Học nghề để vững bước vào đời

Nhiều người cho rằng phải cầm tấm bằng đại học trong tay mới đủ tự tin để bước vào đời nhưng từ những câu chuyện mà chúng tôi ghi nhận tại một số trường cao đẳng dạy nghề có thể thấy: Đại học không phải là con đường tốt nhất.


Với tay nghề cao học sinh tốt nghiệp dễ dàng kiếm được việc làm

80% có việc làm

Đây là con số mà thầy giáo Nguyễn Duy Nam – Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc (CĐ nghề Việt Hàn) cho chúng tôi biết: “Học sinh được đào tạo tại trường khi tốt nghiệp hầu hết đều tìm được việc làm ngay. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm tới trường để tuyển dụng, do đó có tới 80% học sinh tìm được việc làm ngay, những học sinh còn lại là tự mở công ty, xưởng sản xuất hoặc tham gia xuất khẩu lao động tại nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia…”.

“Trước khi học sinh ra trường chúng tôi có liên hệ với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp của Hàn Quốc để thông báo về số lượng học sinh tốt nghiệp các ngành nghề gì. Sau đó các doanh nghiệp có phản hồi lại thông báo nhu cầu của họ để chúng tôi thông báo tới học sinh. Ngoài ra khi học sinh tốt nghiệp muốn tìm việc làm thông qua trường, chúng tôi sẽ lập danh sách, phát phiếu để học sinh điền thông tin địa chỉ, nguyện vọng làm việc, mức lương… và khi có doanh nghiệp tuyển dụng phù hợp chúng tôi sẽ thông báo tới từng học sinh”, thầy Nam cho biết.

Theo phản hồi của học sinh, sinh viên tại trường thì mức thu nhập khi làm việc tại các công ty, khu công nghiệp trong nước có thể đạt từ 3 - 9 triệu đồng/tháng. Còn đi xuất khẩu lao động thì mức thu nhập có thể lên tới 30 triệu đồng mỗi tháng. Mức thu nhập trên có thể xem là con số mơ ước đối với không ít cử nhân đại học mới ra trường thậm chí là những người đã đi làm nhiều năm.

Cùng với cơ sở vật chất được đầu tư đầy đủ, giáo viên của trường đều được học tập nâng cao trình độ tại các trường đại học uy tín trong nước cũng như cử đi học tập, bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ tại Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc... Giáo viên còn thiếu kinh nghiệm sẽ được trường gửi tới các doanh nghiệp để nâng cao trình độ tay nghề, kiến thức thực tế. Trong giai đoạn 2012-2015 nhà trường cũng sẽ xây dựng dự án thí điểm đào tạo nghề cấp độ quốc tế và Asean đồng thời chuẩn bị các điều kiện cho quá trình đào tạo.

Đó cũng chính là lý do hàng năm CĐ nghề Việt Hàn lại có tỷ lệ “chọi” khá cao. Năm 2012, trường đã nhận hơn 2.000 hồ sơ dự tuyển nhưng chỉ tuyển vào số lượng 1.200 học sinh cho 10 ngành nghề đào tạo. Một trong những điểm đáng chú ý là có tới hơn 80% học sinh của trường đến từ các vùng nông thôn.

Chú trọng tư vấn cho học sinh

Lâu nay quan niệm của nhiều gia đình cũng như nhiều học sinh chuẩn bị tốt nghiệp phổ thông là phải cố thi đỗ đại học, năm đầu không đỗ thì thi tiếp năm thứ hai, thứ ba. Đây là sự lãng phí rất lớn nguồn lực của xã hội, trong khi đó nếu được đào tạo nghề một cách bài bản thì cũng chỉ trong vòng 3 năm sẽ cho ra “sản phẩm” là một người lao động có tay nghề cao, đủ khả năng nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình cũng như xã hội.

Để học sinh phổ thông tìm được lựa chọn phù hợp thì việc tư vấn sớm cũng rất được quan tâm. Chia sẻ điều này tại Hội thảo Nâng cao chất lượng công tác truyền thông thực hiện chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020 do Tạp chí Lao động - Xã hội phối hợp với Tổng cục dạy nghề tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - Nguyễn Ngọc Phi chỉ rõ: “Việc ai cũng muốn con em mình được vào đại học cũng là nguyện vọng chính đáng. Nhưng ở nhiều nước phát triển, họ phân luồng rất rõ rất sớm. Học sinh học học trung học phổ thông đa phần đều chuyển sang học nghề. Sau học nghề nhà nước đã có cơ chế đào tạo liên thông để người học có thể tiếp tục học cao hơn như học đại học và thậm chí học lên tới tiến sỹ. Nhưng chúng ta chưa phân luồng được tốt, do vậy lao động trong học nghề với giải quyết năng suất lao động trong nền kinh tế là không tương thích”.

Cũng trăn trở về vấn đề định hướng đào tạo để dần xóa bỏ tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, nhà báo Nguyễn Thanh Phúc - Báo Lao động xã hội chia sẻ: “Chúng tôi luôn tự hỏi, làm thế nào để truyền thông có hiệu quả góp phần chuyển biến nhận thức xã hội về lựa chọn học nghề, lập nghiệp, để giới trẻ hiểu được rằng vào giảng đường đại học không phải là lựa chọn duy nhất”. 

Theo thethaohangngay