Tuyển dụng kế toán: Bí quyết xin việc thành công

Những năm gần đây, kế toán không thực sự còn là một ngành \"hot\". Dưới đây là những chia sẻ về bí quyết giúp bạn xin việc kế toán thành công.

1 . Hồ sơ xin việc kế toán

Bạn cần nhớ rằng hồ sơ xin việc là tài liệu quan trọng nhất để nhà tuyển dụng thấy được những điểm mạnh của bạn và quyết định có nhận bạn hay không. Dưới đây là những mục thông tin mà bạn nên đảm bảo trong hồ sơ xin việc của mình:

- Mục tiêu nghề nghiệp: Hãy cho biết định hướng và mục tiêu nghề nghiệp mà bạn muốn hướng đến trong tương lai. Để viết mục tiêu nghề nghiệp ấn tượng, bạn nên nghiên cứu kỹ bản mô tả công việc xem nhà tuyển dụng cần gì ở ứng viên. Bạn cần viết mục tiêu rõ ràng, chi tiết nhưng đừng quá “khiêm tốn” khiến nhiều nhà tuyển dụng không thèm chú ý đến hồ sơ của bạn.

- Thành tích học tập: Nếu là sinh viên mới ra trường và chưa có kinh nghiệm làm việc nổi bật thì bạn có thể tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng về thông tin học vấn của mình. Rất nhiều nhà tuyển dụng tìm kiếm những ứng viên có thành tích học tập vượt trội, vậy thì bạn hãy trình bày “trình độ học vấn” ngay sau phần “mục tiêu nghề nghiệp”. Đừng quên giới thiệu thành tích học tập và trình bày những khóa học bạn đã tham gia hay bằng cấp đã đạt được liên quan đến vị trí ứng tuyển.

- Kinh nghiệm làm việc:  Với những bạn mới tốt nghiệp, hãy trình bày những kinh nghiệm quý báu bạn đã có trong thời gian thực tập kế toán hay việc làm bán thời gian trước đây. Nêu bật những thế mạnh cho thấy bạn sẽ là một nhân viên tích cực, sẽ đóng góp nhiều lợi ích cho công ty. Nếu đã từng làm công việc bán thời gian, bạn cũng nên cho biết những thành tích đã đóng góp ở các công ty trước. Đặc biệt là đối với nghề kế toán, rất yêu cầu bạn phải có những kinh nghiệm thực tiễn hay là những kiến thức thực tế. Còn những bạn đã có kinh nghiệm rồi thì đừng ngần ngại gì mà không "phô" ra nhé.

- Kỹ năng: Nhà tuyển dụng luôn tìm kiếm ứng viên có kỹ năng làm việc. Bạn có thể nêu tốc độ đánh máy nhanh, khả năng giao tiếp xuất sắc như những kỹ năng nổi bật của mình. Ngoài ra, nếu bạn có tham gia những khóa học kế toán thực hành , làm việc nhóm… hãy chia sẻ với nhà tuyển dụng ngay, chắc chắn bạn sẽ được cộng thêm điểm. Những kỹ năng này rất cần thiết cho một kế toán viên.

- Người tham khảo: Đây là một phần khá quan trọng trong hồ sơ. Bạn có thể nhờ thầy cô ở trường hay sếp trực tiếp tại công ty bạn đã thực tập làm người tham khảo cho bạn. Được người có uy tín đánh giá “có tinh thần làm việc theo nhóm”, “cẩn thận” hay “có tư duy sáng tạo”, bạn sẽ có trong tay bằng chứng xác thực nhất về khả năng của mình.

- Thông tin khác/ thông tin bổ sung: Hầu như rất nhiều ứng viên đều bỏ qua phần này nhưng để có một hồ sơ hoàn chỉnh, bạn cần đầu tư thêm cho mục cuối cùng này. Bạn có thể tận dụng phần thông tin khác trong hồ sơ để giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về tính cách, sở thích và những thói quen cá nhân của mình. Nếu bạn là người tỉ mỉ, cẩn thận và chăm chỉ, nhà tuyển dụng sẽ thấy bạn phù hợp vị trí kế toán mà họ đang cần.

