Tân sinh viên và nỗi ám ảnh mang tên \"Học phí\"

Chưa hết vui mừng và tự hào vì có con đỗ đại học, những bậc phụ huynh ở nông thôn đã phải lo lắng chạy vạy vay mướn trước khoản học phí không nhỏ thu ngay đầu năm học lên tới tiền triệu. Nhiều tân sinh viên dù chưa chính thức vào năm học cũng đã phải lo đi kiếm việc làm để có tiền học phí cũng như sinh hoạt phí.


Nhiều gia đình tiếp tế gạo nhà trồng cho con đầu năm học
 

Suýt bỏ lỡ tương lai

Đây là câu chuyện được Trần Thị Yến, tân sinh viên ĐH Thương mại chia sẻ. Ngay sau khi thi xong ĐH, Yến đã vội vã đi làm với công việc hàng ngày kéo dài hơn 12 tiếng trong một xưởng da giày tư nhân tại Bắc Ninh. Tin vui trúng tuyển ĐH Thương mại đến với Yến khi cô công nhân đang miệt mài làm việc tại xưởng may này. Trần Thị Yến cho biết, mặc dù lúc đầu rất vui vì biết mình đỗ ĐH nhưng ngay sau đó, với thực tế gia đình không thể đủ điều kiện lo học phí lẫn tiền sinh hoạt hàng tháng cho Yến trong 4 năm ĐH thì Yến đã xác định chọn làm công nhân thay vì đi học. “Ít nhất thì em cũng lo được ít tiền giúp bố mẹ chữa bệnh cho em trai. Còn nếu như đi học, có nghĩa là em trai em mất cơ hội được chữa bệnh” - Yến cho biết.

Quyết định này của Yến khiến cô giáo chủ nhiệm của em buồn nhất bởi hơn ai hết, cô biết là Yến đủ năng lực học tập để phấn đấu trên ghế giảng đường đại học. May sao, lời động viên của cô cùng tin vui nhận được học bổng “Tiếp sức đến trường” đã khiến Yến thay đổi suy nghĩ. “Không có học bổng em chắc chắn không thể đi học, mặc dù đây mới chỉ là khoản hỗ trợ đóng góp cho năm học đầu tiên”. Yến cho biết, hiện em đã mất hơn một nửa học bổng để đóng học phí cho học kỳ đầu tiên và để tiếp tục được đến trường Yến sẽ phải nhanh chóng tìm việc làm để bù vào sinh hoạt phí hàng ngày.

Phạm Bảo Ngọc, tân sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, ĐH Thương mại cho biết, tổng số tiền phải nộp để nhập học vào trường cùng đồ dùng, sách vở hiện nay đã ngót nghét 3 triệu đồng, trong khi đó, tiền thuê chỗ trọ ở đâu cũng “hét” tới tiền triệu khiến khoản học bổng Ngọc được nhận cho bước khởi đầu vào trường nhanh chóng “bay hơi”. Tương tự Hoàng Thu Hà, tân sinh viên ĐH Luật, ĐHQG Hà Nội cho biết, với một khoản được mẹ vay mượn để lên Hà Nội nhập học là 2 triệu đồng thì cô đã mất hơn 1 triệu để đóng tiền học. Trong khi đó, với thu nhập may ra đủ ăn của người mẹ làm ruộng ở quê, Hà sẽ phải rất căn cơ trong chi tiêu cũng như phải tự tìm việc làm thêm để có đủ tiền nộp học phí và các chi phí sinh hoạt khác.

“Hoãn” học phí cho sinh viên nghèo

Tại buổi nhập học của trường ĐH Nội vụ Hà Nội, ông Dương Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, số sinh viên đến nhập học hệ đại học đã làm thủ tục xong trong hơn 1 ngày. Tuy nhiên, có một số trường hợp sinh viên xin nợ học phí vì gia đình chưa thu xếp kịp. “Chúng tôi cũng rất thông cảm với sinh viên, tuy nhiên, nhà trường cũng phải đề ra thời hạn để đảm bảo nguyên tắc tài chính cũng như hoạt động khác của nhà trường” - ông Hùng cho biết.

Về những khó khăn tài chính của sinh viên trong đợt nhập học lần này, ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đã chỉ đạo các trường không để có học sinh, sinh viên bỏ học vì không có tiền. “Hiện mức cho vay tín dụng đối với hộ nghèo có con đi học đã được tăng từ 300.000 đồng lên 1 triệu đồng. Riêng đối với gia đình có 2 con cùng đi học thì chính sách cũng đã đảm bảo để những hộ này có thể được vay 2 suất”.

Cũng theo ông Ngũ Duy Anh, Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH về thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập tại một số địa phương. Theo đó, học sinh, sinh viên thuộc diện này được nộp chậm học phí 3 tháng kể từ khi bước vào học kỳ mới để tạo điều kiện cho các em có đủ thời gian nhận tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí tại địa phương.

Mẹ em phải bán 2 lứa lợn cộng với tiền vay chú bác trong nhà được 6 triệu cho em lên Hà Nội nhập học. Em đã muốn học ở Cao Bằng, vừa gần nhà, vừa đỡ tốn chi phí nhưng họ hàng đều động viên về Hà Nội để được học đúng ngành nghề mình chọn. Khó khăn với em hiện nay là trường không có chỗ ở ký túc xá nên phải đi thuê trọ nhưng chỗ nào cũng đòi trên 1 triệu đồng chưa tính tiền điện nước. Trong khi học phí và các khoản chi phí khác hiện đã lên tới gần 5 triệu đồng. Em sẽ phải làm thủ tục để vay vốn ngân hàng để có tiền nộp học phí cho 4 năm học tới.

Bế Thị Chuyên - sinh viên Học viện Hành chính

Đã từng phải đi làm ở lò gạch vì gia đình quá khó khăn, em may mắn nhận được học bổng để được nhập học vào ĐH Mỏ địa chất. Với em công việc vất vả ở lò gạch với thu nhập chỉ 50.000 đồng/ngày không thể giúp mẹ con em đổi đời. Chỉ còn một con đường là đi học với mong ước sẽ có ngày thành tài để trở thành kỹ sư dầu khí và đón được mẹ về ở cùng. Dù vậy, khó khăn lớn nhất để có thể hoàn thành 4 năm đại học với em vẫn là vấn đề tài chính...

Vũ Khắc Hoàng Thu - sinh viên ĐH Mỏ địa chất

 

Vinh Hương

 

  • Chọn Đại học hay trường nghề?

    Học đại học để có tấm bằng ra trường hay học một nghề thành thạo giúp mình có cuộc sống ổn định, làm lợi cho xã hội?

  • Kiếm 7 học bổng, chàng trai Đà Nẵng du học khắp Á Âu

    Sinh năm 1993, Nguyễn Hoàng Duy Phương đã sở hữu một tấm bằng cử nhân ở Nhật Bản và hiện đang theo học chương trình thạc sĩ hai văn bằng ở Đan Mạch. Điều đáng nể là suốt 6 năm học tập ở xứ người, Phương đều nhận đạt được nhiều thành tích xuất sắc và những suất học bổng giá trị.

  • Những cạm bẫy phòng trọ đối với tân sinh viên

    Đầu năm học là thời điểm có rất nhiều tân sinh viên nhập học. Đây cũng chính là cơ hội cho những kẻ xấu lợi dụng.

  • Bạn có phải là người thông minh hơn mình nghĩ?

    Thông minh không chỉ gói gọn trong việc hiểu biết kiến thức sách vở hay thông thạo một lĩnh vực học thuật nào đó. Vì vậy kể cả khi bạn không cảm thấy mình thông minh, hãy đọc những dấu hiệu dưới đây để thấy rằng bạn có thể thông minh hơn mình nghĩ!