dẫn.

3. Có hai thư giới thiệu của hai nhà khoa học có chức danh khoa học như giáo sư, phó giáo sư hoặc học vị tiến sĩ cùng chuyên ngành; hoặc một thư giới thiệu của một nhà khoa học có chức danh khoa học hoặc học vị tiến sĩ cùng chuyên ngành và một thư giới thiệu của thủ trưởng đơn vị công tác của thí sinh. Những người giới thiệu này cần có ít nhất 6 tháng công tác hoặc cùng hoạt động chuyên môn với thí sinh. Thư giới thiệu phải có những nhận xét, đánh giá về năng lực và phẩm chất của người dự tuyển, cụ thể là:

a) Phẩm chất đạo đức, đặc biệt đạo đức nghề nghiệp;

b) Năng lực hoạt động chuyên môn;

c) Phương pháp làm việc;

d) Khả năng nghiên cứu;

đ) Khả năng làm việc theo nhóm;

e) Điểm mạnh và yếu của người dự tuyển;

g) Triển vọng phát triển về chuyên môn;

h) Những nhận xét khác và mức độ ủng hộ, giới thiệu thí sinh làm nghiên cứu sinh.

4. Có một trong các chứng chỉ hoặc văn bằng ngoại ngữ sau đây:

a) Chứng chỉ trình độ ngoại ngữ tương đương cấp độ B1 hoặc bậc 3/6 trở lên theo Khung tham khảo Châu Âu chung về ngoại ngữ (tiếng Anh: B1, IELTS 4.5, TOEFL 450 PBT, TOEFL 133 CBT, TOEFL 45 iBT, TOEIC 450, Cambridge Exam Preliminary PET, BEC Business Preliminary, BULATS 40; tiếng Nga: TRKI 1; tiếng Pháp: DELF B1 TCF niveau 3; tiếng Đức: B1 ZD; tiếng Trung: HSK cấp độ 3; tiếng Nhật: JLPT N4). Các chứng chỉ này có giá trị trong thời hạn 2 năm tính đến ngày dự tuyển nghiên cứu sinh, do một trung tâm khảo thí quốc tế có thẩm quyền hoặc một trường đại học trong nước được đào tạo cử nhân ngành ngoại ngữ cấp theo khung năng lực tương đương cấp độ B1 quy định tại Phụ lục IIIa, với dạng thức và yêu cầu đề kiểm tra ngoại ngữ quy định tại Phụ lục IIIb (ban hành theo Thông tư số 05/2012/TT-BGDĐT ngày 15/02/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tham khảo Phụ lục 1 đính kèm thông báo này);

b) Bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng thạc sĩ được đào tạo ở nước ngoài (kèm theo văn bản xác nhận văn bằng của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo); 

c) Bằng tốt nghiệp đại học ngành ngoại ngữ.

Trong quá trình đào tạo, nghiên cứu sinh phải tự nâng cao trình độ ngoại ngữ để có thể nghiên cứu, học tập trong và ngoài nước, tham gia hội nghị, hội thảo quốc tế; công bố quốc tế các kết quả nghiên cứu (nếu có nguyện vọng).

5. Được trường ĐHCĐ hoặc viện nghiên cứu mà thí sinh đang công tác đồng ý, có công văn cử đi đào tạo trình độ tiến sĩ (đối với đối tượng quy định tại Mục I.1 của Thông báo này) hoặc có công văn cử đi dự tuyển của trường nơi ký hợp đồng cam kết tuyển dụng làm giảng viên sau khi được công nhận học vị tiến sĩ (đối với đối tượng quy định tại Mục I.2 của Thông báo này).

6. Cam kết thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với quá trình đào tạo theo quy định của Trường Đại học Luật Hà Nội (đóng học phí; hoàn trả kinh phí với nơi đã cấp cho quá trình đào tạo nếu không hoàn thành luận án tiến sĩ).

7. Không quá 45 tuổi (tính đến thời điểm đăng ký dự tuyển).

V. THỜI GIAN ĐÀO TẠO

1. Đối với người có bằng thạc sĩ luật học, thời gian đào tạo là 4 năm, trong đó có 12 tháng tập trung liên tục tại Trường để thực hiện nhiệm vụ học tập, nghiên cứu.

2. Đối với người có bằng cử nhân luật, thời gian đào tạo là 4 năm tập trung liên tục.

