|
|
Trên diễn đàn của một trang mạng, một độc giả có tên Tân Lê nhận xét đề văn “nhập vai nhân vật Cám” là khó cho HS quá. “Tôi thực tình không hiểu gợi ý của các thầy cô như thế nào nhưng đã vô tình tạo cho các em suy nghĩ và thể hiện ra cái xấu. Tôi mong rằng nhà trường và các thầy cô nên suy nghĩ thật kỹ trước khi ra đề bài để tránh cho HS suy nghĩ và viết nên những câu văn trên”, độc giả này viết. Bà Nguyễn Như Hương, nguyên GV văn Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội) cho rằng: “Từ khi đổi mới chương trình, sách giáo khoa, ngành
GD-ĐT khuyến khích GV ra đề theo hướng mở, phát huy tính sáng tạo của HS. Tuy nhiên không ít thầy cô giáo ra đề “hơi quá đà”, không rõ mục đích giáo dục là gì, thậm chí còn kích động những suy nghĩ phản giáo dục trong HS. Đề văn nhập vai Cám là một ví dụ”.
Không thể phủ nhận có những đề mở đã giúp ra đời những bài văn chạm tới trái tim của người đọc. Bài văn về đồng tiền, gây xúc động mạnh cho bạn đọc cũng xuất phát từ một đề văn mở của cô giáo Đặng Thị Nguyệt Anh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. GV này vốn nổi tiếng vì những đề văn thực sự sáng tạo, bất ngờ như: Tại sao lại không?, Điều em muốn nói với cô, Người ấy đối với tôi…
GS Đỗ Ngọc Thống, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng cho rằng: “Cần khuyến khích những suy nghĩ sáng tạo, mới lạ. Dạy học làm văn trong nhà trường càng phải như thế”. Tuy nhiên, ông Thống cũng cảnh báo: “Dù mới mẻ, khác lạ, mở đến đâu vẫn phải đảm bảo tính chính xác, khoa học, thẩm mỹ và yêu cầu giáo dục tư tưởng cho thế hệ trẻ”.
Cần sự tương tác giữa thầy trò trong chấm văn
GV trong bài văn “canh gà Thọ Xương” đã được giải oan rằng không phải cô giảng cho HS đó là một “món canh” khiến nhiều HS làm bài sai như dư luận lên án trước đó. Tuy nhiên, GV này thừa nhận đã có sai sót về nghiệp vụ trong quá trình chấm bài khi không gạch chân chỗ sai và giải thích cho HS hiểu mình sai ở chỗ nào. Hơn nữa, lại cho HS tới 8 điểm với những lời phê tích cực.
Một phụ huynh có con học lớp 12 tâm sự: “Điều tôi thấy buồn nhất là nhìn vào bài làm văn của con, cô chỉ cho điểm, không kèm một lời phê, và nếu có lời phê cũng rất lạnh lùng, vô cảm. Chấm văn như thế thì làm sao các con tiến bộ được?”.
Thực tế đề ra theo hướng mở, GV sẽ rất vất vả ở khâu chấm thi. Cô Như Hương nói: “Nếu đề ra theo kiểu bám sát chương trình, sách giáo khoa, chỉ cần đọc qua là biết ngay HS dùng tài liệu nào, sau đó “đo gang, chấm ý” rất nhanh. Còn bây giờ, là những tâm sự riêng, hoàn cảnh riêng của học trò nên các thầy cô không chấm theo kiểu đó được”.
Cô Nguyệt Anh tâm sự: “Ra đề theo hướng mở là chấp nhận các em có quyền phát biểu quan điểm, suy nghĩ. Khi đó, trách nhiệm của GV không chỉ dừng lại ở việc ra đề, chấm bài nữa. Những lời phê của GV giống như lời trò chuyện, trao đổi và tranh luận với HS để các em hiểu nên chọn giải pháp nào tốt nhất có thể chứ không phải để áp đặt chủ quan của GV”.
Trong hồi ký của mình, cố GS - nhà giáo Dương Thiệu Tống kể ấn tượng về một người thầy đi chấm thi. Người ấy chỉ chấm 5 bài, rồi nghỉ ngơi cho thanh thản đầu óc, sau đó lại chấm tiếp chỉ vì sợ mình sai sót làm mất điểm học trò.
Tranh cãi về đáp án Cách đây 2 tuần, trong đề thi kiểm tra môn ngữ văn của khối 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) có câu hỏi: “Trình bày khái niệm luật thơ? Nêu tên các thể thơ truyền thống của dân tộc?”. Sau khi học sinh làm bài xong, đến phần chấm điểm thì diễn ra tranh cãi giữa các thầy cô bộ môn của trường này. Chiều 12.10, tiếp xúc với PV Thanh Niên, ông Phan Ngọc Lư, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Hội đồng GV dạy văn nhất trí đưa ra đáp án là các thể thơ truyền thống của dân tộc gồm: lục bát, song thất lục bát. Riêng phần mở rộng thì lại chia ra 2 hướng khác nhau. Một bên cho rằng đáp án đúng phải có thêm “hát nói”. Ý kiến còn lại thì cho rằng phần thêm là các thể thơ đường luật (thất ngôn đường luật, ngũ ngôn…)”. Ông Phan Quang Vinh, Hiệu trưởng khẳng định: “Sau khi tổ chuyên môn trao đổi, bàn luận và đưa ra kết quả đúng nhất, nếu phần sai thuộc về GV nào trong quá trình dạy thì GV đó phải chịu trách nhiệm đính chính trước HS. Đồng thời nhà trường sẽ có những điều chỉnh và bảo vệ quyền lợi cho HS trong bài kiểm tra”. Việc không thống nhất đáp án đã làm HS và cả phụ huynh hoang mang. Theo PGS-TS Đoàn Lê Giang, Trưởng khoa Văn học và ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, các thể thơ truyền thống của dân tộc gồm: lục bát, song thất lục bát, thất ngôn xen lục ngôn, hát nói. Lê An - M.Luân |
Tuệ Nguyễn