Tôi tần ngần đứng trước ngôi trường cũ. Vẫn mái ngói rêu phong, vẫn những bức tường cũ kỹ in đậm màu thời gian. Hơn 40 năm trước tôi là một cậu học sinh của trường này.
Trường mang tên trường tiểu học Tân Định, trên đường Huỳnh Tịnh Của (P.HCM) – tên một nhà văn hóa Nam Bộ có công lớn trong việc nghiên cứu, phát triển và truyền bá chữ quốc ngữ trong giai đoạn đầu - được xây dựng vào thời Pháp thuộc. Lối kiến trúc của trường gồm nhiều dãy phòng học 2 tầng bao bọc chung quanh sân chơi rộng lớn.
Trường Nguyễn Thái Sơn bây giờ, xưa kia là trường tiểu học Tân Đinh. Nơi mũi tên là phòng học, tác giả theo học với thầy Thuật nk 1960-1961. |
Xem thêm: Những món quà tri ân thầy cô giáo nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11
Tôi vẫn tần ngần trước ngôi trường cũ. Cổng trường đã được thay mới. Dòng chữ “Ecole de garcon de Tân Định – Trường học con trai Tân Định”đã không còn và thay vào bằng một tên trường khác.
Ở cổng trường này – tôi vẫn còn nhớ như in – mỗi lần ra về học sinh xếp hàng 4 theo từng lớp đi trong trật tự. Gần đến cổng, thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Xuân oai nghiêm khoanh tay đứng nhìn. Lũ học trò chúng tôi khi ngang qua thầy trăm đứa như một giở nón cúi đầu. Thầy vẫn đứng đó, nhìn từ đứa đầu tiên của lớp đầu tiên đến đứa cuối cùng, khi không còn đứa nào nữa thầy mới trở về văn phòng.
5 năm học nơi đây, kỷ niệm về những năm đầu tôi không còn nhớ nổi vì còn quá nhỏ. Nhưng hình ảnh thấy Vũ Thiện Thuật của năm tôi học lớp nhất (lớp 5 bây giờ) vẫn còn in đậm trong tôi. Năm ấy thầy chưa đến tuổi 30 nhưng sao trong lòng tôi thầy quá đỗi đạo mạo. Thầy to, cao. Tiếng nói thầy dõng dạc nhưng truyền cảm. Chiếc roi mây thật dài kẹp trong tay đang cầm quyển sách, thầy thao thao giảng bài. Bài giảng của thầy thật dễ hiểu và sau mỗi buổi học chúng tôi đều nhớ như in. Cả một quãng đời học sinh đó, tôi cũng như các bạn chưa bao giờ phải . . . “phụ đạo” thêm một giờ nào.
Thầy dạy chúng tôi đủ các môn từ toán số học, hình học đến các môn tập làm văn, vệ sinh thường thức, công dân giáo dục v.v. . ., môn nào tôi và các bạn cũng đều tiếp thu trọn vẹn. Cái câu học nằm lòng trong môn vệ sinh mà thầy giảng dạy về các bệnh thông thường mà giờ đây tôi vẫn còn nhớ: “sốt không phải là một bệnh mà là biệu hiện sức phản kháng của cơ thể chống lại vi trùng”. Những chứng bệnh thông thường rất dễ gặp trong đời sống hàng ngày được thầy truyền đạt rất chi tiết. Thầy đã dạy cho chúng tôi bệnh lao do vi trùng Koch, thương hàn do vi trùng Salmonella enterica serovar Typhi, bênh phong do Hansen v. v. . . những kiến thức ấy đến bây giờ vẫn luôn luôn đồng hành cùng tôi. . .