VI. CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI NGHIÊN CỨU SINH

Ngoài việc đóng học phí theo quy định hiện hành của cơ sở đào tạo, nghiên cứu sinh đào tạo theo Đề án 911 được Nhà nước hỗ trợ chi phí đào tạo, nghiên cứu theo yêu cầu của đề tài; chi phí đi thực tập ngắn hạn, tham dự các hội nghị, hội thảo ở nước ngoài, chi phí đăng kết quả nghiên cứu, in ấn, tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ trong thời gian đào tạo.

VII. HỒ SƠ DỰ TUYỂN NGHIÊN CỨU SINH

Hồ sơ đăng ký dự tuyển nghiên cứu sinh theo Đề án 911 gồm:

1. Phiếu đăng ký dự tuyển nghiên cứu sinh ( mẫu trong Hồ sơ dự tuyển);

2. Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan cử đi học hoặc của chính quyền địa phương nơi thí sinh cư trú, đối với đối tượng 3 (mẫu trong Hồ sơ dự tuyển);

3. Công văn cử đi học của trường ĐHCĐ, viện nghiên cứu hoặc giấy tiếp nhận sau khi tốt nghiệp của một trường ĐHCĐ;

4. Giấy chứng nhận của bệnh viện đa khoa về việc thí sinh có đủ sức khoẻ để học tập;

5. Các văn bằng chứng chỉ sau:

- Bằng tốt nghiệp đại học và bảng điểm đại học (2 bản sao có chứng thực và 5 bản photo);

- Bằng thạc sĩ và bảng điểm thạc sĩ (2 bản sao có chứng thực và 5 bản photo);

- Văn bằng, chứng chỉ chứng minh trình độ ngoại ngữ của người dự tuyển nghiên cứu sinh (1 bản chính, 2 bản sao có chứng thực và 5 bản photo).

6. Sáu (06) bản Bài luận về dự định nghiên cứu  (theo mẫu trong Hồ sơ dự tuyển, đóng quyển bìa mềm);

7. Hai (02) thư giới thiệu (nội dung theo mục 3 của Điều kiện dự tuyển, có xác nhận chữ ký của người giới thiệu) và năm (05) bản photo của hai thư đó;

8. Sáu (06) bản Danh mục các công trình khoa học đã được công bố (nếu có, đóng quyển bìa mềm), kèm theo các tài liệu minh chứng sau đây:

- Đối với bài báo: Bản photocopy trang bìa, trang mục lục Tạp chí có tên bài báo, tên tác giả và toàn bộ các trang nội dung của bài báo;

- Đối với giáo trình: Bản photocopy trang bìa, trang phụ bìa có tên chủ biên, tên tác giả, trang mục lục giáo trình và toàn bộ các trang giáo trình do tác giả viết;

- Đối với các đề tài khoa học: Bản photocopy trang bìa, trang phụ bìa có tên chủ nhiệm đề tài, danh sách các thành viên tham gia viết chuyên đề, trang mục lục, toàn bộ các trang nội dung chuyên đề do tác giả viết và biên bản nghiệm thu đề tài khoa học có tác giả là người tham gia viết chuyên đề. 

- Đối với bài tham luận Hội thảo khoa học: Bản photocopy trang bìa Kỷ yếu Hội thảo, trang mục lục có tên bài tham luận và tên tác giả, toàn văn bài tham luận tại Hội thảo, văn bản xác nhận của đơn vị quản lý khoa học đã tổ chức Hội thảo.

9. Hai (02) phong bì có dán tem, ghi rõ họ tên và địa chỉ của người nhận (người dự tuyển);

10. Hai (02) ảnh cỡ 4cm x 6cm(sau ảnh ghi họ tên và ngày sinh của người dự tuyển);

(Thí sinh không trúng tuyển, không được trả lại hồ sơ).

VIII. DANH MỤC CÁC HƯỚNG NGHIÊN CỨU, ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU

          Xem Phụ lục đính kèm Thông báo này.

IX

. LỆ PHÍ TUYỂN SINH

1. Lệ phí xét duyệt hồ sơ:   60.000 đồng/hồ sơ

2. Lệ phí xét tuyển:             200.000 đồng/thí sinh

Chi tiết xin xem trên Website  http://www.hlu.edu.vn hoặc liên hệ theo địa chỉ: Khoa Sau đại học, Trường Đại học Luật Hà Nội, số 87 đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội. Điện thoại: 3 8352 354; 3 773 8327; 3 7730 302.

Theo thethaohangngay