Các bạn tân sinh viên xuất thân từ những vùng nông thôn, thị xã, thậm chí là các tỉnh miền núi dân tộc nên khi lần đầu tiên bước chân vào môi trường náo nhiệt ở thành phố dễ bị choáng ngợp. Cộng thêm tâm lý “xả hơi”, tự hào về bản thân vừa trải qua một kì thi khắc nghiệt nên các em rất vô tư chơi bời, hưởng thụ. Đây chính là yếu tố then chốt khiến những kẻ xấu lợi dụng.
Thời điểm giữa tháng 8, đầu tháng 9 là lúc sinh viên cả nước trở lại các trường Đại học, Cao đẳng trong thành phố. Trong đó có cả các bạn là tân sinh viên. Hầu hết các em đều rất hào hứng và cảm thấy thích thú khi sắp được sống và học tập trong một môi trường mới có phần tự do hơn. Các em có rất nhiều những dự định, kế hoạch từ trước kì thi và muốn được thực hiện hết tất cả.
Tuy nhiên các bạn tân sinh viên vừa bước ra khỏi trường cấp ba nên thiếu nhiều kinh nghiệm về đời sống xã hội bên ngoài. Môi trường náo nhiệt, xa hoa ở thành phố làm cho các em bị choáng ngợp, cộng thêm tâm lý “xả hơi”, tự hào về bản thân vừa trải qua một kì thi khắc nghiệt nên các em rất vô tư chơi bời, hưởng thụ.
Ngay từ mùa tuyển sinh hoạt động lừa đảo tại các bến xe lớn, các tụ điểm thi đã xảy ra. Và sẽ tiếp tục trong thời gian sinh viên nhập học sắp tới. Chiêu lừa đảo phổ biến nhất tại các bến xe lớn là mua tăm tre ủng hộ người mù, người khuyết tật. Các đối tượng này thường là phụ nữ (tuổi từ 25 đến 35), họ cầm trên tay một quyển sổ và một túi đựng tăm tre, ăn mặc như một người bình thường.
Bến xe khách là môi trường phức tạp mà bọn lừa đảo ra tay để dụ dỗ tân sinh viên
Mỗi khi có xe khách hoặc xe buýt vào bến là các đối tượng này lao ra trèo kéo, mời mọc rất “ngon ngọt” và yêu cầu hành khách mua tăm ủng hộ cộng đồng người khuyết tật, người mù. Khi “con mồi” còn đang do dự, bọn chúng liền hỏi tên và nhanh chóng ghi vào sổ. Lúc này bọn chúng vẫn ăn nói rất nhỏ nhẹ và ý muốn lấy tên để ghi nhận lòng hảo tâm và là bằng chứng để tổ chức nhân đạo giám sát, lấy danh sách. Sau khi “con mồi” đã kí tên bọn chúng đưa tăm tre cho “con mồi” và ghi vào sổ mức giá trên trời, thường là 20 hoặc 50 nghìn đồng và đôi khi là cả 100 nghìn đồng một gói.
Biết là đã sập bẫy bọn lừa đảo, nhiều người gạt ra không trả tiền, định bỏ đi thì ngay lập tức thấy được bộ mặt xảo quyệt, thâm ác của bọn lừa đảo. Bọn chúng lên giọng quát tháo, đe doạ bắt trả tiền. Nếu ai cố tình không trả tiền thì chúng gọi đồng bọn ở xung quanh xúm lại vây đánh và chửi bới thậm tệ.
Đi một đoạn đường xa từ quê lên cũng vào khoảng thời gian này năm ngoái, vừa bước xuống bến xe Mỹ Đình, Vân (ở Giao Thuỷ - Nam Định) đã gặp ngay một chị giới thiệu là nhân viên bán tăm của một trung tâm nhân đạo Hà Nội. Chị mời rất khéo Vân mua một gói tăm để ủng hộ người khuyết tật. Ban đầu Vân cũng không định mua nhưng sẵn có mấy nghìn lẻ trong túi nên Vân kí tên và mua một gói.
Chị kia vội ghi vào sổ 50 nghìn đồng và đòi Vân trả tiền. Vân giật mình với số tiền đó và nói không có tiền trả thì chị ta quát nạt. Sau đó khi thấy Vân kiên quyết tranh cãi và có ý đinh bỏ chạy chị ta tát lia lịa vào mặt, vào đầu và đạp vào bụng Vân không hề thương tiếc. Hành động lừa đảo trắng trợn và dã man của chị ta khiến Vân sợ hãi đến tận bây giờ.
Còn rất nhiều những chiêu lừa đảo tinh vi, nguy hiểm khác diễn ra ở các bến xe như thôi miên bằng thuốc bắc, hay lừa bán iPhone giả, tư vấn mua sách, vở, mỹ phẩm… Điều đáng nói là bọn lừa đảo không hề đi một mình, chúng luôn có đồng bọn sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Hơn thế nữa, bọn lừa đảo diễn rất “nhập vai” là một người lao động chân chính làm việc vì đạo đức. Họ thường lợi dụng lòng nhân ái từ người khác để thực hiện hành vi gian xảo. Họ có thể là một cô đồng nát lam lũ, rách rưới, một bà lão phúc hậu, bị lạc đường hoặc một nhân viên tiếp thị dẻo miệng…