Dự án VNEN tại VN được triển khai từ tháng 1.2013 đến 31.5.2016 tại 1.447 trường tiểu học của 63 tỉnh, thành phố. Sau hơn 3 năm triển khai, đã có 54 tỉnh, thành phố triển khai nhân rộng áp dụng mô hình tại 2.365 trường tiểu học và hơn 1.000 trường THCS. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Số trường tiểu học tự nguyện đã gấp 2 lần số trường trong dự án”.
Theo kế hoạch, dự án VNEN tại VN sẽ kết thúc vào cuối tháng 5.2016, ngừng hỗ trợ kinh phí cho các trường nhưng thành công, kinh nghiệm của mô hình phải được tiếp tục hoàn thiện và nhân rộng, góp phần thực hiện thành công đổi mới giáo dục phổ thông tại VN trong những năm tiếp theo.
Đến thời điểm này đã có 4 bộ và một số cuốn SGK có thể sẽ tham gia phát hành khi thực hiện chương trình mới. Cụ thể: một bộ sách của nhóm tác giả phía nam, một bộ của nhóm tác giả ở Hà Nội, sách tiếng Việt công nghệ và bộ SGK theo mô hình VNEN.
|
|
|
Bộ SGK của mô hình này sẽ được chỉnh lý, hoàn thiện để trở thành một trong những bộ sách phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới, áp dụng chính thức từ năm học 2018 - 2019
|
|
|
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển
|
|
|
Đưa hoạt động ứng dụng vào SGK
Ngay sau khi có hướng dẫn của Bộ, phóng viên Thanh Niên đã tìm hiểu một loạt trường đang thực hiện bộ tài liệu dạy học theo mô hình VNEN ở các tỉnh, thành từ khó khăn đến thuận lợi như: Điện Biên, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, TP.HCM và Hà Nội.
Bộ tài liệu này hiện mới chỉ có toán, tiếng Việt, tự nhiên và xã hội là các môn học được áp dụng dạy theo mô hình VNEN. Điểm đáng lưu ý là các cuốn sách có nội dung mới, giáo viên không cần soạn giáo án vì sách đã được thiết kế sẵn cho giáo viên dạy. Các môn còn lại như: âm nhạc, đạo đức, mỹ thuật, thể dục, thủ công, giáo viên vẫn dạy sách cũ (sách cải cách năm 2000).
Mỗi bài học được thiết kế khoảng từ 12 - 15 hoạt động theo yêu cầu tăng dần: từ mục tiêu bài học đến hoạt động cơ bản, hoạt động thực hành, hoạt động ứng dụng... Phần hoạt động ứng dụng khuyến khích học sinh (HS) bước đầu biết vận dụng kiến thức trong thực tế cuộc sống. Nhấn mạnh sự quan tâm, hỗ trợ HS học tập từ phía gia đình và cộng đồng. Khuyến khích HS mở rộng vốn kiến thức qua các nguồn thông tin khác nhau (từ gia đình, cộng đồng thôn xóm, làng bản...).
Ông Nguyễn Vẻ, đại diện cộng đồng nông dân của xã Vĩnh Phương, TP.Nha Trang, Khánh Hòa, tỏ ra khá hồ hởi: “Lâu nay việc dạy học được giao hoàn toàn cho nhà trường, cộng đồng không được mời tham gia và cũng không nghĩ đó là việc của mình. Thế nhưng, khi Trường tiểu học Vĩnh Phương đóng trên địa bàn xã áp dụng cách dạy học kiểu mới, đã mời cộng đồng vào cuộc. Chúng tôi tham gia dạy cho các cháu những công việc mà các cháu chứng kiến hằng ngày nhưng lại không hiểu về nó”. Ví dụ xã Vĩnh Phương người dân sống chủ yếu bằng nghề nông, nghề truyền thống là trồng lúa nước nhưng lần đầu tiên HS được tổ chức dạy học ngay trên đồng ruộng về quy trình, cách thức trồng lúa nước ra sao, để có hạt cơm ăn hằng ngày, ông bà, cha mẹ phải làm những gì; HS được thực hành luôn trên đồng ruộng...
Còn cào bằng học sinh
Chứng kiến trọn vẹn một giờ học tại Trường tiểu học Tân Thông, H.Củ Chi, TP.HCM, trường đầu tiên áp dụng VNEN của TP.HCM, dù đã có bộ tài liệu in sẵn, nhưng giáo viên vẫn thiết kế tài liệu riêng, photo và phát cho từng HS dưới dạng tờ rời. Khi chúng tôi thắc mắc về điều này thì cô Vũ Thị Phương Anh, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A1, cho biết: “Tùy từng bài học, nếu bài nào mà thiết kế trong sách chưa phù hợp thì giáo viên sẽ phải tự điều chỉnh, ví dụ chia nhỏ các bước để HS dễ làm việc. Mặt khác phải thiết kế thêm các bài tập để phù hợp với HS giỏi.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng cho rằng nếu chỉ dạy trong bộ tài liệu hiện hành thì không đủ, đặc biệt khiến HS có lực học giỏi thiếu hào hứng vì kiến thức dễ so với các em. Do vậy, được sự đồng ý của Sở GD-ĐT, tổ nhóm chuyên môn của trường phải thiết kế hệ thống phiếu bài tập (được Sở GD-ĐT phê duyệt) mang tên “làm giàu kiến thức cho HS” để dạy vào buổi 2.