Ngoài những thông tin trên, bạn cũng cần nêu ra những hoạt động ngoại khóa, những hoạt động xã hội mà bạn đã từng tham gia, điều này cũng giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng đấy.

2. Quá trình phỏng vấn

Khi đã gây ấn tượng được nhà tuyển dụng ở vòng tuyển chọn hồ sơ, bạn sẽ được gọi đến phỏng vấn. Lúc này, hãy chuẩn bị cho mình những nội dung sau:

- Tìm hiểu kỹ công ty mà bạn sắp tham gia phỏng vấn: Bạn có thể tìm hiểu thông tin công ty thông qua các mối quan hệ bạn bè, người thân, website hoặc các phương tiện thông tin khác. Điều tối kỵ là bạn đưa ra câu trả lời "Em chưa tìm hiểu." khi nhà tuyển dụng hỏi một số thông tin về công ty của họ đấy nhé. Vì điều này chứng tỏ rằng bạn không thực sự quan tâm đến vị trí mà bạn đang ứng tuyển.

Hãy cho nhà tuyển dụng thấy được những điểm mạnh của bạn trong buổi phỏng vấn.

- Dự tính thời gian đến địa điểm phỏng vấn: Đến tham gia phỏng vấn trễ là điều tối kỵ và làm bạn mất điểm trước nhà tuyển dụng. Trong trường hợp bạn chưa bao giờ đến nơi sẽ phỏng vấn, bạn nên đến thử xem đó ở nơi nào, mất thời gian bao lâu để đến. Nếu bạn biết rõ địa điểm và thời gian cần thiết để đến nơi đó thì cũng nên trừ hao thời gian đến trước tối thiểu là 10 phút.

- Xin thông tin của người phỏng vấn: Phòng những trường hợp vì một lý do không mong muốn nào đó mà bạn không thể đến kịp buổi phỏng vấn như lịch hẹn của nhà tuyển dụng, bạn hãy xin số điện thoại của họ để liên lạc kịp thời nhé.

- Vận dụng kiến thức chuyên ngành để hoàn thành phần thi nghiệp vụ: Đặc biệt đối với vị trí kế toán, thông thường sẽ có một vòng phỏng vấn tuyển nghiệp vụ: Kế toán trưởng sẽ đưa ra một vài nghiệp vụ mà công ty thường xuyên phát sinh, sau đó yêu cầu các ứng viên định khoản hoặc giải quyết tình huống. Vòng này không phải quá khó, mục đích chính là kiểm tra khả năng nghiệp vụ của các ứng viên. Ở vòng này, không nhất thiết có kinh nghiệm mới có thể thực hiện được, chỉ cần bạn nắm chắc kiến thức đã học.

- Trang phục phỏng vấn: Trang phục hợp lý nhất khi bạn tham gia phỏng vấn vị trí kế toán là trang phục kín đáo, nhẹ nhàng, lịch sự nhé. Đừng chọn cho mình một bộ trang phục quá cấu kỳ vì đó chỉ thích hợp cho ngành thời trang thôi. 

3. Giai đoạn thử việc

Sau khi đã vượt quan vòng phỏng vấn, bạn sẽ được mời đến công ty làm việc. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ được nhận chính thức mà sẽ phải trải qua một thời gian thử việc nhất định. Mỗi công ty đều có những đặc trưng riêng, có những văn hóa doanh nghiệp riêng, dó đó bạn cần có được tinh thần thoải mái, hòa đồng, sẵn sàng làm bất cứ việc gì được giao, chuẩn bị tốt những kiến thức nghiệp vụ để có thể tiếp tục chinh phục các nhà tuyển dụng của bạn. Hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn là người phù hợp với vị trí kế toán của công ty hơn ai hết nhé.

Chúc các bạn thành công!!!

Theo Thethaohangngay