Thị trường công việc part-time dành cho sinh viên gần đây lại nở rộ các \"nghề nhạy cảm\". Đặc điểm của những nghề này là rất kén người, bù lại lương lại cao ngất ngưởng. Tuy nhiên, mức độ rủi ro và những cạm bẫy chực chờ cũng tỉ lệ thuận với mức lương khủng mà các bạn sinh viên nhận được.
Theo một "dân chơi" chuyên mai mối "nghề nhạy cảm" cho sinh viên, những công việc càng có độ "độc đáo", giờ làm càng khuya thì mức lương sẽ càng "khủng".
Lương càng tăng độ nhạy cảm càng cao
Gần đây, ở các quán bar, club tại TP. HCM nở rộ dịch vụ tổ chức một ngày trong tuần, chỉ dành riêng cho khách hàng "thế giới thứ ba" và nhu cầu cần những tiết mục "độc" để hút khách. Minh Thành (trường ĐH Sài Gòn) trở thành nhân viên "ruột" ở một quán bar, với nhiệm vụ giả làm con gái cho các tối đặc biệt. Thành cho biết: "Mức lương 120.000 đồng/giờ cho việc đóng giả con gái, phục vụ bưng bê, đứng cổng đón khách. Còn việc xuất hiện biểu diễn góp vui trên sân khấu có thể được tới 500.000 đồng/giờ. Thậm chí, còn được phụ cấp nếu làm cố định cả tháng. Vì vậy, chỉ cần chịu khó "ẻo lả" một tí thì lương có thể lên đến 7 - 8 triệu đồng/tháng".
Một công việc khác cũng được xem là "nhạy cảm", hưởng lương cao là làm mẫu vẽ body painting. Giá của nam người mẫu cho một event từ 1 - 2 triệu đồng/lần ngồi mẫu. Trong khi với nữ, giá đội lên đến 3 - 4 triệu đồng/lần. Khi làm công việc này, người mẫu thường dùng tên giả, rất kiệm lời và tuyệt đối không dám nộp bất cứ giấy tờ tùy thân nào cho người quản lý. Những sinh viên sống bằng nghề này có đặc quyền được lựa chọn khách hàng theo ý mình, sau khi xem lý lịch và mục đích vẽ của người thuê để suy xét. Các bạn thường chọn những người lạ, không sống cùng môi trường để đảm bảo không gặp lại. Và nếu có một công ty quản lý thì công ty bắt buộc người mẫu phải tuân thủ quy định không trao đổi liên lạc với khách, nếu không sẽ bị sa thải. Tuấn Anh (trường ĐH Hồng Bàng), có thâm niên một năm trong nghề, chia sẻ: "Đó là chưa tính thêm phí chụp ảnh, biểu diễn trưng bày nếu có triển lãm. Giá sẽ gấp đôi gấp ba lần giá gốc nhưng ít ai chịu nhận vì sợ gặp người quen, bị tung ảnh lên mạng nếu sơ suất".
Lương cao tỉ lệ thuận với mức chịu đựng
Chúng tôi đến một công ty PG - PB ở Q. 1 để tìm hiểu về những ngành nghề đặc biệt mà công ty này cung ứng thì được biết công ty có danh sách riêng dành cho những công việc "nhạy cảm" nếu sinh viên muốn làm. Một trong những công việc "chạy" nhất, có nhiều sinh viên đăng ký nhất là đi "giả làm khách", nghĩa là, người làm chỉ cần ăn mặc thật đẹp, đến những buổi khai trương, tiệc tùng và tỏ vẻ thật hào hứng để tạo không khí. Mức nhẹ thì sinh viên làm ở các cửa hàng, phức tạp hơn thì sinh viên phải làm trong các môi trường quán bar, club... Nguyên tắc làm việc là phải tuyệt đối không được cho ai biết mình là khách giả, cho dù với bất kỳ lý do nào, vi phạm sẽ không được nhận lương. "Một buổi giả khách người làm sẽ được từ 400.000 - 800.000 đồng. Người làm buộc phải hóa thân để phù hợp với bữa tiệc. Chủ tiệc gọi bao nhiêu rượu, bia mình phải cố gắng góp công uống hết. Thậm chí, chủ tiệc muốn chơi trò gì, người làm phải tích cực tham gia, ngay cả có biểu hiện âu yếm, thân mật với cộng đồng người đồng tính", Thành Công, một trong những người làm dịch vụ đóng giả khách hàng ở quán bar, chia sẻ.
