Phương án tối ưu cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015

Trong cuộc họp về đổi mới hệ thống giáo dục diễn ra vào chiều 26/8, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ GD&ĐT sớm chọn phương án tối ưu đổi mới nền giáo dục trong năm 2015.

Trước đó, tại hội nghị tổng kết năm học 2013 - 2014 Bộ GD&ĐT đã công bố 3 phương án tổ chức kì thi quốc gia năm 2015:

Phương án 1: thi truyền thống 8 môn thi gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý.

Phương án 2: tổ chức thi với 5 bài thi, trên cơ sở tổng hợp từ kiến thức, kỹ năng của 8 môn học toán, ngữ văn, ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý.

Phương án 3: chọn 11 môn học ở lớp 12 để tổng hợp thành 4 bài thi gồm: bài thi Toán - Tin, bài thi Khoa học Tự nhiên, bài thi Khoa học xã hội và bài thi Ngoại ngữ.

Phương án tối ưu cho kỳ thi quốc gia chung năm 2015

Tại phiên họp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lấy ý kiến của các thành viên Ủy ban về những phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết kỳ thi quốc gia sẽ kế thừa những mặt mạnh, những thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như những ưu điểm của kỳ tuyển sinh Đại học, cao đẳng (CĐ) theo hình thức “ba chung”.

Công tác tổ chức coi thi, chấm thi sẽ được tiến hành theo cụm do các trường ĐH, CĐ chủ trì. Đề thi gồm các câu hỏi ở 4 trình độ tư duy: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng nâng cao với phần cơ bản đáp ứng cho hầu hết thí sinh, vừa có phần nâng cao nhằm phân hóa năng lực học sinh.

Bên cạnh 3 phương án thi đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến rộng rãi dư luận thời gian qua, Giám đốc ĐHQG TPHCM Lê Thanh Bình cho rằng, có thể xem xét thêm phương án tổ chức kỳ thi với một bài thi tổng hợp để đánh giá trình độ học sinh với đề thi kiểm tra kiến thức, năng lực học sinh từ mức tốt nghiệp THPT đến tuyển sinh vào ĐH giống như phương án của ĐHQG Hà Nội. 

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng GD-ĐT sớm chọn phương án đổi mới nền giáo dục và phải chịu trách nhiệm về việc này.

Giám đốc ĐHQG Hà Nội Phùng Xuân Nhạ cho biết, trường đã xây dựng đề án tuyển sinh ĐH, CĐ theo phương án 1 bài thi tổng hợp trong kỳ thi ĐH, CĐ sắp tới.

“Ưu điểm của bài thi tổng hợp là đánh giá được toàn diện năng lực của học sinh, đồng thời, các em có thể thi nhiều lần, hoàn toàn trên máy tính. Chúng tôi cũng đang đề xuất để một nhóm các trường ĐH cùng sử dụng kết quả bài thi tổng hợp này”, ông Nhạ cho biết thêm.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, các trường ĐHQG có thể áp dụng phương án thi tiên tiến, đi trước và ĐHQG Hà Nội cũng có thể làm việc với các Cục, Vụ chức năng của Bộ này để có thể xem xét việc công nhận tốt nghiệp đối với những học sinh hoàn thành bài thi tổng hợp của ĐHQG Hà Nội ở mức độ nhất định.

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, một nội dung lớn trong tổ chức kỳ thi và việc sử dụng kết quả kỳ thi chung là việc học sinh sau khi có kết quả thi mới đăng ký vào các trường ĐH, CĐ. Đây là đổi mới rất lớn, có ý nghĩa quan trọng trong kỳ thi quốc gia sắp tới. Theo đó, quan điểm được thống nhất về nguyên tắc là 1 kỳ thi quốc gia, đảm bảo trung thực, là cơ sở xét tuyển cho các trường ĐH.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc tổ chức một kỳ thi được sự đồng thuận xã hội, nổi rõ nhất là 2 yêu cầu là xét tốt nghiệp và làm cơ sở căn cứ xét tuyển vào ĐH.

Đối với 3 phương án thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng đề nghị Bộ tiếp tục lắng nghe các nhà khoa học, chuyên gia, ý kiến của người dân, các phương án của các đại biểu đưa ra tại phiên họp cũng như phương án do ĐHQG Hà Nội đề xuất, từ đó lựa chọn phương án tối ưu, căn bản tạo thuận lợi cho học sinh.

“Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về vấn đề này và sớm lựa chọn phương án để công bố. Bộ chọn phương án nào thì phải nêu rõ lý lẽ, giải thích cho người dân, xã hội hiểu và ủng hộ” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.

Nguồn Báo Dân Trí

 

  • 3 phương án tổ chức kỳ thi Quốc gia năm 2015

    Nhằm mục đích xét tốt nghiệp THPT và căn cứ để các trường ĐH sử dụng trong tuyển sinh trong năm 2015, Bộ Giáo dục đã đề xuất 3 phương án thi tốt nghiệp THPT và thi Đại học năm 2015 như sau:

  • Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp và giữ thi đại học năm 2015

    Việc tổ chức 1 kỳ thi Quốc gia năm 2015 đang được rất nhiều người quan tâm và cũng có rất nhiều ý kiến trái chiều, người ủng hộ và người phản đối, và theo giáo sư Ngô Bảo Châu thì nên bỏ thi tốt nghiệp và giữ thi đại học trong năm 2015.

  • Phương án tuyển sinh Đại học Hải Dương năm 2024

    Các phương thức tuyển sinh năm 2024 của trường Đại học Hải Dương như sau: Xét tuyển thẳng; Xét tuyển căn cứ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; Xét tuyển căn cứ kết quả học tập THPT và Xét tuyển kết hợp.

  • Đề án tuyển sinh Đại học Hoa Lư năm 2024

    Năm 2024, trường Đại học Hoa Lư sử dụng 06 phương thức tuyển sinh như sau: Xét tuyển thẳng, Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, Xét học bạ, Xét kết hợp, Xét kết quả thi ĐGNL Hà Nội.

  • Điểm chuẩn học bạ Đại học Kiến trúc Đà Nẵng 2024 đợt 1

    Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng (mã trường KTD) chính thức công bố Điểm chuẩn và kết quả dự kiến trúng tuyển sớm Đại học chính quy theo phương thức xét kết quả học tập THPT (học bạ) Đợt 1 năm 2024.