Địa phương học trực tuyến sẽ kiểm tra đánh giá như thế nào?

Do ảnh hưởng của dịch Covid, nhiều địa phương trên cả nước phải tổ chức dạy và học theo hình thức trực tuyến, vậy việc kiểm tra, đánh giá học sinh sẽ như thế nào?

Trong điều kiện dịch bệnh, Bộ GD-ĐT cho phép người đứng đầu cơ sở GD quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định của Bộ, bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực.

Tại những tỉnh, thành phố dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp như TP.HCM cũng đã dự kiến học sinh có thể phải học online hết học kỳ 1. Trong điều kiện học trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn, vấn đề kiểm tra đánh giá học sinh ra sao được nhiều phụ huynh và nhà trường quan tâm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cho biết, trong Thông tư 22 do Bộ mới ban hành gần đây để áp dụng cho chương trình mới, có 4 bài kiểm tra định kỳ trong năm, trong đó 2 bài cho một học kỳ là bài giữa kỳ và cuối kỳ. Hình thức kiểm tra có thể là trên giấy hoặc máy tính.

Với bài kiểm tra trên máy tính nhà trường xây dựng ma trận đề thi để ra đảm bảo đề thi khách quan minh bạch, trung trực, đánh giá đúng năng lực học sinh. Trong trường hợp nếu có kết quả bất thường, nếu học bình thường nhưng kết quả thi rất cao hoặc học tốt nhưng kết quả thấp do đường truyền kém, có vấn đề về kỹ thuật thì nhà trường có thể kiểm tra đánh giá lại. Quan trọng nhất là các nhà trường ra đề làm sao đảm bảo được minh bạch.

Ngoài ra, việc kiểm tra đánh giá định kỳ có thể thực hiện qua bài thực hành hoặc dự án học tập, khi đó học sinh có thể thực hiện tại nhà. Nhưng điều quan trọng nhất là quá trình báo cáo và trình bày báo cáo của học sinh và hỏi đáp của thầy cô, qua đó có thể đánh giá được chất lượng học tập của các em.

"Đó chính là tinh thần của đánh giá vì sự phát triển năng lực của học sinh. Tuỳ theo môn học và đặc thù của môn học, các nhà trường có thể áp dụng các hình thức như vậy để vừa phù hợp với môn học, vừa phù hợp với tinh thần dạy học trực tuyến. Điều quan trọng ở đây không phải học sinh được bao nhiêu điểm mà là qua đây thúc đẩy được việc dạy học và giúp học sinh tiến bộ cả về năng lực và phẩm chất, đặc biệt là phẩm chất trung thực.

Nhiều người còn lo ngại việc học sinh làm bài kiểm tra ở nhà, làm sao để khách quan không gian lận. Câu trả lời của tôi là bố mẹ phải nhìn thấy tương lai của con, nếu không trung thực trong kiểm tra đánh giá thì vô hình trung sẽ lợi bất cập hại cho chính các con. Chúng tôi rất muốn nhắn nhủ tới các bậc cha mẹ học sinh về điều này", ông Thành nói.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, trong Thông tư 09 về Quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến, Bộ GD-ĐT cũng đã quy định rất rõ trong trường hợp học sinh không thể đến cơ sở giáo dục tại thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ vì lý do bất khả kháng, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Bộ GD-ĐT cho phép người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định của Bộ GD-ĐT, bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết thêm, đối với các kỳ thi lớn như thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp vẫn sẽ thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT. Tinh thần là từng bước đổi mới đề thi sao cho không phải đề thi kiểm tra kiến thức mà là đề thi đánh giá phẩm chất, năng lực của người học. Nếu kiểm tra kiến thức thì chỉ sử dụng kiến thức đó làm bài tập, còn đánh giá năng lực là sử dụng kiến thức đó để giải quyết những vấn đề đó trong thực tiễn.

Theo Báo VOV