Bà Nguyễn Thị Hải Lý, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, kể: “Có nơi giáo viên thấy tài liệu hướng dẫn tự học của HS nhiều chỗ bất hợp lý nên lặng lẽ viết lại nhưng không dám báo cáo lên. Đến khi thấy Bộ khuyến khích mới khoe ra”.
Không chỉ ở các thành phố lớn mới có nhận xét trên, ngay ở tỉnh miền núi Điện Biên, một số trường tiểu học như: Noong Luông, Hua Thanh, Tỏa Tình... giáo viên và lãnh đạo cho biết vẫn phải biên soạn thêm tài liệu để dạy cho HS giỏi. Ngược lại, HS yếu kém cũng vậy, giáo viên phải chia nhỏ các bước để phù hợp, nhất là những HS dân tộc chưa thông thạo tiếng phổ thông.
Ông Thái Văn Đạt, phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Thạch Linh, TP.Hà Tĩnh, nhận xét: “Qua theo dõi vở bài tập thực hành của con, tôi thấy còn rất thiếu những nội dung để tạo ra sự khác biệt trong mỗi đối tượng HS, nội dung cào bằng quá”.
Sẽ tiếp tục điều chỉnh
Sau 3 năm học thực hiện VNEN, đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM chỉ ra không ít trở ngại. Vài năm đầu, tâm lý hoang mang, lo ngại của phụ huynh HS cũng là vấn đề khó khăn. Nhiều phụ huynh cứ nghĩ đây là cải cách giáo dục mới, một sự thay đổi về nội dung, chương trình, SGK mà HS là đối tượng để thí điểm. Phụ huynh đi các nhà sách nhưng không có SGK theo chương trình này. Năm 2014 - 2015, khi mô hình VNEN được áp dụng nhân rộng toàn phần đến 51 trường tiểu học thì nhu cầu về tài liệu hướng dẫn học cho HS lại trở thành một vấn đề khó khăn cho các đơn vị.
Xung quanh vấn đề này, ông Đặng Tự Ân, chuyên viên trưởng của VNEN tại VN, cho biết: “Hai năm tới, khi VNEN trở thành một trong những bộ SGK chính thức để phục vụ cho đổi mới chương trình giáo dục phổ thông thì sẽ có điều chỉnh rất kỹ và mong có sự góp ý của tất cả giáo viên đang thực hiện”. Hiện nay, một số môn rất khó áp dụng với mô hình VNEN vì thiết kế nội dung chương trình chỉ phù hợp với cách dạy truyền thống. Ví dụ môn sử, địa vì con số, sự kiện dài dằng dặc nên việc dạy học hoàn toàn mới về phương pháp là không áp dụng được, đành phải chờ đến khi thay sách.
Không phù hợp với mọi đối tượng phụ huynh
Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Phương (Khánh Hòa) cũng chỉ ra thực tế vẫn còn có khó khăn vì có những bài tập ứng dụng trong bộ SGK có yêu cầu cao hoặc có thể hơi khó hiểu nên không phù hợp với mọi đối tượng phụ huynh. Có không ít nội dung cha mẹ HS ở vùng thuần nông như xã Vĩnh Phương không hướng dẫn được, giáo viên lại phải giúp HS thay phần việc lẽ ra của cha mẹ.
Tương tự, ông Trần Văn Xuyên, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học xã Hua Thanh, H.Điện Biên, tỉnh Điện Biên, chia sẻ: “Phụ huynh dân tộc ở vùng khó, trình độ mới chỉ xóa mù chữ, có người chưa đọc được, viết được nên không tham gia được trong những bài học cộng đồng theo thiết kế của chương trình”.
|
Tiếp cận theo hướng đòi hỏi HS biết cách vận dụng
Về mặt định hướng đối với một bộ SGK sau đổi mới, ông Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ: “Chương trình mới tiếp cận theo hướng hình thành và phát triển năng lực cho người học; không chạy theo khối lượng tri thức mà chú ý khả năng vận dụng tổng hợp các kiến thức, kỹ năng, thái độ, tình cảm, động cơ... vào giải quyết các tình huống trong cuộc sống hằng ngày. Tiếp cận theo hướng năng lực đòi hỏi HS làm, vận dụng được gì hơn là biết những gì. Tránh được tình trạng biết rất nhiều nhưng làm, vận dụng không được bao nhiêu, biết những điều rất cao siêu nhưng không làm được những việc rất thiết thực đơn giản trong cuộc sống thường nhật...”.
|
Theo Thethaohangngay