Phần lớn các bạn SV nghĩ mình học ĐH sau khi ra trường sẽ làm việc trong môi trường văn phòng sạch sẽ nhưng chàng trai Bắc Ninh quyết định về quê xây dựng trang trại ở quê, thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm.
Từ bỏ đô thị
Sau khi tốt nghiệp đại học Nguyễn Văn Hịu (sinh năm 1984, thôn Nhiễm Dương, xã Nghĩa Đạo, Thuận Thành, Bắc Ninh) thử sức trong nhiều công ty ở Hà Nội. Ở đâu, chàng trai người Kinh Bắc này cũng được đánh giá cao về năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm.
Thu nhập từ kinh doanh cũng khá tươm đối với một người trẻ mới ra trường. Thế nhưng, ước mơ được làm giàu ngay từ chính quê hương mình cứ thôi thúc cậu. Vậy là từ bỏ đô thị phồn hoa, 3 năm sau ngày tốt nghiệp cử nhân, lăn lộn ở nhiều công ty tại Hà Nội, anh Hịu về đấu thầu khu trang trại của một người cùng quê rồi bỏ vốn xây dựng một khu chăn nuôi trong sự phản đối mạnh mẽ từ gia đình, bạn bè.
Đặc biệt là bố mẹ anh Hịu vốn thừa biết những rủi ro trong việc làm nông nghiệp hàng chục năm qua đã kiên quyết phản đối. Nhiều bạn bè cho rằng, Hịu có điên mới về quê chăn lợn, nuôi cá, làm ruộng, người ta được ăn học là để thoát ly khỏi đồng ruộng chứ ai lại về quê làm gì.
Bỏ ngoài tai tất cả, anh Hịu lao vào làm việc. “Nhiều người bảo rằng, chẳng ai có thể làm giàu từ nông nghiệp được, em “cay” lắm và quyết tâm phải chứng minh cho mọi người thấy điều ngược lại” - Hịu nói.
Trên diện tích gần 2 ha trước đây hầu như bỏ không, anh Hịu cải tạo lại thành khu chăn nuôi lợn với quy mô hiện đại, 2 chiếc ao trong khu đất này được xây dựng khoa học, hợp lý và bắt đầu nghiệp làm… nông dân.
Ban đầu, chưa có kinh nghiệm, anh Hịu phải bỏ hàng tháng trời đi học tập ở những trang trại gần đó và đọc thêm các sách kỹ thuật về chăn nuôi. Nhiều đêm, anh Hịu thức trắng lo cho mấy con lợn ốm, rồi lặn lội đi tìm những bác sĩ thú y giỏi để học hỏi thêm kinh nghiệm.
Quá trình chăn nuôi, lượng thức ăn, loại thức ăn cho mỗi con vật được anh ghi chép cẩn thận. Đó cũng là lúc anh Hịu xây dựng gia đình với một cô gái cùng quê vừa tốt nghiệp kế toán của một trường cao đẳng. Sự động viên của người vợ trẻ tiếp thêm sức mạnh cho anh Hịu để lăn lộn suốt ngày với kế hoạch làm giàu từ chính quê hương mình.
Trong chăn nuôi lợn, anh Hịu chọn hướng nuôi lợn nái sinh sản với một tiêu chí đơn giản: Nếu con giống mà không bán được thì có thể để nuôi cũng vẫn có lãi. Còn hai chiếc ao được anh chọn thả nhiều loại cá truyền thống như chép, trắm, rô phi…
Lứa cá đầu tiên anh Hịu bị lỗ do không để ý đến khẩu phần khiến chi phí bỏ ra lớn mà cá vẫn chậm lớn, thậm chí bị chết nhiều. Lại có khá nhiều những lời xì xào, bàn tán, châm chọc ý tưởng điên rồ của Hịu. Nhưng chỉ lứa sau, với sự thay đổi trong khẩu phần ăn, thời gian cho ăn hợp lý, ao cá của vợ chồng anh Hịu đã cho thu lãi hàng chục triệu đồng. Còn đối với lợn nái sinh sản, anh Hịu đặc biệt để ý đến nguồn gốc giống và thức ăn, bảo đảm chuồng trại luôn sạch sẽ.
Mỗi năm thu lãi gần 1 tỷ đồng
Sau nhiều nỗ lực đến nay trang trại của gia đình anh Hịu đã cho “quả ngọt”. Mỗi một năm trang trại của vợ chồng anh xuất chuồng hàng nghìn con lợn sữa, lãi khoảng 500 triệu đồng/năm, nguồn thu lãi từ cá cũng khoảng 400 triệu đồng/năm. Trang trại của anh Hịu còn tạo công ăn việc làm cho một số người dân ở quê. Ngoài ra, anh Hịu còn làm đại lý cám cho một số đơn vị nữa với khả năng tiêu thụ trung bình hơn 100 tấn/tháng.
Chàng cử nhân kinh tế ngày nào đã trở thành một nông dân chính hiệu với thu nhập hàng tỷ đồng/năm và nhận được sự thán phục, đồng cảm, trân trọng của bạn bè và những người thân trong gia đình. Nguyễn Văn Hịu cũng là một gương mặt xuất sắc của thanh niên Bắc Ninh vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2013.
Hiện nay, trang trại của anh Hịu cũng là một “địa chỉ đỏ” cho nhiều thanh niên đến học tập kinh nghiệm. Chàng cử nhân ngày nào không ngần ngại chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm thậm chí cả sự quyết tâm của mình cho những người có cùng chí hướng.
Chia sẻ về những dự định tương lai, anh Hịu muốn tiếp tục mở rộng hơn nữa quy mô của trang trại và có thể sẽ chăn nuôi đa dạng hơn nữa, đặc biệt là một số loại con đặc sản có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Anh Nguyễn Xuân Hoàn, Phó Bí thư Đoàn xã Nghĩa Đạo khá tự hào khi nói về người thanh niên tiêu biểu Nguyễn Văn Hịu: “Trong lúc người nông dân bây giờ bỏ ruộng đi làm công nhân, diện tích đất bị bỏ phí thì những người như Hịu vẫn tìm ra cách làm hiệu quả trên chính quê hương mình.
Điều đó thực sự thôi thúc người trẻ ở Nghĩa Đạo phải có cái nhìn lại về việc làm giàu trên mảnh đất của mình. Hịu cũng là một tấm gương sáng cho đoàn viên, thanh niên trong xã học tập, noi theo về tinh thần, ý chí và khát vọng làm giàu chính đáng”.
Bên cạnh việc chọn ngành học theo sở thích và năng lực, yếu tố tính cách cũng rất quan trọng.
Có rất nhiều trường Đại học, Cao đẳng hiện nay tiến hành giảng dạy nhiều nội dung bằng tiếng Anh cũng như quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) cho sinh viên tốt nghiệp ra trường.
Học ngành nào để ra trường dễ kiếm việc làm không bị thất nghiệp là câu hỏi mà rất nhiều các bạn đứng trước ngưỡng cửa đại học phân vân khi mà thực trạng hiện nay sinh viên ra trường sau khi tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ thất nghiệp quá nhiều.
Trường Đại học Lao động - Xã hội (CSII) tại Thành phố Hồ Chí Minh thông báo tuyển Giảng viên giảng dạy một số chuyên ngành, cụ thể như sau: