Hết hạn xác nhận nhập học 2022: Nhiều trường có 20-45% thí sinh ảo

17h ngày 30/9 là hạn cuối để thí sinh xác nhận nhập học trên cổng tuyển sinh của Bộ GD. Thống kê từ một số trường cho thấy: có 20-45% thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học.

Theo thông tin từ nhiều trường đại học, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học dao động từ 55 - 100% so với số trúng tuyển.

- Ở các trường đại học công lập: tỉ lệ xác nhận nhập học của thí sinh tương đối tốt.

Một số trường thành viên Đại học Quốc gia TP.HCM như Kinh tế - Luật, Khoa học xã hội và Nhân văn có tỉ lệ xác nhận nhập học đạt 100%.

Ông Cù Xuân Tiến, trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết tỉ lệ thí sinh trúng tuyển không nhập học của trường năm nay khoảng 3%, giảm so với mức 5% của năm 2021.

Ở các trường khác, tỉ lệ nhập học cũng suýt soát, trường không tuyển bổ sung. Ông Lê Trung Đạo, phó hiệu trưởng Trường đại học Tài chính - marketing, cho biết tỉ lệ xác nhận nhập học của trường đạt gần 100%.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Khôi, trưởng phòng đào tạo Trường đại học Y Dược TP.HCM, cho hay tỉ lệ xác nhận nhập học của trường cũng xấp xỉ 100%.

Ông Phạm Thái Sơn, giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết trên 80% thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học. Như vậy có trên 10% thí sinh ảo, trúng tuyển nhưng không học.

Tỉ lệ xác nhận nhập học tại Trường đại học Công nghiệp TP.HCM đạt 90%.

- Khối trường ngoài công lập: tỉ lệ thí sinh xác nhận nhập học ở nhiều trường khá thấp. Trường đại học Hoa Sen ghi nhận mới có 55% thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học trên cổng tuyển sinh của bộ. Tỉ lệ này ở Trường đại học Gia Định là 67%, Kinh tế tài chính TP.HCM 80%.

Lý giải về tỉ lệ thí sinh xác nhận nhập học thấp, ông Mai Đức Toàn, giám đốc Trung tâm tuyển sinh - truyền thông Trường đại học Gia Định, cho biết thời gian tuyển sinh năm nay quá dài nên thí sinh trúng tuyển đã chọn phương án khác.

"Trường gọi điện nhắc thí sinh xác nhận nhập học thì thí sinh cho biết đã chọn học cao đẳng. Theo nhiều thí sinh, phần vì thời gian chờ đợi nhập học quá lâu nên các bạn chọn học cao đẳng, phần vì bậc đào tạo này có học phí thấp hơn" - ông Toàn nói thêm.

>>> THÍ SINH XEM DANH SÁCH TRƯỜNG XÉT TUYỂN BỔ SUNG NĂM 2022 TẠI ĐÂY

Xét tuyển sớm gây mất công bằng

Đánh giá về kỳ tuyển sinh năm nay, bà Nguyễn Thu Thủy, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết tính đến thời điểm hiện tại, đã có trên 80% thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học. Tỉ lệ thí sinh ảo đã giảm mạnh so với nhiều năm trước trong xét tuyển đợt 1. Những năm trước số thí sinh nhập học tối đa 63%, riêng năm 2021 chỉ đạt 55,3% thí sinh trúng tuyển nhập học.

Cũng theo bà Thủy, tuyển sinh năm 2022 đã giúp phát hiện những vấn đề còn bất cập trong thực tiễn. Chẳng hạn có trường tổ chức xét tuyển sớm theo học bạ, dành tỉ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ quá nhiều.

"Có trường không chủ động xác định được số lượng thí sinh nhập học dẫn đến vượt chỉ tiêu, phải giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, dẫn tới điểm trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT tăng. Việc xét tuyển sớm ở một góc độ nào đó gây mất công bằng cho thí sinh, không lựa chọn được các thí sinh có chất lượng tốt nhất" - bà Thủy phân tích.

Bà Thủy cũng cho rằng thí sinh nhầm lẫn, sai sót có nguyên nhân từ việc xét tuyển sớm. Chính việc xét tuyển sớm yêu cầu thí sinh phải nộp hồ sơ vào nhiều trường, với nhiều thủ tục khai báo trong khi theo quy định thí sinh vẫn phải khai báo trên hệ thống chung. Những điều này gây nhiễu loạn thông tin, làm cho thí sinh nhầm lẫn, sai sót. Đến nay, hầu hết các trường hợp sai sót đã được giải quyết, số còn lại đang được các trường tiếp tục rà soát và xử lý.

Nhiều phương thức tuyển gây khó khăn cho thí sinh

Theo bà Thủy, tất cả những vướng mắc, không thuận lợi trong quá trình triển khai đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận, phân tích để hoàn thiện quy trình tuyển sinh cho năm 2023 và các năm tiếp theo.Để hệ thống hoạt động ổn định trong các năm tiếp theo, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự chủ trong tuyển sinh của các cơ sở đào tạo, bộ sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo phân tích, đánh giá hiệu quả của từng phương thức tuyển sinh để lựa chọn và sử dụng một số phương thức nhất định; tránh đưa ra nhiều phương thức xét tuyển dẫn đến không đảm bảo sự công bằng và gây khó khăn, nhầm lẫn cho thí sinh.

Theo Báo Tuổi trẻ

  • Kỳ thi V-SAT không phải là bài thi của Bộ GD

    Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa khẳng định không có chủ trương giao Trung tâm Khảo thí quốc gia và đánh giá chất lượng giáo dục xây dựng bài thi V-SAT để các trường sử dụng chung trong công tác tuyển sinh đại học.

  • Trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) trở thành Đại học

    Ngày 15/11, NEU - trường Đại học Kinh tế quốc dân đã chính thức thành Đại học. Là 1 trong 9 Đại học trên cả nước.

  • Lịch nghỉ tết Nguyên đán 2025 - Tất cả các trường Đại học

    Lịch nghỉ tết nguyên đán Ất Tỵ 2025 của các trường Đại học đã và đang được công bố đến sinh viên. Dưới đây là lịch nghỉ tết âm lịch 2025 dành cho sinh viên của các trường Đại học phía Bắc và phía Nam.

  • Đánh giá năng lực 2025 thi mấy môn?

    Thi đánh giá năng lực 2025 là thi môn gì, gồm mấy môn, đánh giá năng lực thi những môn nào là thắc mắc của rất nhiều bạn học sinh 2K7 - lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Các em tham khảo ngay dưới đây để có định hướng học và ôn tập nhé.