Đạt số điểm phẩy tốt nghiệp cao, quyết định về quê theo chính sách thu hút nhân tài nhưng Phạm Thị Hoài Trang vẫn không được nhận vào làm việc.
Là đảng viên, thủ khoa Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng trở về tỉnh Nghệ An theo chính sách thu hút nhân tài, thế nhưng 3 năm qua, cử nhân Phạm Thị Hoài Trang gõ cửa khắp nơi vẫn không được bố trí công việc.
Kể về những ngày tháng đi xin việc vất vả của mình, chị Trang ứa nước mắt: "Tôi không ngờ mình thuộc diện thu hút nhân tài của tỉnh nhưng khi muốn về quê làm việc lại gặp những khó khăn, tủi nhục như vậy".
Chuyển lòng vòng
Ra trường với tấm bằng loại giỏi (điểm tốt nghiệp 8,43), thủ khoa Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng - chuyên ngành kinh tế phát triển, Phạm Thị Hoài Trang (SN 1987, ngụ xã Nghĩa Liên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) hăm hở về quê xin việc.
Chị Trang kể về những tháng ngày vất vả xin việc theo chính sách "thu hút nhân tài" của tỉnh Nghệ An |
Chị Trang cho biết: Là đảng viên, tốt nghiệp thủ khoa nên nghĩ mình đủ tiêu chuẩn để được các cơ quan tại Nghệ An nhận vào làm việc theo diện thu hút nhân tài của tỉnh. Chị đã từ chối những lời mời làm việc ở một số đơn vị tại Hà Nội, Đà Nẵng. Tháng 4-2010, sau khi tìm hiểu, chị Trang biết Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) có thông báo tuyển dụng một chỉ tiêu chuyên ngành kinh tế phát triển nên chị nộp hồ sơ cho Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An. Cơ quan này giới thiệu chị Trang sang Sở KH-ĐT tỉnh.
Tháng 5-2010, chị Trang lên Sở KH-ĐT để xin việc thì được trả lời là chỉ tiêu thông báo trên là của… năm 2009, năm 2010 không có chỉ tiêu. Đầu năm 2011, chị tiếp tục lên hỏi về trường hợp của mình thì được lãnh đạo Sở KH-ĐT cho biết chỉ tiêu tuyển dụng ngành kinh tế phát triển có nhưng chỉ nhận hồ sơ của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân và ĐH Ngoại thương (?!). Năm 2013, chị được thông báo Sở KH-ĐT có chỉ tiêu tuyển dụng ngành kinh tế phát triển; tuy nhiên, để được vào làm việc thì phải qua thi tuyển.
Quá chán nản với việc xin vào làm việc ở Sở KH-ĐT Nghệ An, tháng 6-2013, chị Trang nộp hồ sơ xin việc tại BHXH Việt Nam Chi nhánh Nghệ An. Tuy chị đủ điều kiện để được nhận vào làm việc theo tiêu chuẩn của cơ quan này nhưng đến nay, chị vẫn chưa nhận được thông báo tiếp nhận. Dù có nhiều nơi đồng ý nhận chị vào làm việc lâu dài nhưng chị Trang cho biết: "Sở trường của tôi là chuyên ngành kinh tế nên muốn dùng những kiến thức đã học được phục vụ chính quê hương mình. Thế nhưng, cách xử sự của những cơ quan ở địa phương làm tôi nản lòng".
Bất công trong xét tuyển
Trong hơn 3 năm xin việc tại tỉnh Nghệ An theo diện thu hút nhân tài, chị Trang đã phải gõ cửa khắp nơi để tìm việc; tuy nhiên, đi tới đâu chị cũng nhận được sự thờ ơ của những người có trách nhiệm. "Đến Sở Nội vụ hỏi thì họ chỉ sang Sở KH-ĐT, sang Sở KH-ĐT họ lại bảo quay về Sở Nội vụ... Ba năm qua, tôi không nhớ nổi mình đi lại giữa 2 cơ quan này bao nhiêu lần, nghĩ mà tủi và nhục" - chị Trang bức xúc.
Ông Nguyễn Trọng Hùng, Trưởng Phòng Cán bộ công chức Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An, cho biết trường hợp của chị Trang đủ tiêu chuẩn để nhận vào làm việc theo diện thu hút nhân tài của tỉnh. Tuy nhiên, vì lý do gì mà chị chưa được nhận vào làm việc thì ông Hùng không giải thích nổi. Ông Hùng thừa nhận: "Quy trình xét tuyển hiện tại có nhiều bất cập, gây bất công, ức chế cho những người có năng lực thực sự muốn quay về phục vụ quê hương".
Trường hợp bị hắt hủi nơi chính quê hương mình như chị Trang không phải là cá biệt. Năm 2009, chị Phan Thị Cảnh (ngụ xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu) tốt nghiệp loại giỏi ngành quản trị kinh doanh Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Nghe tin tỉnh Nghệ An có chính sách thu hút nhân tài, chị Cảnh trở về quê nộp hồ sơ và được Sở Nội vụ giới thiệu sang Sở KH-ĐT nhận việc. Thế nhưng, chị cũng bị 2 cơ quan này "đá qua, đá lại" nhiều tháng trời. Chán nản, chị ra Hà Nội làm việc theo lời mời của một tổng công ty lớn.
Kêu cứu đến chủ tịch tỉnh
Chị Trang cho biết quá bức xúc với cách làm việc của Sở KH-ĐT và Sở Nội vụ, chị đã viết thư gửi trực tiếp cho ông Hồ Đức Phớc, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An (nay là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An). Ông Phớc đã mời chị lên gặp và tìm hiểu nguyện vọng. Sau đó, UBND tỉnh Nghệ An có công văn yêu cầu các ngành chức năng liên quan xem xét nguyện vọng được làm việc ở Nghệ An của chị Trang. Thế nhưng, mọi việc vẫn như cũ, chẳng có cơ quan nào liên lạc với chị về việc tuyển dụng.
Theo Thethaohangngay
Câu chuyện làm trái ngành trái nghề của các sinh viên thời nay đang trở nên ngày 1 phổ biên. Cùng giải đáp băn khoăn của 1 sinh viên kỹ thuật đi làm kinh doanh nhé!
Bên cạnh việc chọn ngành học theo sở thích và năng lực, yếu tố tính cách cũng rất quan trọng.
Có rất nhiều trường Đại học, Cao đẳng hiện nay tiến hành giảng dạy nhiều nội dung bằng tiếng Anh cũng như quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) cho sinh viên tốt nghiệp ra trường.
Học ngành nào để ra trường dễ kiếm việc làm không bị thất nghiệp là câu hỏi mà rất nhiều các bạn đứng trước ngưỡng cửa đại học phân vân khi mà thực trạng hiện nay sinh viên ra trường sau khi tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ thất nghiệp quá nhiều.
Trường Đại học Lao động - Xã hội (CSII) tại Thành phố Hồ Chí Minh thông báo tuyển Giảng viên giảng dạy một số chuyên ngành, cụ thể như sau: