\'Làn sóng\' bỏ đại học để vào trường nghềMùa tuyển sinh năm nay đã xuất hiện một dòng chảy ngược, người học chấp nhận “tách nhánh”: học nghề thay vì chỉ chăm chăm vào đại học. Thậm chí, nhiều thí sinh trúng tuyển đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) chính quy vẫn mạnh dạn từ bỏ để vào các trường trung cấp (TC), trường nghề. Học sinh giỏi cũng vào trung cấp Em Nguyễn Thị Hương, học sinh ngành y sĩ k2014 Trường TC Ánh Sáng (Q.12) từng đoạt giải ba học sinh giỏi cấp TP môn sinh học năm học 2013-2014. Với lợi thế giải thưởng cộng với học lực đạt loại xuất sắc, thầy cô, bè bạn và họ hàng đinh ninh cô nữ sinh lớp 9/9 Trường THCS Nguyễn Huệ (Q.12) sẽ chọn thi vào THPT chuyên, hoặc ít ra cũng là lớp 10 công lập đường hoàng. Nhưng ngày nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng vào lớp 10, Hương chọn chuyển sang học trung cấp. Hương đã thuyết phục gia đình, cô chủ nhiệm với lý do không muốn mất thời gian để học hết ba năm THPT rồi thi vào đại học (ĐH), mà muốn học nghề sớm để ra trường có thể đi làm ngay, dù điều kiện gia đình không hề khó khăn. “Chỉ hai năm học, em có thể xin đi làm, tích lũy kinh nghiệm thực tế mà ở giảng đường không thể có. Sau đó sẽ học liên thông lên ĐH chỉ chừng ba-bốn năm. Lúc đó em vừa có bằng ĐH, vừa có kinh nghiệm thực tế, không lo sẽ cạnh tranh không lại những bạn đi thẳng vào ĐH”, Hương tự tin chia sẻ. Sau một học kỳ học TC, chúng tôi hỏi Hương có muốn chọn học lại THPT như các bạn? Hương khẳng định chắc nịch: "Hiện tại, em vẫn được học các môn văn hóa như các bạn phổ thông. Ngoài ra còn có những môn rất cần thiết cho công việc và cuộc sống như kỹ năng giao tiếp, môn cơ sở ngành y, tiếng Anh giao tiếp… Bản thân em thấy rất hứng thú và không cần phải chọn lại". Trong lớp TC y sĩ như Hương còn có em Nguyễn Văn Duy (Thanh Hóa) cũng “từ chối” vào hai trường ĐH để học TC. Em Nguyễn Thị Xuân Giao có điểm thi ĐH 2014 đạt 17 điểm, trúng tuyển vào trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM; điểm cao đẳng là 22 điểm, đủ điểm trúng tuyển vào trường CĐ Kinh tế đối ngoại. Thế nhưng, Giao không chọn cả hai trường “chiếu trên” mà vào học nghề ở Trường CĐ nghề Kinh tế - công nghệ TP.HCM (Q.Tân Bình) ngành Quản trị doanh nghiệp. Lý do đơn giản là học nghề vừa ít tốn thời gian, những môn đại cương ít liên quan đến chuyên môn, thay vào đó học nhiều kỹ năng nghề nghiệp hơn để dễ tìm việc. Quan trọng hơn, học trường nghề học phí rẻ hơn nhiều so với học ĐH. Tương tự, em Lê Thị Thu Hà trúng tuyển vào trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM với điểm số 19,5 điểm cũng chủ động chuyển sang học ngành Dược của Trường CĐ nghề Kinh tế- công nghệ TP.HCM với mong muốn sớm có một việc làm ổn định, không lo thất nghiệp. ThS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường TC nghề Việt Giao (Q.10) cho biết: người học đã có cái nhìn thực tế hơn là hướng đến kỹ năng nghề nghiệp và cơ hội việc làm hơn là chạy theo xu hướng bằng cấp. Năm nay, không chỉ có một-hai học sinh THCS chịu “tách nhánh” sang trường nghề mà trường tuyển được 203 học sinh tốt nghiệp THCS. Hiện tượng này không có nghĩa là các em không đủ sức học tiếp lên THPT, bởi có đến 39 em có học lực tốt nghiệp THCS loại giỏi, đủ điều kiện để dự thi vào lớp 10 chuyên hẳn hoi nhưng vẫn xác định chọn con đường đi phù hợp và thực tế hơn. Thậm chí, trường hiện có hai thạc sĩ đang công tác tại một trường ĐH công lập hẳn hoi vẫn chọn học thêm nghề quản lý nhà hàng khách sạn để mở rộng thêm cơ hội nghề nghiệp cho bản thân. Tương tự, thống kê của Trường TC Ánh Sáng cho thấy, có khoảng 160/1.000 học sinh tốt nghiệp THPT vào học khóa 2014 đủ điểm xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ, khoảng 10 học sinh tốt nghiệp THCS loại giỏi đủ điểm vào lớp 10 công lập chủ động chuyển hướng học trung cấp. Bằng cấp thấp nhưng… lương cao Thống kê đến tháng 7/2014 của Bộ Lao động - thương binh và xã hội, cả nước có hơn 160.000 người có trình độ ĐH trở lên thất nghiệp. Theo ông Trần Anh Tuấn, quyền Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực TP.HCM, xu hướng nguồn nhân lực đang thay đổi, doanh nghiệp ngày nay cần nguồn nhân lực chất lượng cao, chứ không phải bằng cấp cao. Họ yêu cầu người lao động phải có kỹ năng nghề nghiệp cao, thành thạo những kỹ năng mềm thực tế… có thể làm việc trực tiếp hơn là bằng cấp. Điều này lý giải vì sao rất nhiều lao động chỉ có bằng trung cấp, bằng nghề mà thu nhập rất cao. Trương Thị Ngọc Lan, nhân viên kế toán Công ty dịch vụ bảo vệ Sơn Danh (Q.12) là một điển hình bằng cấp "thấp" nhưng thu nhập không thấp. Sau hơn một năm học đại cương tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Lan xin bảo lưu để chuyển sang học trung cấp kế toán tại Trường TC Ánh Sáng để giảm bớt chi phí và thời gian học. Lan cho biết: “Nghe báo đài nói cử nhân kinh tế thất nghiệp rất nhiều nên em sợ đổ tiền của cha mẹ đi học xong lại không tìm được việc làm. Em chuyển qua học TC hai năm với những môn học thực tế, ra trường xin được việc làm ngay với mức lương khởi điểm 4 triệu/tháng. Sau sáu tháng em được tăng lương lên bảy triệu đồng trong khi bạn bè em sau khi tốt nghiệp ĐH vẫn còn thất nghiệp. Hiện tại, ngoài công việc chính, em còn nhận làm dịch vụ kế toán cho một số công ty nhỏ nên thu nhập mỗi tháng từ 13-17 triệu đồng”. Ông Trần Phương lý giải thêm: “Ngoài kỹ năng nghề nghiệp, những học sinh TC nghề có cái nhìn rất thực tế giữa năng lực và việc làm, vì vậy dễ kiếm được việc ngay. Khi tôi phụ trách công tác quan hệ doanh nghiệp cho một trường ĐH lớn có một thực tế rằng, các em tốt nghiệp ĐH thường chỉ nghĩ những vị trí cao xa như mở công ty làm giám đốc hoặc ít ra cũng phải làm trưởng nhóm, trưởng phó phòng… Trong khi đó, học sinh trường nghề chỉ cần có việc làm đúng chuyên môn để làm ngay. Có khoảng 60% học sinh đang học ngành kỹ thuật chế biến món ăn được doanh nghiệp “bắt” về làm thêm với thu nhập phụ bếp khoảng bốn-sáu triệu đồng/tháng, đây cũng là cơ hội để các em vừa học vừa cọ xát thực tế. Sau khi tốt nghiệp, tùy vào nhà hàng công tác có mức lương từ 6-10 triệu đồng/tháng; sau hai-ba năm làm việc các em có thu nhập nhập 15-20 triệu/tháng rất nhiều. Tương tự, thống kê của Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp của trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho thấy, có khoảng 90% học sinh tốt nghiệp TC ra trường có việc làm đúng chuyên môn. Nhiều học sinh sau khi làm việc từ 3-5 năm vươn lên vị trí phó trưởng phòng, chi nhánh kinh doanh, công ty nước ngoài… với mức lương 15 triệu trở lên không hề hiếm. Bởi các doanh nghiệp tư nhân, công ty kinh doanh chủ yếu đánh giá năng lực thông qua kỹ năng nghề nghiệp và hiệu quả công việc, thành tích kinh doanh. ThS Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng CĐ nghề Kinh tế - công nghệ TP.HCM đánh giá: “Xu hướng này cần được phát triển bởi các lợi thế về chi phí thấp, thời gian ngắn và dễ kiếm việc làm ngay. Các em tốt nghiệp TC, trường nghề có thể khởi nghiệp với những vị trí thấp, nhưng nếu có kỹ năng và cố gắng sẽ vươn lên vị trí cao. Bằng cấp chỉ có giá trị khi xin việc, không có ý nghĩa để thăng tiến. Đây là những thông tin mà các trường phổ thông cần định hướng để học sinh hiểu rõ, lựa chọn cho chính xác. Nhiều nhà giáo dục cho rằng, khâu định hướng nghề nghiệp cho học sinh còn yếu nên việc người học chọn sai nghề là chuyện thường xảy ra. Vì vậy, nếu học TC, sau khi ra trường đi làm, người học nhận ra không phù hợp vẫn còn nhiều cơ hội để chọn lại. Nếu cứ “cắm đầu” chạy vào ĐH, trải qua 4-5 năm học tập rồi nhận ra sai lầm, thất nghiệp thì sẽ là lãng phí lớn chi phí đào tạo của xã hội và bản thân người học Nguyên nhân vì đâu? Các chuyên gia lao động việc làm không mấy bất ngờ trước tình trạng trên. Bởi theo ông Trần Anh Tuấn - phó Giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) thì có đến 80% sinh viên mới ra trường không tìm được việc làm trong 3 tháng, 50% thất nghiệp trong 6 tháng, thậm chí sau 1 năm vẫn có đến 30% sinh viên không tìm được việc làm hoặc buộc phải làm trái nghề. Theo ông Tuấn, nguyên nhân chính của tình trạng trên là do nghịch lý cung cầu của thị trường lao động: nhu cầu nhân lực trình độ cao ít mà cung nhiều, ngành có ít nhu cầu lại nhiều người học. Mấy năm qua, tình hình kinh tế khó khăn, doanh nghiệp giải thể nhiều càng khiến nghịch lý này bộc lộ rõ rệt hơn, nhân lực trình độ đại học ngày càng khó kiếm việc. Người sử dụng lao động thì đánh giá nguyên nhân là do trình độ chuyên môn của cử nhân mới ra trường quá yếu. Ông Hồng Xuân Viên - Trưởng ban Đào tạo của công ty Micro Game cho biết:“Chúng tôi từng tuyển dụng hơn 60 người có bằng cấp vào công ty cùng một lúc. Nhưng sau 6 tháng chỉ còn lại vài ba người đạt yêu cầu, làm được việc”. Còn Thạc sĩ Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Nông lâm TPHCM cho rằng: “Nếu cho rằng chất lượng đào tạo thấp khiến sinh viên ra trường không tìm được việc thì cũng chỉ là một nguyên nhân nhưng không quyết định tất cả. Cấu trúc chương trình, chuẩn kiến thức do Bộ GD-ĐT quy định chiếm 80% trong chương trình đào tạo. Ngoài phần “cứng” bắt buộc trên thì 20% còn lại là tùy thuộc vào các trường xây dựng sao cho cho phù hợp với mỗi trường”. Theo ông Lý, cử nhân tốt nghiệp ĐH với kiến thức chuẩn đã học khi ra trường là đủ điều kiện để làm việc ở mọi doanh nghiệp. Kỹ năng để vận dụng kiến thức vào bối cảnh, môi trường cũng tương đối tốt. Nhiều doanh nghiệp đánh giá cao ở kiến thức và kỹ năng của sinh viên. Thạc sĩ Trần Đình Lý cho rằng nguyên nhân lớn đến từ thái độ ứng xử, ứng phó những tình huống đời sống của sinh viên còn rất kém. Ông nói: “Một doanh nghiệp từng kể một câu chuyện tuyển dụng rằng: công ty đã “đánh rớt” thẳng một sinh viên tốt nghiệp ngành kinh tế với tấm bằng giỏi, bảng điểm rất tốt ứng cử vào vị trí kế toán của công ty chỉ vì sinh viên này làm ngơ khi thấy vòi nước công ty xả nước tràn lan”. “Như vậy, có những trường hợp sinh viên bị từ chối không phải do kiến thức mà ở thái độ!” - Thạc sĩ Trần Đình Lý phân tích. Theo Thethaohangngay NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247! Nếu em đang:
Tuyensinh247 giúp em:
Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY |
Khó tìm được việc đúng ngành học, nhiều cử nhân chấp nhận làm lao động phổ thông trong thời gian chờ việc với tâm thế “lấy ngắn nuôi dài”. Nhiều khi chờ đợi mãi vẫn không có việc đúng trình độ, có những cử nhân đành đi học nghề để làm công nhân kỹ thuật.
Theo thống kê dân số và lao động các năm gần đây, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường thất nghiệp cao hơn nhiều so với người lao động chân tay.
Bên cạnh việc chọn ngành học theo sở thích và năng lực, yếu tố tính cách cũng rất quan trọng.
Có rất nhiều trường Đại học, Cao đẳng hiện nay tiến hành giảng dạy nhiều nội dung bằng tiếng Anh cũng như quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) cho sinh viên tốt nghiệp ra trường.
Học ngành nào để ra trường dễ kiếm việc làm không bị thất nghiệp là câu hỏi mà rất nhiều các bạn đứng trước ngưỡng cửa đại học phân vân khi mà thực trạng hiện nay sinh viên ra trường sau khi tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ thất nghiệp quá nhiều.