Thị trường việc part-time nhạy cảm tuy nhiều nhưng phần lớn sinh viên lại ưu tiên chọn các việc "đánh nhanh, rút nhanh", thay đổi việc liên tục hơn là làm cố định. Minh Thành cho biết, dù công việc có "quái" đến đâu thì cũng sẽ có sinh viên nhận làm, do mức thù lao quá hấp dẫn. Thành Công kể, một lần, nhãn hiệu thuốc lá M. chiêu mộ nhân viên tiếp thị. Điều kiện casting của công việc này là nhân viên phải biết hút thuốc. Chị quản lý chia hai người một nhóm, một người luôn phì phò điếu thuốc để hút tầm nhìn của khách, một người sẵn sàng tiếp thị để tăng hiệu quả. Giờ làm từ 22h khuya đến 1h sáng ngày hôm sau. Chỉ cần chấp nhận 3 giờ ngậm thuốc, nhả khói liên tục, bạn sẽ nhận được 5 triệu đồng/tháng.
Thiên An (trường CĐ Văn hóa Du lịch Sài Gòn) từng dại dột chấp nhận uống rượu từ sáng đến chiều quảng cáo cho nhãn rượu ngoại mà vẫn luôn tươi tỉnh, chỉ vì số tiền lương 800.000 đồng cho cả buổi. "Kiểu part-time này thường hoạt động theo lối "mì ăn liền". Công ty không cần biết rõ lý lịch hay chứng nhận gì. Chỉ cần đạt chuẩn hình thức sẽ được bố trí công việc, trả lương ngay và nhân viên cũng không gắn bó lâu dài. Việc này dẫn đến nhân viên thường mù tịt về sản phẩm mình đang quảng cáo có chứa thuốc kích thích hay chất độc hay không mà cứ vô tư nuốt vào người", Thiên An chia sẻ.
Tai nạn rình rập
Minh Thái (quản lý nhóm cung cấp người mẫu body painting) cho biết: "Quy tắc duy nhất của những ai theo nghề này là tự bảo vệ bản thân và không kiện cáo. Mọi vấn đề quấy rối sẽ được giải quyết nội bộ, thường là thỏa thuận với nhau. Tính ra, sinh viên đi làm vẫn là người thiệt thòi nhất, nếu gặp sự cố".
Nỗi sợ lớn nhất của các bạn đi làm công việc này là bị lộ lý lịch, số điện thoại. Minh Thành làm cho quầy bar kể, có một thời gian, đột nhiên anh bạn trở nên nổi tiếng tại các website đồng tính, thậm chí, còn bị hiểu lầm là "call boy" cao cấp của thế giới này, do tần suất xuất hiện tại các buổi tiệc quá nhiều. Những tấm hình giả gái bị bạn bè mổ xẻ. Bố mẹ Thành suýt chút nữa cũng tin đó là sự thật. "Công việc nhạy cảm mang đến cho mình nhiều tiền nhưng khiến mình gặp không ít rắc rối", Thành tâm sự.
Kinh nghiệm xương máu của Hoàng Huy (trường ĐH Văn Hiến) là nhận làm người mẫu vẽ tranh cho các cơ sở dạy vẽ. Việc tưởng đơn giản nhưng Huy thường xuyên nhận những lời mời làm mẫu riêng khiếm nhã.
Còn Thiên An, sau một thời gian làm việc đã rút tỉa được cho mình kinh nghiệm: "Theo một số thông tin nội bộ thì nhiều công ty cho nhân viên dùng thử sản phẩm kém chất lượng, lỗi hoặc hết hạn sử dụng để tiếp thị khách. Thấy kinh doanh không lành mạnh nên mình đã từ bỏ không bao giờ làm thêm những dịch vụ như vậy nữa mặc dù thù lao nhận được là rất khá".
Làm ít lại nhận lương nhiều đang là cái bẫy ngọt ngào khiến nhiều bạn sinh viên chấp nhận dấn thân vào các công việc nhạy cảm. Nhiều bạn phải dựng cho mình một lý lịch, bề ngoài khác để bảo vệ bản thân khi đi làm các công việc này.
Mỹ Linh- Gia Hân(SVVN)
Học đại học để có tấm bằng ra trường hay học một nghề thành thạo giúp mình có cuộc sống ổn định, làm lợi cho xã hội?
Sinh năm 1993, Nguyễn Hoàng Duy Phương đã sở hữu một tấm bằng cử nhân ở Nhật Bản và hiện đang theo học chương trình thạc sĩ hai văn bằng ở Đan Mạch. Điều đáng nể là suốt 6 năm học tập ở xứ người, Phương đều nhận đạt được nhiều thành tích xuất sắc và những suất học bổng giá trị.
Đầu năm học là thời điểm có rất nhiều tân sinh viên nhập học. Đây cũng chính là cơ hội cho những kẻ xấu lợi dụng.
Thông minh không chỉ gói gọn trong việc hiểu biết kiến thức sách vở hay thông thạo một lĩnh vực học thuật nào đó. Vì vậy kể cả khi bạn không cảm thấy mình thông minh, hãy đọc những dấu hiệu dưới đây để thấy rằng bạn có thể thông minh hơn mình nghĩ!