Giữ thi tốt nghiệp THPT bỏ thi đại học theo nước Mỹ?

Ngày càng nhiều tiểu bang ở Mỹ áp dụng chính sách thi tốt nghiệp bắt buộc và ở Việt Nam cũng giữ thi tốt nghiệp THPT và bỏ thi Đại học liệu có phải theo nước Mỹ?

Sau một thời gian dài chuẩn bị, đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo" đã được thông qua tại Hội nghị Trung ương VIII vừa qua. Một trong những nội dung đáng chú ý là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) sẽ được đổi mới theo hướng kiểm tra năng lực, và kết quả của nó sẽ được sử dụng như một trong những căn cứ để tuyển sinh, thay thế cho kỳ thi đại học hiện nay. Việc lựa chọn giải pháp thi cử này đang tạo nên nhiều luồng ý kiến trong xã hội...

Giữ kỳ thi tốt nghiệp, bỏ kỳ thi đại học 

Thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, quá trình chuẩn bị nội dung Đề án đã làm dấy lên một cuộc tranh luận nóng bỏng về kỳ thi này. Lựa chọn của đa số dường như thiên về việc nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp và giữ lại kỳ thi tuyển sinh đại học. Tỷ lệ đậu kỳ thi tốt nghiệp THPT trong những năm gần đây đều cao hơn 90%, khiến nhiều người nghi ngờ vào chất lượng của kỳ thi này, và cho rằng đây là một kỳ thi quá tốn kém mà chỉ nhằm để loại chỉ vài phần trăm thí sinh. Thay vào đó, có thể xem xét cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho toàn bộ học sinh sau khi học hết lớp 12, nhằm giảm áp lực để các em tập trung vào một kỳ thi quan trọng khác là kỳ thi đại học. 

Thật ra, những ý kiến lâu nay của dư luận chung quanh các kỳ thi phản ánh rất rõ cách hiểu còn hạn chế của nhiều người về mục đích của thi cử. Hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học có mục đích hoàn toàn khác nhau. Kỳ thi tốt nghiệp nhằm đánh dấu sự hoàn tất một giai đoạn học tập kéo dài 12 năm của một học sinh, thời gian quan trọng nhất trong việc hình thành nhân cách và phát triển trí tuệ của người học, để chuẩn bị cho giai đoạn đào tạo chuyên nghiệp, hoặc bước vào thế giới việc làm. Vì vậy, tỷ lệ đậu càng cao thì càng đáng mừng. Tất nhiên, mọi cuộc thi đều phải được tổ chức nghiêm túc, khách quan, và đánh giá được những năng lực cần đánh giá. 

Mục tiêu quan trọng nhất của kỳ thi tốt nghiệp là cung cấp thông tin phản hồi cho các bên liên quan: cho giáo viên và nhà trường về hiệu quả của quá trình dạy và học trước đó; và cho các nhà chính sách để giám sát và điều chỉnh mục tiêu giáo dục sao cho phù hợp với yêu cầu của đất nước trong từng giai đoạn. Nói vắn tắt, đây là kỳ thi quan trọng nhất của giai đoạn giáo dục phổ thông, là công cụ hữu hiệu để quản lý và thúc đẩy chất lượng giáo dục. 

Sẽ có nhiều đổi mới trong tuyển sinh đại học theo hướng giảm áp lực.

Kỳ thi tốt nghiệp và chất lượng giáo dục phổ thông 

Để hiểu rõ tầm quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPT đối với chất lượng của một nền giáo dục, có thể tham khảo trường hợp Mỹ. Tại đất nước có nền giáo dục tự do và phân quyền rất cao này, giáo dục phổ thông do chính quyền tiểu bang quản lý. Việc tổ chức hay không tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng do từng tiểu bang quyết định, và trước khi đạo luật "No Child Left Behind" (tạm dịch: Không bỏ sót một đứa trẻ nào) ra đời vào năm 2001 thì hầu như mọi tiểu bang của Mỹ đều không yêu cầu học sinh tham gia một kỳ thi, mà cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho tất cả học sinh đã hoàn tất chương trình lớp 12. 

Với sự ra đời của đạo luật "No Child Left Behind", một đạo luật nhằm cải cách và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông của nước Mỹ để xứng đáng với vai trò của một cường quốc hàng đầu thế giới, trong vòng hơn một thập niên trở lại đây ngày càng có nhiều tiểu bang yêu cầu học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp bắt buộc do chính phủ tiểu bang tổ chức. 