Một hôm, đến giờ tập làm văn, thầy đọc cho chúng tôi nghe bài “Tôi đi học” của Thanh Tịnh. “Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều . . .” Thầy đọc như ru. Chúng tôi im phăng phắc. Tiếng của thầy rót vào tâm hồn non trẻ và trong sáng như chúng tôi để đến bây giờ tôi có thể đọc lại bài này mà không sai một dấu phẩy. Rồi thầy ra đề cho chúng tôi làm bài văn tả cảnh. Thầy dạy, kết cấu của một câu văn không cần dài dòng. Chỉ cần đủ 3 yếu tố: Chủ từ, động từ và túc từ là thành một câu hoàn chỉnh. Thầy hướng dẫn cho chúng tôi trong một bài văn tĩnh từ rất quan trọng nó làm cho bài viết phong phú và sinh động hơn . . .
Bên cạnh những bài học, thầy còn dạy chúng tôi phải biết công ơn dưỡng dục của ông bà cha mẹ, phải biết kính trên nhường dưới, biết yêu thương những người nghèo khổ cơ nhỡ. Những bài thầy giảng nhẹ nhàng mà thâm thúy và giờ đây mỗi lần nhớ lại tôi vẫn còn thấy như văng vẳng bên tai.
Vốn kiến thức của tôi hôm nay, có công của thầy rất lớn. Ngọn roi thầy cầm trên tay dường như chỉ dùng để nhịp. Nhịp theo điệu của lời giảng. Nhịp theo lời giáo huấn. Tôi chưa hề thấy thầy đánh một đứa nào mặc dù lúc bấy giờ thầy có quyền đánh mà không sơ vướng vào thưa kiện. Nhưng chúng tôi vẫn sợ.
Một hôm, thầy vào lớp với gương mặt buồn bã. Thầy nói, hôm nay là buổi học cuối cùng. Ngày mai thầy sẽ ra đi và thầy cô khác sẽ thay thầy dạy các em. Thầy không có mong ước nào lớn hơn là mong các em sẽ được nên người, sẽ là những công dân tốt cho xã hội sau này . .” Chúng tôi không dám hỏi thầy sẽ đi đâu chỉ biết buồn theo thầy. Khóe mắt đứa nào cũng cay cay mà không nói được với thầy lời nào bởi chúng tôi còn quá khờ khạo.
Nhiều năm sau, khi lớn lên tôi có tìm lại trường xưa để hỏi thăm tin tức của thầy. Các thầy cô sau này cho biết, năm đó thầy từ giã học sinh để vào nơi gió cát. Và cũng từ đó tôi không còn biết tin tức gì về thầy nữa.
Hôm nay, 20/11, ngồi nhớ lại thầy, nhớ về bạn cũ. Trò đã già và nếu thầy còn hiện hữu trên thế gian này có lẽ cũng bước vào tuổi cửu thập. Tuổi đời chồng chất nhưng có một điều, con muốn thưa với thầy: “những gì con có được ngày hôm nay là thành quả của thầy ngày trước. Thầy đã trang bị cho con kiến thức căn bản để bước vào đời. Cũng nhờ đó mà con lưôn vững niềm tin trong cuộc sống. Mãi mãi con ghi nhớ công ơn của thầy, thưa thầy Vũ Thiện Thuật năm xưa của con.
Theo Thethaohangngay
Thời gian nghỉ tết nguyên Đán năm 2018 của sinh viên các trường đại học trên cả nước được Tuyensinh247 cập nhật chi tiết dưới đây. Xem để biết lịch nghỉ cụ thể của trường mình là khi nào nhé.
Tổng hợp những câu chuyện về tình cảm thầy trò hay nhất, những truyện ngắn về thầy cô nhân ngày 20/11 xúc động.
Nhân ngày nhà giáo việt nam 20/11 Tuyensinh247 sưu tầm những bài thơ hay nhất về thầy cô do các độc giả đăng tải cũng như của các nhà thơ.
Tuyển tập truyện cười nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 dành tặng thầy cô giáo với những truyện thật hài hước, vui tươi, những mẩu chuyện này cũng có thể cho vào báo tường thêm phần ấn tượng nữa nhé.