Sinh viên sư phạm thất nghiệp thế chỗ giáo viên lâu năm

Theo Giáo sư Nguyễn Khắc Phi đề xuất nên nhận những sinh viên sư phạm đang thất nghiệp chưa có việc làm cho sự kiện đổi mới chương trình sắp tới đã có nhiều ý kiến phản chiều.

Theo GS NGuyễn Khắc Phi thì những người trẻ, sử dụng thành thạo vi tính sẽ dễ tiếp thu cái mới, không bảo thủ như nhiều giáo viên. Đề xuất này nhận được những ý kiến khác nhau. 

GS Nguyễn Minh Thuyết, Chủ tịch Hội đồng bộ môn Ngữ văn của Bộ GD-ĐT: "Sắp xếp họ vào đâu?"

Có ý kiến đề xuất tuyển ngay những sinh viên (SV) mới ra trường chưa có việc làm để dạy chương trình mới. Nhưng cách thức tổ chức của nước mình không cho phép làm như thế.

Giả sử các bạn SV đó sẵn sàng nhận nhiệm vụ nhưng ai tuyển, sắp xếp họ vào đâu?

GS Nguyễn Minh Thuyết. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Nếu sắp xếp các SV ấy vào biên chế thì những GV cũ đi đâu? Hiện đội ngũ GV của ta trên dưới 2 triệu người, phải giải quyết công ăn việc làm cho anh chị em. Không thể nói một cách đơn giản là các vị không phù hợp với CT, SGK mới nên không ở trong ngành được nữa.

Vả lại, chúng ta cũng phải nhìn nhận vấn đề cho khách quan: Nhiều giáo viên đương chức có thể "bảo thủ" nhưng kiến thức và những kinh nghiệm sư phạm mà họ tích lũy được rất cần cho giáo dục. Các cụ ta chẳng từng có câu "Thầy già, con hát trẻ" là gì?

Giải pháp thực tế nhất bây giờ, theo tôi, là khẩn trương đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo ở các trường sư phạm. Đối với các SV đang học, cần bổ sung ngay nội dung liên quan để họ có thể dạy chương trình mới. Đối với số SV vừa mới ra trường nhưng chưa qua tập huấn CT, SGK mới, có thể mời họ trở về trường học thêm một số chuyên đề.

Còn đối với GV đương chức thì cần bồi dưỡng nhiều hơn, tỉ mỉ hơn. Không nên làm theo kiểu cũ là cử một vài cán bộ cốt cán đi tập huấn, nghe một số tác giả, người viết SGK trình bày rồi về truyền đạt lại. Như thế dễ tam sao thất bản.

Bồi dưỡng phải có thực hành. Các thầy viết sách, những người ở Bộ GD-ĐT phải làm việc này. Nếu không thực hành được cũng phải hướng dẫn một số GV giỏi thực hành làm mẫu.

Theo tôi, nhanh nhất cũng phải khoảng 2018 mới có thể có SGK mới ra đại trà. Nếu các trường sư phạm đổi mới ngay từ bây giờ thì có thể theo kịp được. Đổi mới ở sư phạm càng sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, Chủ tịch hội đồng bộ môn Lịch sử của Bộ GD-ĐT: "Không khả thi..."

Trong nhiều khâu của quy trình đào tạo từ đầu vào, chương trình, quản lí, cơ sở vật chất... thì GV là gốc của đổi mới.

CT, SGK tốt nhưng giáo viên không giỏi khó thực hiện. Người không giỏi thì cách dạy sẽ rập khuôn, máy móc.

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ. (Ảnh: Văn Chung)

GV của mình không phải bảo thủ, không muốn thay đổi. Họ không tâm huyết, không hưởng ứng vì điều kiện đời sống thấp quá, không toàn tâm toàn ý cho bài giảng được.

Tôi đồng ý rằng người trẻ nhiều em giỏi, dễ tiếp nhận cái mới, không bảo thủ. Tuy nhiên đề xuất dùng SV sư phạm thất nghiệp vào đổi mới dường như không khả thi. GV đang thừa, nên bồi dưỡng đào tạo lại số còn dư, không sử dụng hết này để họ được cập nhật kiến thức.

Về chuyện đào tạo giáo viên thường đi sau đổi mới CT, SGK, thực ra toàn bộ người làm CT, SGK đều từ các trường sư phạm. Có điều quá trình làm họ chưa quán triệt vào xây dựng, đào tạo GV.

Ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tôi biết đã hình thành những tiểu ban, hội đồng làm chương trình theo tinh thần Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng như Đề án Đổi mới CT, SGK phổ thông sau 2015. Hi vọng những thay đổi này sẽ kịp thời với công cuộc đổi mới CT, SGK sau 2015.

PGS.TS Trần Đức Tuấn, Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu sách và học liệu giáo dục, NXB Giáo dục: "Nên sử dụng sinh viên sư phạm thất nghiệp"

Đáng ra đổi mới đào tạo GV, các trường sư phạm cần làm trước khi đổi mới CT, SGK. Việc đào tạo phân môn sẽ khó có GV phù hợp cho dạy học liên môn, tích hợp sắp tới.

PGS.TS Trần Đức Tuấn.

Tôi đồng ý với đề xuất sử dụng sinh viên sư phạm thất nghiệp tham gia đổi mới.

Hiện các trung tâm giáo dục, hoạt động cộng đồng đã có hệ thống nhưng phát triển chưa mạnh. Với định hướng đổi mới sẽ có nhiều hoạt động định hướng ngoài giờ lên lớp. Do đó có thể tận dụng các trung tâm này làm hoạt động ngoại khóa mang tính cộng đồng, môi trường.

Hiện các giáo viên chính chủ yếu lo dạy trên lớp. Vậy những cử nhân sư phạm vẫn có thể tham gia giáo dục trong trường phổ thông thông qua việc cho học sinh làm dự án, tham quan,..Những cử nhân này vừa có kiến thức lại nhiệt tình, có thời gian.

Theo Thethaohangngay