Vì sao một nước có truyền thống phi tập trung hóa và quan điểm nhất quán rằng nhà nước không can thiệp sâu vào những công việc chuyên môn, giờ đây lại cảm thấy cần tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT? Câu trả lời rất đơn giản: Kỳ thi tốt nghiệp là một công cụ chính sách mà các nhà lãnh đạo có thể sử dụng để thúc đẩy quá trình cải cách giáo dục tại một địa phương. 

Nước Mỹ thi tốt nghiệp THPT như thế nào? 

Mặc dù kỳ thi tốt nghiệp THPT được xem là một kỳ thi quan trọng nhất của giai đoạn giáo dục phổ thông, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc nó phải là một kỳ thi căng thẳng. Ngược lại, do bản chất là một kỳ thi đánh giá năng lực tiêu biểu chứ không phải là một kỳ thi cạnh tranh, kỳ thi tốt nghiệp phải được tổ chức để không tạo áp lực cho người học. 

Theo báo cáo năm 2012 của Trung tâm Nghiên cứu chính sách giáo dục (Center for Educational Policy, viết tắt là CEP) thuộc Đại học Gioóc-giơ Oa-sinh-tơn, kỳ thi tốt nghiệp THPT ở Mỹ khá nhẹ nhàng; phần lớn các tiểu bang ra đề thi chỉ dựa trên nội dung của chương trình lớp 10; một số ít hơn dựa trên chương trình lớp 11, và chỉ có 1/26 tiểu bang dựa trên chương trình lớp 12. Số môn thi cũng không nhiều, chỉ thi ba hoặc bốn môn, thậm chí nhiều nơi chỉ tổ chức thi hai môn. Hai môn thi luôn được chọn là Toán và Tiếng Anh/Đọc hiểu (reading); những môn khác có thể xuất hiện trong các kỳ thi tốt nghiệp ở các bang gồm có môn Viết luận (writing), Khoa học (science), và Xã hội (social studies). 

Việc tích hợp các môn tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) thành môn Khoa học và các môn xã hội (lịch sử, địa lý, công dân,...) thành môn Xã hội cho phép ta đánh giá năng lực tư duy, sáng tạo và giải quyết vấn đề của học sinh, chứ không buộc học sinh phải nhồi nhét kiến thức vào đầu để trả bài thuộc lòng như một con vẹt. Theo báo cáo của CEP, tỷ lệ đạt tốt nghiệp ngay lần thi đầu tiên xét theo từng môn thi ở tất cả các tiểu bang có biên độ dao động khá lớn, khoảng từ 50% đến hơn 90%, trong đó phần lớn rơi vào khoảng 70-80%. Các thí sinh không đạt có thể thi lại trong đợt thi kế tiếp, hoặc cũng có thể chọn một cách khác để hoàn tất, thí dụ như nộp điểm của một kỳ thi khác như SAT, ACT, hoặc nếu thi mãi mà vẫn không đạt thì có thể nhận Chứng chỉ hoàn tất bậc trung học (không hoàn toàn tương đương với Bằng tốt nghiệp). 

Những thông tin về cách tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Mỹ cho thấy đây thật sự là một kỳ thi nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc và có giá trị, đánh giá được năng lực thật của người học, đồng thời cung cấp được những thông tin cần thiết cho giáo viên, cho nhà trường, và cho các nhà chính sách để cải thiện hệ thống theo những mục tiêu mong muốn. 

Với đề án "Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo" vừa được thông qua, chúng ta đã xác định được vấn đề cốt lõi cần quan tâm của giáo dục Việt Nam trong những năm tới. Học hỏi kinh nghiệm của các nước luôn là điều cần thiết để tránh cho chúng ta những sai lầm. 

Kỳ thi tốt nghiệp là một công cụ chính sách mà các nhà lãnh đạo có thể sử dụng để thúc đẩy quá trình cải cách giáo dục tại một địa phương. Vì vậy, ngày càng nhiều tiểu bang ở Mỹ áp dụng chính sách thi tốt nghiệp bắt buộc. 

Theo Báo Nhân Dân

NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247!

Nếu em đang: 

  • Mong muốn bứt phá điểm số học tập nhanh chóng
  • Tìm kiếm một lộ trình học tập để luyện thi: TN THPT, ĐGNL, ĐGTD, Vào lớp 10
  • Được học tập với Top giáo viên hàng đầu cả nước

Tuyensinh247 giúp em: 

  • Đạt mục tiêu điểm số chỉ sau 3 tháng học tập với Top giáo viên giỏi
  • Học tập với chi phí tiết kiệm, đầy đủ theo ba đầu sách
  • Luyện thi bám sát cấu trúc từng kì thi theo định hướng của BGD&ĐT

Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY



Tham Gia Group Dành Cho 2K14 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí