Từ học sinh mất gốc Sinh, Sử, Địa, mình đã làm gì để đạt 113 điểm ĐGNL HN?

110+ là điểm số mong ước của nhiều thí sinh thi Đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội. Dưới đây là chia sẻ về quá trình ôn tập của một thí sinh có xuất phát điểm là học sinh khối A, kiến thức các môn còn lại kém đã đạt 113 điểm HSA.

TỪ 1 HỌC SINH MẤT GỐC SINH, SỬ, ĐỊA, MÌNH ĐÃ LÀM GÌ ĐỂ ĐẠT 113 ĐIỂM HSA?

Xuất phát điểm là học sinh khối A, kiến thức các môn còn lại rất kém, mình đã từng rất tự ti và không nghĩ sẽ tham gia kỳ thi này. Kết quả tuy không quá cao nhưng nó đã vượt kỳ vọng của mình. Vậy nên, mình muốn chia sẻ cho mọi người về những gì mình đã làm để vượt qua nó.

1. HÃY TẬP TRUNG VÀO ĐIỂM MẠNH CỦA BẢN THÂN

Trong cấu trúc đề thi HSA, sẽ có 3 phần với các nội dung kiến thức khác nhau. Các bạn nên chọn 1 phần làm thế mạnh của bản thân và quyết tâm đạt điểm thật cao trong phần đó (40+ hoặc 45+), thì các kiến thức cần ôn từ những phần khác sẽ giảm đi kha khá.

Năm ngoái, vì là 1 học sinh chuyên toán, mình chọn Tư duy định lượng làm thế mạnh của bản thân. Với nhiều bạn còn sợ đề Toán quá dài thì mình khuyên các bạn hãy luyện đề thật nhiều để đẩy nhanh tốc độ phản xạ của bản thân nhé!

2. DỰA VÀO AIM CỦA MÌNH, HÃY ĐẶT MỤC TIÊU THẬT CỤ THỂ

Ở bước này, bạn cần xác định:

- Các môn thế mạnh, sở trường

- Các môn kiến thức chưa vững

- Các môn “mất gốc” hoàn toàn

Dựa vào đó, mục tiêu điểm cho từng môn phải có sự phân bố hợp lý.

Tham khảo: mục tiêu của mình là 110+, trong đó:

- Toán: 45+

- Tư duy định tính: 30+

- Khoa học: 35+ trong đó: Lý, Hoá trên 90% và Sinh, Sử, Địa trên 60%

3. LÊN LỘ TRÌNH HỌC DỰA VÀO THỜI GIAN CỤ THỂ MÀ BẠN CÓ

Bạn cần đảm bảo bạn có thời gian để:

- Học lại một số kiến thức “mất gốc”. Tại sao mình lại gọi là “một số”? Mình khuyên các bạn không nên dàn trải toàn bộ kiến thức mà hãy chọn những phần nội dung kiến thức tiêu biểu, trọng tâm. Điều này thì các bạn có thể tham khảo một số khóa ôn thi, bởi ở đó thầy cô đã chọn lọc và sắp xếp chúng hợp lý rồi.

- Rà soát lại kiến thức chưa vững: việc này nên thực hiện song song với việc đầu tiên

- Luyện đề và sửa lỗi: đây là bước vô cùng quan trọng để bạn nhận ra thiếu sót và bổ sung hoàn thiện , cũng là lúc để bạn đẩy phong độ của mình lên cao nhất vào ngày thi.

4. Lời khuyên cuối cùng: hãy bắt đầu ngay từ bây giờ bởi bạn có thể phải thi nhiều lần và nâng cấp bản thân dần sau những lần thi.